Một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam và thế giới đã ra đi

Giáo sư Trần Văn Khê, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới đã qua đời lúc 2 giờ 55 phút ngày 24-6 ở tuổi 94, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh). Cả cuộc đời của giáo sư dành trọn cho âm nhạc và văn hóa, nghệ thuật dân tộc, với nhiều công trình nghiên cứu, khảo cứu, sưu tầm mang giá trị cao về khoa học, là cơ sở cho các thế hệ kế tiếp bảo tồn và phát huy.

Một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam và thế giới đã ra đi

Tôi nhớ, sau khi Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Bộ Ngoại giao mời GS Trần Văn Khê đến nói chuyện. Cả hội trường lớn ở trụ sở của Bộ tại Hà Nội đông nghịt người nghe, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng vỗ tay. Giáo sư không chỉ nói rất hấp dẫn, mà ông còn tự đàn tự hát cũng rất hay về âm nhạc dân tộc. Ông có thể nói liên tục mấy tiếng đồng hồ mà người nghe vẫn bị cuốn hút bởi kiến thức uyên bác và cái duyên trời cho.

GS Trần Văn Khê là Tiến sĩ Âm nhạc ở Trường đại học Xoóc-bon (Sorbon) danh tiếng ở Pháp, đồng thời là giáo sư, Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc tế ở Pa-ri. Trong nhiều năm, giáo sư đi giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam ở khắp các châu lục. Không chỉ giảng dạy, ông còn sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc của những nước châu Á, châu Phi để tìm ra những mối tương đồng với nhau.

Tôi được quen biết GS Trần Văn Khê từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, thời kỳ tôi phụ trách Viện Sân khấu Việt Nam. GS Trần Văn Khê về nước một, hai lần và thường đến nhờ tôi tổ chức giới thiệu nghệ thuật Hát bội (tuồng) cho ông ghi âm và quay vi-đê-ô. Cũng có những lần tôi mời ông đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi dự hội thảo về tuồng, về văn hóa dân tộc, ông đều đi dự và chú ý lắng nghe. Những gì ông chưa rõ về tuồng, về bài chòi thì ông bảo tôi nói lại cho ông nghe và ghi chép đầy đủ.

Thật hiếm thấy một giáo sư nổi tiếng như vậy mà rất chăm chỉ, khiêm tốn trong việc tìm tòi nghiên cứu học tập vốn cổ. Tháng 9-2002, GS, TS Thái Kim Lan, một Việt kiều ở CHLB Đức mời Đoàn tuồng Bình Định sang TP Mu-ních biểu diễn. Bà đã mời GS Trần Văn Khê từ Pháp và tôi từ Hà Nội sang để giao lưu với giới trí thức và các nhà nghiên cứu văn hóa Đức. Trong gần hai tuần lễ, tôi được sống gần ông và được trò chuyện rất nhiều về nghệ thuật sân khấu và âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tôi đã ghi câu chuyện trao đổi với GS Trần Văn Khê tới 50 trang trong quyển sổ nhỏ. Bây giờ đọc lại mới thấy những gì ông nói là vô giá về kinh nghiệm nghiên cứu nghệ thuật dân tộc.

Kết thúc công việc ở CHLB Đức, GS Trần Văn Khê lại về Pháp và mời tôi có dịp sang Pa-ri chơi với ông. Phải mấy năm sau tôi mới sang được Pa-ri và đến thăm GS Trần Văn Khê. Ông tỏ ra lúng túng, vì nhà cửa quá chật chội, bởi toàn bộ tầng lầu rộng lớn biến thành kho sách và tư liệu nghệ thuật khổng lồ, sách và băng đĩa nhạc được giáo sư sưu tầm, tích lũy suốt 50 năm đã chiếm hết chỗ sinh hoạt của ông, chỉ có nhà bếp và buồng tắm là còn trống. Nhà bếp hầu như không nấu nướng vì giáo sư không có thì giờ, đến bữa ăn đã có nữ dược sĩ Tường Vân (con gái nhà yêu nước Hồ Tá Bang, người giúp đỡ Bác Hồ lúc Người ở Phan Thiết) và cũng là một người mến mộ ông, nấu nướng và mang tới để ông ăn. Ông sống độc thân suốt 50 năm, dường như tất cả thời gian và tâm huyết là dành cho việc nghiên cứu âm nhạc. Và từ vốn kiến thức đồ sộ ấy, GS Trần Văn Khê như một pho từ điển sống về âm nhạc, ông đã viết bảy tập hồi ký về cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình. Có lẽ cũng vì tâm đầu ý hợp trong những suy nghĩ và nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật dân tộc mà trong chuyến đi này, tôi đã được GS Trần Văn Khê nhận là em kết nghĩa.

Giáo sư tiếp tôi rất nhiệt tình với những lời tâm sự về nghiên cứu quảng bá âm nhạc dân tộc, khiến tôi không có cảm giác chật chội nữa. Ông mở những băng đĩa ra cho tôi nghe, rồi giải thích rất tỉ mỉ những nội dung và giá trị của những tư liệu âm nhạc mà ông đã thu được ở Việt Nam, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Từ tiếng hát tuồng của nghệ sĩ Năm Đồ, đến tiếng hát cải lương của Phùng Há, đều có trong kho băng đĩa của ông.

Tuy đã sống ở Pa-ri ngót nửa thế kỷ với nhiều kỷ niệm, nhưng GS Trần Văn Khê nhất quyết trở về quê hương để sống và cống hiến những năm tháng cuối đời cho nền âm nhạc dân tộc. Ý nguyện này đã thành hiện thực khi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết định cấp cho ông tòa biệt thự ở quận Bình Thạnh, nơi vừa làm Bảo tàng Âm nhạc và cũng là nơi giáo sư gặp gỡ đồng nghiệp, giảng dạy cho thế hệ trẻ yêu âm nhạc dân tộc. Tưởng như vậy là đã vui, là toại nguyện đối với cây đại thụ âm nhạc Trần Văn Khê, nhưng ông vẫn còn những băn khoăn về nền âm nhạc dân tộc nước nhà. Hằng ngày, ông vẫn triển khai thực hiện Dự án Âm nhạc học đường do UNESCO tài trợ, để thử nghiệm dạy nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học TP Hồ Chí Minh. Ông cảm thấy vui khi các học sinh cùng các cô giáo trẻ đều say sưa học, say sưa tìm hiểu về âm nhạc dân tộc và hy vọng khóa đào tạo thể nghiệm âm nhạc học đường ở TP Hồ Chí Minh sẽ được nhân rộng ra cả nước. Như vậy, âm nhạc dân tộc Việt Nam sẽ không bị đứt mạch truyền thống, không bị âm nhạc phương Tây lấn át nữa.

Tuy nhiên, theo lời anh Huỳnh Văn Tươi, trợ lý của GS Trần Văn Khê, ông đã rất buồn khi một học trò là cô giáo đang theo học lớp thử nghiệm dạy nhạc dân tộc trong trường tiểu học đưa cho ông xem một quyển sách dạy nhạc (Hát nhạc 4) và nói rằng: Đây là giáo trình âm nhạc cho các em học sinh tiểu học mà nội dung của nó hoàn toàn khác với nội dung của GS Trần Văn Khê đang dạy. Cụ thể là, nội dung trong dự án thử nghiệm âm nhạc học đường do UNESCO tài trợ và giáo sư đang truyền dạy thí điểm tại TP Hồ Chí Minh dùng phương pháp truyền nghề truyền thống đã được tổng kết và nâng lên thành phương pháp khoa học, đồng thời giảng dạy trên cơ sở âm nhạc dân tộc, hoàn toàn khác với giáo trình âm nhạc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giảng dạy chính thức ở các trường tiểu học trong toàn quốc. Trong giáo trình này nói rất ít về âm nhạc dân tộc...

Dù vậy, GS Trần Văn Khê vẫn làm việc hết sức mình để dự án đưa âm nhạc dân tộc vào học đường được triển khai. Đó là nhiệt huyết và mong mỏi của một người đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho âm nhạc và văn hóa - nghệ thuật dân tộc, đồng thời cũng là điều mà chúng ta luôn luôn ghi nhớ về ông.

Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, GS Trần Văn Khê trở về Việt Nam và sống tại căn biệt thự số 32 - đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Trong di nguyện của mình, giáo sư nêu rõ, khi ông vĩnh viễn ra đi, căn biệt thự này sẽ được dùng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê cùng toàn bộ tài liệu, sách báo, hiện vật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của ông, với mong muốn sự nghiệp tinh thần, các hiện vật, tài liệu, vật dụng của mình để lại được dùng vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam đúng với nguyện vọng và hoài bão của ông.
Thông tin từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lễ viếng GS Trần Văn Khê được tổ chức tại tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) từ 12 giờ ngày 26-6 đến hết ngày 28-6. Lễ truy điệu và lễ động quan từ 6 giờ sáng 29-6, sau đó di hài sẽ được hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.