Đoàn Tử Huyến - Người đưa thư của thời đại

NDO -

Có thể nói, Đoàn Tử Huyến và các dịch giả là những người vận chuyển, người đưa thư của thời đại.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến.

Sáng Chủ nhật 22-11-2020, sau rất nhiều ngày bận rộn mới tranh thủ được hôm rảnh rỗi để cùng vợ chồng anh Tạ Quang Ngọc đi ăn sáng tại Phở Nhớ ở phố Huỳnh Thúc Kháng. Đang ăn thì đọc được trên Facebook của Phạm Xuân Nguyên: “Buồn quá, sáng Chủ nhật (22-11-2020) thức dậy được tin anh (Đoàn Tử Huyến) vừa qua đời lúc khoảng tám giờ sáng nay tại nhà thông gia ở Sơn Tây... Mới hôm thứ Năm (19-11) anh còn đến nhà mình vui cùng bạn bè”...

Anh Ngọc lặng đi. Là Bộ trưởng Thủy sản, đồng thời anh là một người rất quan tâm đến văn hóa. Anh nói: “Đột ngột quá! Thương tiếc Đoàn Tử Huyến quá! Trung tâm Văn hóa Đông - Tây của Đoàn Tử Huyến đã làm được nhiều việc rất có công đối với văn học, văn hóa”...

***

Anh Huyến với tôi là người đồng hương Hà Tĩnh. Anh quê Đức Hòa, Đức Thọ. Tôi quê Phú Lộc, Can Lộc. Anh ở miền ngược, tôi ở xuôi hơn phía đồng bằng. Thuở nhỏ, tôi thường đi chợ Nướt, chợ Bộng quê anh để bán lúa gạo, dây giống khoai lang; mua mật mía, củ nâu, chạc cày, lá tro... Quê anh nổi tiếng chè xanh và mật mía. Uống một bát chè xanh đậm, pha một ít mật mía đi cày từ sáng đến trưa không biết mệt, biết đói là gì!

Cũng những ngày ấy, cha tôi thường kể về gương ông Đoàn Tử Quang để dạy chúng tôi chăm dùi mài đèn sách và có hiếu với cha mẹ.

Cụ Đoàn Tử Quang sinh năm 1818, 17 tuổi mồ côi cha. Mẹ là Lê Thị Nậm, ở vậy nuôi con. Đoàn Tử Quang chăm học, chữ nghĩa nhiều mà thi mãi cũng chỉ đậu Tú tài, một lần vào năm 1867 và một lần vào năm 1884, lúc đã 66 tuổi. Nản chí, ông định gác bút nghiên nhưng mẹ quyết không cho, dạy rằng: “Mẹ  từ khi lấy cha con, chưa từng thấy cha một ngày không đọc sách. Cha có chí chưa thành, con cứ phải học mãi, học đến già khiến cho con cháu nối đó mà học để thành được chí cha”.

Khoa thi Hương Nghệ An, năm Thành Thái thứ 12 (1900), Đoàn Tử Quang lúc này đã 82 tuổi, thi đỗ cũng chẳng để làm gì, nhưng vâng lời mẹ, vẫn lều chõng đến trường thi và khoa đó đỗ Cử nhân. Đây là trường hợp đặc biệt nhất trong khoa cử Việt Nam. Trong lễ xướng danh, các tân khoa được dự yến vua ban. Ông Quang chỉ nếm một ít và xin lấy phần về cho mẹ...

Tổng đốc Nghệ An khi ấy là Đào Tấn có thơ khen:

Khá lắm Hương Sơn Đoàn Tú tài

Xuân xanh vừa đúng tám mươi hai

Trường văn múa bút râu như mác

Quế đỏ cành thơm cướp vác vai  

Ung dung chống gậy tới Nam cai

Nhà huyên tuổi hạc chín mươi tám

Giờ thấy con ta đắc ý rồi!

Đoàn Tử Quang chính là cụ nội của Đoàn Tử Huyến.

***

Đoàn Tử Huyến là lưu học sinh tại ĐH Tổng hợp Voronezh (Воронеж), ngành Tiếng Nga văn học. Nhà văn Thúy Toàn từng nói với tôi: Voronezh là một trong số ít cơ sở đào tạo Tiếng Nga tốt nhất Liên Xô cũ.

Về nước, anh dạy Tiếng Nga tại ĐHSP Ngoại ngữ, rồi làm biên tập viên báo Lao Động. Anh là dịch giả của nhiều cuốn sách mà nổi tiếng khó dịch nhất, có giá trị nghệ thuật cao là tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov.

Anh được giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam bởi tác phẩm này. Bạn đọc những năm 80, 90 còn nhớ nhiều những truyện dịch của anh như Trái tim chó (Mikhail Bulgacov), Đấng cứu thế (Miguel Otero Silva), Những ô cửa màu xanh, Khóm hoa tử đinh hương...

Rồi đây, những người có thẩm quyền sẽ có những đánh giá chuẩn xác về công lao của Đoàn Tử Huyến.

Riêng tôi, tôi thấy anh là người có đóng góp đáng kể trong sự hội nhập văn hóa Đông và Tây, cổ và kim. Anh cũng có những đóng góp xã hội đáng trân trọng.

Trước hết, anh là người thầy giỏi, tâm huyết, đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, cung cấp cho các nhà trường nhiều giáo viên ngoại ngữ  tâm huyết và có trình độ chuyên môn cao.

Là người sáng lập Trung tâm văn hóa Đông - Tây, anh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền xuất bản nước ta, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Với người Nghệ Tĩnh, anh có ưu ái đặc biệt. Nếu như Thái Bá Tân, bạn anh, dạy tiếng Anh cho người Nghệ miễn phí hoặc giảm phí; thì anh sẵn sàng nhận mọi sinh viên Nghệ về chỗ anh làm việc, dạy cho họ nghề biên tập. Nhiều người do anh đào tạo đã thành đạt trong lĩnh vực này.

Trung tâm Văn hóa Đông - Tây, có thể nói là nơi tập hợp những trí thức tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà; nơi có nhiều hoạt động nghệ thuật đáng nhớ. Đặc biệt, đây là nơi xuất bản rất nhiều tác phẩm khảo cứu có giá trị của Việt Nam và nước ngoài; cung cấp nguồn sử liệu đáng tin cậy và những tác phẩm lý luận mới của thế giới về văn hóa, VHNT.

Khi là dịch giả cũng như khi là Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Văn học nước ngoài, thành viên Hội đồng Văn học dịch, Đoàn Tử Huyến có đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu tinh hoa văn học thế giới, đặc biệt văn học Nga vào Việt Nam và văn học Việt Nam ra thế giới. Sự giao lưu trên mặt trận thầm lặng này, góp phần làm chuyển đổi tư duy, tạo ra những tố chất mới cho văn học Việt Nam.

Có thể nói, anh và các dịch giả là những người vận chuyển, người đưa thư của thời đại.

Rất nghiêm cẩn trong khoa học, Đoàn Tử Huyến lại là một người phóng khoáng, phóng khoáng đến lãng tử trong đời thường. Anh có nhiều bạn trong nhiều giới.

Nhiều năm nay, do tai biến, anh nhớ nhớ quên quên. Nhưng các nhà văn, bạn đọc và bạn bè không bao giờ quên anh.

Ngay từ hôm nay, 22-11-2020, khi anh giã biệt cõi đời này về với tổ tiên, bước chân vào cõi vô thường, thì tên tuổi anh, hình ảnh anh vẫn còn lại với họ Đoàn Hà Tĩnh, với anh em bạn bè và lịch sử văn chương Việt!