Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng:

Mỗi lần đến Trường Sa như được trở về nhà

NDO -

NDĐT – Có lẽ, Nguyễn Phi Hùng là ca sĩ đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhiều lần nhất với năm lần và sáng tác đến năm bài hát sau mỗi chuyến đi để tặng những người chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt hiểm nguy bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với Nguyễn Phi Hùng, đó là những “phần thưởng” lớn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình mà anh đã vinh dự được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng và trao tặng.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ Trường Sa.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ Trường Sa.

Tôi gặp và ngồi cùng nam ca sĩ gốc Hà Nội tại TP Cần Thơ rất nhiều lần, cũng nâng ly cùng nhau nhưng là những cuộc trò chuyện ngắn, rồi anh lại phải về lại TP Hồ Chí Minh ngay trong đêm, sau chuyến biểu diễn. Thế nhưng lần này, khi về Cần Thơ biểu diễn chương trình chào mừng kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2019) và Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Phi Hùng và tôi đã ngồi lại với nhau rất lâu. Và câu chuyện chỉ thật sự thú vị khi tôi chợt nhắc về chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong đoàn công tác số 4 năm 2013. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chợt hào hứng. Bởi anh cũng lần đầu đến Trường Sa vào năm 2013, nhưng là một chuyến gần cuối năm. Đó cũng là duyên nợ của nam ca sĩ với quần đảo Trường Sa, với những chuyến đi biểu diễn gần như liên tục sau đó. Có lẽ, Nguyễn Phi Hùng là ca sĩ có số lần đến quần đảo Trường Sa nhiều nhất, tận năm lần: 2013, 2014, 2016, 2017 và 2018 và tổng số năm bài hát về Trường Sa và những người lính đảo đã được anh sáng tác.

Mỗi lần đến Trường Sa như được trở về nhà ảnh 1

Nguyễn Phi Hùng chụp ảnh cùng chiến sĩ Trường Sa.

Dẫu nhiều lần đi, đến và trở lại Trường Sa nhưng Nguyễn Phi Hùng đều có cảm xúc như được trở về nhà - một miền quê nhà Việt Nam thân thương, hiền hoà và bình yên. Ở đó có những khu vườn với đủ loại hoa tươi, trái ngọt của đất liền, của từng đàn gà, đàn vịt, những chú heo, chú chó thân thiện với bất cứ đoàn công tác nào ghé đảo.

Anh kể, năm 2013 nhận lời mời của lãnh đạo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh tham gia đoàn công tác thăm và làm việc với cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chuyến đi ấy 10 ngày trên biển. Lần đầu đặt chân đến vùng đất xa xôi giữa biển trời mênh mông của Tổ quốc nhưng Nguyễn Phi Hùng đã cảm nhận được sự gần gũi, thân thương, ruột thịt. “Nhớ nhất là đảo Trường Sa lớn, nơi Hùng đã đến bốn lần mà vẫn bịn rịn chia tay. Mỗi lần rời đảo Trường Sa lớn là các cán bộ, chiến sĩ đến cầu cảng tiễn đưa mà cứ bùi ngùi không muốn xa nhau. Chúng tôi đã hát cùng nhau, hát mãi đến khi tàu rời đi, chỉ còn lại xa xa ánh sáng của ngọn hải đăng treo lơ lửng giữa bầu trời trong lòng mẹ đại dương. Nước mắt những người trong đoàn lăn dài trên má”, nam ca sĩ chia sẻ.

Có nhiều chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ lại mới đi bộ đội mà đến đảo xa nên cảm giác nhớ nhà, người cha nhớ mẹ rất nhiều. Khi thấy trong đoàn có những nghệ sĩ có tuổi, hát những bài hát về mẹ về cha, về gia đình thì các chiến sĩ trẻ đã khóc nức nở, đến ôm các nghệ sĩ như được ôm chính người thân của mình. Và cũng có những chiến sĩ yêu mến nghệ sĩ nhưng không ngờ được gặp thần tượng của mình giữa bốn bề sóng gió như vậy nên đã có những giọt nước mắt hạnh phúc của cả phía Hùng và các chiến sĩ.

Nguyễn Phi Hùng kể, những đảo chìm thì còn thương hơn nữa vì rất khó ghé tàu. Bởi các rặng đá, san hô ngầm trải rất xa ra biển nên tàu lớn không thể tiếp cận. Thường thì phải di chuyển bằng tàu nhỏ để vào, nhưng tàu nhỏ cũng không thể đến tận nơi. Có khi cả đoàn phải xắn quần lội nước hàng trăm mét đi theo lối mòn hai bên là những rạn san hô. Bước từng bước chân chậm rãi theo dấu chân của chiến sĩ đi phía trước. Sơ sẩy là té ngã rách chân, chảy máu ngay. Có nhiều chiến sĩ còn phải vác hộ hành lý, máy móc thiết bị của người trong đoàn, hoặc cõng trên lưng những người con gái trong đoàn vì họ sợ té ngã khi lội nước. Song ai nấy đều nhiệt tình, nụ cười luôn thường trực và cảm thấy hạnh phúc khi có đoàn đến thăm.

“Nhưng không phải chiến sĩ nào cũng có thời gian để tiếp đoàn hay xem ca hát. Các chiến sĩ phải thay phiên nhau canh gác để cho đồng chí của mình vào xem chương trình nghệ thuật. Hết một bài hát thì họ lại đổi vị trí cho nhau, để ai cũng được đến bên thần tượng của mình, được nghe những bài hát về người lính đảo, để đón nhận những tình cảm yêu mến từ đất liền ruột thịt gửi ra tận đảo xa. Có chiến sĩ vẫn không thể được nghe một bài hát vì phải chấp hành nhiệm vụ, lúc nào cũng trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Đến khi chia tay thì chỉ kịp nắm tay nhau và trao cho kỷ vật được chuẩn bị sẵn là một con ốc biển và những lời gửi gắm về với quê nhà ở đất liền, những lời hứa hẹn đầy quyết tâm con sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để bảo vệ biển đảo quê hương”, Nguyễn Phi Hùng bùi ngùi nhớ lại.

Mỗi lần đến Trường Sa như được trở về nhà ảnh 2

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng và nhà báo Quốc Dũng – tác giả bài viết.

Mỗi lần đến Trường Sa, trở về đất liền lại đong đầy cảm xúc, nên sau mỗi chuyến đi Nguyễn Phi Hùng sáng tác một bài hát về Trường Sa, về những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ một phần thiêng liêng giữ biển trời đất nước. Anh nói, năm 2013 đến Trường Sa đã được ngồi cùng các cán bộ chiến sĩ để chia sẻ những giờ phúc căng thẳng, hiểm nguy, chấp nhận hy sinh khi họ làm nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc. “Với Hùng hay những người khác ở đất liền đang sống cuộc sống quá bình yên nên thấy mình nhỏ bé. Còn ở Trường Sa sóng dữ, hiểm nguy tứ phía chập chùng mà những người lính đảo vẫn bình thản, hiên ngang đối diện với bão giông. Hùng nghĩ nên làm cái gì đó cho họ, cho biển đảo thân yêu. Và Hùng đã sáng tác bài “Gửi người lính đảo Trường Sa”. Năm 2014, Hùng lại có dịp ra Trường Sa và Hùng đã biểu diễn bài hát đó. Không ngờ bài hát đó được các cán bộ, chiến sĩ đồng hành trên chuyến tàu Titan đều yêu thích ca đó”, Nguyễn Phi Hùng thổ lộ. Cũng trong chuyến đi năm ấy, nam ca sĩ quyết định quay MV về ca khúc ấy ngay trên đảo. Các chiến sĩ đã nhiệt tình giúp từ trang phục đến tất cả mọi thứ tốt nhất. “Từ đó, Hùng thấy mình phải sứ mệnh truyền tải cho đất liền biết những sóng gió của người lính đảo phải đối mặt. Sau chuyến đi năm 2014, Hùng lại xúc cảm sáng tác bài Tiếng gọi non sông”, nam ca sĩ nói.

Bài hát “Tiếng gọi non sông” bắt nguồn từ cảm xúc khi đoàn công tác đến chùa Trường Sa năm 2014 và đọc được bài thơ Đi của thầy Thích Tâm Trí. Đồng chí Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh đã ý kiến rằng đây là một bài thơ quá hay, nếu trong đoàn có ai phổ nhạc từ bài thơ ấy thì quá tuyệt vời. Khi Hùng đọc bài thơ cũng rất bất ngờ và cảm xúc thôi thúc lòng người: “Đi ta đi vì biên cương biển đảo/ Đi ta đi cưỡi sóng vượt trùng dương/ Đi ta đi giữ biển trời quê hương…”. “Khi trở về đất liền, Nguyễn Phi Hùng đã viết bài hát “Tiếng gọi non sông” và thực hiện MV lấy bài hát này làm chủ đề. Mình mời các nghệ sĩ tham gia thì ai cũng nhận lời, đặc biệt là những người đã từng đến Trường Sa. Từ các đồng chí lãnh đạo, đến tất cả các chiến sĩ ở các đơn vị, bộ phận đều tạo điều kiện, giúp đỡ Hùng thực hiện hoàn thành MV theo cách tốt nhất. Đến giờ bài hát này vẫn còn nhận rất nhiều tình cảm và sự yêu mến của khán giả. Vừa rồi Hùng cũng làm một liveshow lấy bài hát làm chủ đề”, anh kể.

Năm 2016, có chuyến đi tới Nhà giàn DK1 thì đúng cơn bão nên cả đoàn không thể biểu diễn được. Mọi người đều bò lê, nằm vật dưới sàn tàu vì sóng gió quá lớn. Nhưng đúng giờ biểu diễn thì trời bớt mưa dù vẫn còn sóng, giống như có “cái gì đó linh thiêng” mọi người vượt qua sóng gió để biểu diễn hăng say. Có khi đứng không được, các nghệ sĩ phải dìu nhau cùng ngồi xuống, rồi cùng đứng lên và vẫn hát. Nguyễn Phi Hùng cho biết, khi đó, đoàn thực hiện nghi thức chào cờ phải đứng “dạng chân” ra vì sóng gió rất dữ dội. Lúc bấy trên tàu có một điểm cầu truyền hình, Nhà giàn DK1 một điểm cầu và một điểm cầu tại quận 2, TP Hồ Chí Minh để kết nối biển xa với đồng bào cả nước. “Năm đó trở về TP Hồ Chí Minh, Hùng đã sáng tác bài “Vẫn hát bài tình ca” để tặng các chiến sĩ nhà giàn đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở thềm lục địa. Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ. Vì sau này các chiến sĩ nói với nhau: Ai bước chân vào nhà giàn mà không thuộc ca khúc “Vẫn hát bài tình ca” thì không được lên. Càng ấn tượng hơn, trong một chương trình gây quỹ ủng hộ biển đảo, Hùng được đồng hành hát cùng với các chiến sĩ của các nhà giàn DK1 về tham gia biểu diễn chung. Chương trình đó thành công và để lại trong lòng mỗi người thật nhiều kỷ niệm”, Nguyễn Phi Hùng nhớ lại.

“Vì sao anh lại đi Trường Sa nhiều lần như vậy, vì mỗi chuyến đi kéo dài đến tận 10 ngày, với biết bao sóng gió mà nghệ sĩ nổi tiếng như anh thì show diễn rất nhiều”, tôi hỏi. Nguyễn Phi Hùng trả lời rằng, mỗi chuyến đi Trường Sa là một phần thưởng rất lớn mà không mua bằng tiền được. Anh bảo, mình có thể đi kiếm tiền hoạt động rất nhiều trong đất liền để tạo ra thu nhập, nhưng khi nhận được lời mời của lãnh đạo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh đi Trường Sa thì xem đó là một phần thưởng nên nhận lời không chút đắn đo. Và rồi hằng năm, Nguyễn Phi Hùng đều sắp xếp thời gian và dành sự ưu tiên khi nhận được lời mời đi hát ở Trường Sa.

Mỗi lần đến Trường Sa như được trở về nhà ảnh 3

Nguyễn Phi Hùng vào vai chàng trai miền Tây bơi xuồng.

Người miền Tây
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nói, tuy quê ở Hà Tây (cũ) nay là Hà Nội nhưng lại có duyên nợ đặc biệt với Cần Thơ. Vì biểu diễn rất nhiều, cũng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến của khán giả miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng. Từng con người, từng con sông, bến nước đều khắc đậm trong lòng anh bao nhiêu tình cảm yêu thương. “Mình thấy phải có một việc làm gì đó cho nơi này để đáp lại những tình cảm yêu mến đó bằng tấm lòng của mình qua các ca từ, qua âm nhạc. Và Hùng cảm xúc viết bài “Người miền Tây” và quyết định về Cần Thơ quay MV mới nhất của mình ngay trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay. Cần Thơ rất đẹp, với rất nhiều điểm đến hấp dẫn của du lịch sông nước, du lịch sinh thái như: Chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn… Không chỉ Trường Sa, Hùng còn viết bài “Hồn thiêng bất tử” quay MV tại Côn Đảo nhưng ê-kíp chịu trách nhiệm thực hiện cho Hùng lại là những người Cần Thơ. Hùng thấy mình đã là người miền Tây thật rồi”, anh vui vẻ chia sẻ.