Chất Hà Nội trong thơ Hoàng Nhuận Cầm

NDO -

Người ta sinh ra rồi mất đi. Không ai có thể đi ngược con đường ấy. 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Mấy năm gần đây, mỗi lần gặp Cầm, tôi cứ thảng thốt vì lần sau lại thấy anh tiều tụy hơn lần trước. Chỉ sự sôi nổi với thơ, sự “điêu ngoa” đáng yêu với bạn là không có gì khác trước. Lần nào gặp anh, tôi cũng hỏi về kịch bản phim Nguyễn Du, một đề tài mà anh hằng ấp ủ từ những năm 1980. Có khi anh bảo đang viết. Có khi anh quát: “Chưa xong, ông tưởng dễ lắm đấy à, ông đi mà làm đi”! Tôi cứ mong Cầm khỏe, Cầm nhanh chóng hoàn thành những tác phẩm đang ấp ủ - những tác phẩm mà tôi biết chắc rằng, sẽ tạo được những dấu ấn trong lòng bạn đọc. Tôi yêu quý Cầm vì tình bạn chân thành Cầm dành cho tôi, và hơn thế, tôi yêu Cầm như yêu một nhà thơ chính đạo; một nhà thơ tôi gửi nhiều hoài vọng. 

Thế rồi cột mốc 20-4-2021 đã chặn anh lại, không cho anh bước tiếp trên cõi đời này một bước nào nữa cùng với chúng ta. Sau cơn bàng hoàng, tôi sực tỉnh: Có phải đây là thiên ý, đấng cao xanh kia đã thấu lòng, đã cho anh nghỉ ngơi, chấm dứt những cực nhọc và nỗi đau trần thế. Anh không cần viết thêm một tác phẩm nào nữa. Như thế đủ rồi. Đủ là một nhà thơ lớn, đủ để người sau nhận ra một kết tinh Hà Nội.

“Chiếc lá đầu tiên” đã bay đi…

Từ khi đọc chùm thơ của Hoàng Nhuận Cầm đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, tôi đã thấy đây đích thực là một nhà thơ Hà Nội tinh khôi. Tứ thơ, câu thơ chưa phải thật già dặn, nhưng đã thấy bừng lên một tâm hồn trong suốt, một ngôn ngữ lấp lánh pha lê: 

Mạ ơi… đất nước cắt chia
Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim…

Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm

(Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt)

***

Chất Hà Nội, trước hết là chất người. Người ta nói người Hà Nội tài hoa, hào hoa vì kinh kỳ vốn là nơi hội tụ sự tài hoa, hào hoa của cả nước, là một lâu đài văn hóa. Họ Hoàng của Hoàng Nhuận Cầm ở làng Vẽ (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) là một dòng họ khoa bảng. Cầm xuất thân trong một gia đình mà ông nội là nhạc sĩ, võ sĩ; bố là nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả của những ca khúc phiêu du lãng mạn mà sâu lắng tình người như Mơ hoa, Ngày về, Lỡ cung đàn...

Mẹ Cầm, bà Kim Châu là một phụ nữ hiền thục lấy sự nghiệp chồng con làm lẽ sống của mình. Cái tên Nhuận Cầm, không phải là “cây đàn vàng” như nhiều báo từng viết mà Hoàng ở đây chỉ là họ. Nhuận Cầm là tiếng đàn, cây đàn luôn tươi mới, nhuận sắc. Đặt tên này, gia đình mong mỏi Cầm sẽ phát huy được truyền thống theo quan niệm “con hơn cha, nhà có phúc” và cũng là nhắc nhở Cầm phải luôn phấn đấu làm tươi mới mình, vượt lên mình. Và Cầm đã làm được điều đó.

Hào hoa, tài hoa chưa phải là phẩm chất Hà Nội nổi trội nhất. Người đến kinh kỳ, có nhiều người ăn theo cung vua, phủ chúa; ăn theo đất kẻ chợ. Nhưng lớp tinh hoa thì khác. Họ đến đây để lo việc nước, để phụng sự Tổ quốc. Yêu đời, yêu người, cháy bỏng một tình yêu Tổ quốc, cầm giữ cương thường đạo lý mới là phẩm chất nổi bật nhất của người Hà Nội.

Người Hà Nội còn là người biết làm chủ mình, biết lựa chọn con đường đúng đắn giữa những ba đào lịch sử, những biến động trần ai. Giống như Hồ Gươm xanh là biểu tượng của Thủ đô  thì Sự lắng trong là biểu tượng, là ứng xử, là sứ mệnh của người Hà Nội.

Người Hà Nội không coi thường vật chất, biết nâng cái ăn, cái mặc, cái ở, lời ăn tiếng nói lên thành một nghệ thuật nhưng không thành một sự xảo biện, càng không thành một mục đích cuộc sống mà tôn thờ lý tưởng, tôn thờ những giá trị tinh thần. 

Ở Hoàng Nhuận Cầm có tất cả những điều ấy. Anh dung dị bề ngoài nhưng sang trọng, đáng kính ở cốt cách, nhân cách. Sống và viết, con người và thơ là một thể thống nhất. Anh đoạt nhiều giải thưởng về văn học và điện ảnh, được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật nhưng giải thưởng không bao giờ là mục tiêu của anh. Cả đời anh chỉ có Tổ quốc và thơ ca. Và thơ ca đối với anh cũng là Tổ quốc.

***

Đã và sẽ có nhiều luận văn, luận án viết về thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Theo tôi, thơ Hoàng Nhuận Cầm trước hết, đó là thơ của một người yêu nước. Cơ bản, không có ai là không yêu nước. Nhưng yêu nước đến độ rưng rưng, đến tan chảy mình trong mỗi dáng núi, tên sông, mỗi giọt nắng, tiếng chim; tan chảy mình trong những câu thơ như Cầm là một cấp độ khác. 

Để hiểu hơn thơ, cần nói về người. Đang là sinh viên năm thứ nhất của Văn khoa Tổng hợp, năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Cầm sẵn sàng và tự hào khoác lên mình bộ quân phục, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ác liệt, năm 1976, sau giải phóng một năm, anh được trở về học tiếp. Chiến tranh biên giới nổ ra, anh lại lên Cao Bằng và các tỉnh phía bắc, viết nên những bài thơ lửa máu, thúc giục những đoàn quân giữ vững biên cương.

Ra trường, dù ở đâu, làm việc gì, với anh cây bút là cây súng chiến đấu quyết liệt bảo vệ lý tưởng, bảo vệ niềm tin khi thời đại có nhiều lung lạc; cây bút là cây đàn ru dịu những nỗi đau riêng và nỗi đau nhân thế trong những ngày đất nước gặp những khó khăn và khủng hoảng nhiều bề.

Trong mọi bài thơ của Cầm, hình ảnh đất nước luôn hiện lên. Từ “Thôi sáng rồi, vẫn tiếng gà xóm mẹ/ Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi” ở Quảng Trị; từ cảm xúc ở Cao Bằng “Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hòa An” đến “Sông Thương tóc dài”... hình ảnh đất nước luôn hiện lên, ám ảnh với sự yêu dấu, thảng thốt tự đáy lòng. Viết về tình yêu, cho người mình yêu cũng có Tổ quốc: 

Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau
Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt
Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp
Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!

(Phương ấy)

Và truyền cảm biết bao, khi người lính ngã xuống, trên môi còn đọng tiếng Việt Nam: 

Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi
Dâng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu
Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu
Mà môi cười tha thiết - Việt Nam ơi...

(Tôi không thể nào mang về cho em)

Thơ Hoàng Nhuận Cầm còn là sự trong trẻo, trong lắng rất Hà Nội. Các từ “trong”, “sáng”, “thiên thần”, “thánh thiện” xuất hiện với một tần số cao.  Ngay cả khi những từ này không xuất hiện vẫn hừng lên sự trong trẻo của tâm hồn. Sự trong lắng Hà Nội của Hoàng Nhuận Cầm còn thể hiện trong ý thức làm mới thơ. Trong khi nhiều nhà thơ cả nước rơi vào cơn say đổi mới, hừng hực đi vào các đề tài trước kia né tránh, cấm kỵ, các nữ thi sĩ “bung lụa” cả thân thể và dục cảm của mình, tây hóa thơ Việt, thì Hoàng Nhuận Cầm vẫn lặng lẽ đổi mới thơ trên nền tảng truyền thống, vẫn giữ vững vần và nhạc điệu, giữ vững hình ảnh và cách nói thuần Việt. Chỉ có điều, anh đã tiến vượt lên rất nhiều trong tư duy, trong lối viết nhiều ẩn dụ. Những con chữ của Cầm vừa rất cụ thể vừa có tính ước lệ rất cao:

Anh đi qua những thành phố bọc vàng
Những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ
Qua ánh nắng bảy màu,qua ngọn đèn hạt đỗ
Qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh

Anh đi qua những đôi mắt lặng thinh
Những đôi mắt nhìn anh như họng súng
Anh đi qua tổ chim non mới dựng
Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm...

(Viên xúc xắc mùa thu)

Anh đi qua tổ chim non mới dựng/ Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm..., những câu thơ này cũng cho thấy tầm bao quát và sự từng trải của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Thơ anh không chỉ viết về vấn đề hôm nay mà toàn bộ cõi nhân sinh. Và cuối cùng, rút lại, thì nhà thơ đem đến cho người đọc kinh nghiệm sống gì, cần tôn thờ những giá trị gì.

Cầm từng nói: “Thơ hay phải tự sát”. Tôi thấy Cầm từng đốt câu thơ cũ, vinh quang cũ của mình để tìm đến cái mới, đến những câu thơ viết đợi mặt trời Mùa xuân ấy, dưới màu hoa rất đỏ/ Anh xếp ba lô lặng lẽ đốt thơ mình; Tôi đã chán lời vu vơ, giả dối/ Hót lên, dù chua xót một lần thôi...

Bài thơ mới nhất tôi được nghe Cầm đọc là viết về nỗi buồn. Đó là bài “Tôi có đủ nỗi buồn để sống”. Ở đây, chất Cầm, chất Hà Nội vẫn nguyên vẹn nhưng lại có thêm chất của một người rất kinh lịch, rất hiền triết. "Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng nay ra ngồi mép sông Hồng/ Bãi ngô non vẫn còn nguyên vẹn đó/ Ai biết mình vừa mất mát gì không (...) Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn...". Nếu không buồn, nếu vô cảm..., thì đâu phải là con người nữa. Và đây là câu hỏi day dứt của ngày hôm nay và có thể là của ngày mai nữa.

***

Hoàng Nhuận Cầm có rất nhiều bạn. Có thể tôi không phải là người bạn thân nhất của anh nhưng anh là người bạn văn thân nhất của tôi từ thập kỷ 80. 

Khi anh đã nổi tiếng, anh được xếp vững chắc trong hàng ngũ những nhà thơ chống Mỹ, cứu nước thì chúng tôi, dù đã có một số tác phẩm đăng báo trước năm 1975 thì vẫn coi là thế hệ sau 1975. Vậy nhưng chơi, Hoàng Nhuận Cầm ngả hẳn về phía trẻ, phía sau 1975. 

Tôi xin kể một vài kỷ niệm.

Năm 1985, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô chính thức hoạt động, giao cho Công đoàn Hà Nội quản lý. Anh Lạc, giám đốc và chị Hương, người phụ trách hệ thống câu lạc bộ nhờ tôi tổ chức câu lạc bộ thơ. Tôi nghĩ ngay đến Cầm. Hai đứa bàn bạc và thấy cần thành lập Ban Chủ nhiệm. Gọi cho Trần Hòa Bình, Nguyễn Hùng Vỹ, Nguyễn Thế Dũng. Rồi tiếp đó là Nguyễn Thành Phong, Trương Nhân Huyền, Nguyễn Quang Thiều, Thuận Vy, Bùi Việt Phong, Nguyễn Linh Khiếu... Các anh lớn tuổi hơn như Nguyễn Thụy Kha, Chử Văn Long cũng tích cực tham gia. Tôi đưa tin này lên báo Nhân Dân.

Nhiều người nghi ngại CLB thơ này không khéo thì thành kiểu như CLB Pê-tô-phi, tức sợ chuyển hóa tư tưởng. CLB chuyển hóa thật, nhưng là chuyển hóa theo hướng tích cực. Hồi ấy, NXB Tác phẩm mới chỉ in một năm bốn tập thơ. In cho các cụ chưa hết, lớp trẻ không có phần. Báo chí cũng của các cụ và của lớp chống Mỹ. Những cây bút mới không có diễn đàn. Bạn yêu thơ cũng không biết đọc thơ ở đâu. CLB này tạo ra một cửa khẩu, một đầu ra tuyệt vời cho thơ. Dám chịu trách nhiệm, Ban chủ nhiệm CLB còn mời cả các nhà thơ như Phùng Quán, Hoàng Cầm đến đọc thơ. Lâu lắm, mới được xuất hiện trước công chúng, nhà thơ Phùng Quán còn cúi lạy bạn yêu thơ trên sân khấu và công chúng thì dành cho ông những tràng vỗ tay không ngớt. Những đêm thơ có bán vé, thu hút 400-500 người nghe ở Cung. Còn nếu tổ chức ở các trường ĐH như Tổng hợp, Sư phạm, Bách khoa, các địa phương thì còn đông hơn thế.

Và nhờ tài trợ về tiền, về tư cách pháp nhân của Cung, chúng tôi xuất bản được một tập thơ “Mùa hoa của chúng mình” để khẳng định tiếng nói của một thế hệ.  Nếu hoạt động của CLB này có hiệu ứng để thành lập các CLB thơ khác trong các trường đại học, liên đại học và khu vực khác; có tạo nên tạo ra đam mê với thơ ca để làm xuất hiện các cây bút mới như Trần Quang Đạo, Nguyễn Đức Quang, Trúc Anh, Kim Anh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Tiến Thanh, Đoàn Ngọc Thu, Phan Huyền Thư, Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Xuân Hải... thì có sự cuốn hút, đóng góp lớn của Hoàng Nhuận Cầm.

Những năm trước, chúng tôi gặp nhau chỉ có thơ và rượu. Suốt đêm khi ở 18 Hàng Bún nhà Cầm, khi ở Hàng Trống (khu nhà thấp dưới nhà Ban Thư ký) của Báo Nhân Dân dành cho phóng viên độc thân, cho đến khi bảo vệ phải nhắc nhở, mới về. Có lần, tôi đặt Cầm một bài thơ Tết cho Báo Nhân Dân. Hai anh em lang thang một hồi rồi ra Bến xe Bến Nứa. Uống hết bao nhiêu rượu, lại thêm đĩa phở xào mà thơ vẫn chưa hiện tứ. Cho đến khi tàu Phòng rúc một hồi còi dài qua cầu Long Biên thì Cầm đứng phắt dậy: “Đây rồi! Một tiếng còi tàu thắp lửa trong đêm - được chưa”? Rồi bài Xuân ước hẹn cứ thế được viết, được hoàn thiện ngay tại quán: 

Một tiếng còi tàu thắp lửa trong đêm
Không biết tàu vào ga hay tàu xa thành phố
Anh chỉ biết mùa hoa đào đã nở
Những cánh xuân thánh thiện bước lên thềm...

Ngày đó, Cầm nghiện thuốc lào và có thể uống rượu mọi lúc, mọi nơi. Những năm gần đây, Cầm bỏ hẳn rượu nhưng vẫn hút thuốc lào. Bây giờ, nghĩ lại, càng thương Cầm vì Cầm không phải uống rượu để say. Cầm chưa vì rượu mà nói sai, làm sai bao giờ. Mà uống để vui bạn. Cầm uống rượu như vị thuốc. Uống để lấy cảm hứng. Uống để quên buồn, mà nỗi buồn của Cầm thì nhiều lắm. Thậm chí, có khi Cầm uống để quên bữa... Cầm có một thứ “thuốc” khác nữa để sống. Đó là tính hài hước. Có lần, tôi chở Cầm từ Hàng Bún về Hàng Bạc để ăn cơm với ông bà. Hồi ấy, “gặp nhau lần nào cũng rượu” nên hai đứa vừa chậm giờ hẹn, vừa đỏ mặt lắc lư, cụ Giác bảo: “Chán thế, lại rượu, lại say phải không”? Cầm bảo: “Con bây giờ hơn ba mươi, bố hai mươi đã uống rượu (thật ra nhạc sĩ Hoàng Giác chẳng bao giờ uống rượu) thì chả ai bảo gì. Đây này: "Trên đường tha hương, vui gió sương/ Riêng lòng ta mang mối nhớ thương/ Âm thầm thương tiếc cho ngày về/ Tìm lại đường tơ nay đã dứt/ Nghe tiếng chim chiều về gọi gió/ Như tiếng tơ lòng người bạc phước / Nhắp chén men say còn vương bóng quê hương/ Dừng bước tha hương lòng đau”...

Cầm hát, rồi làm mặt giận, bảo tôi quay xe: “Thôi, bố không chấp nhận con thì con lại đi tha hương đây, chào bố”! Và đi thật. Đến hàng nước, Cầm bảo dừng lại. “Uống chén nước, tao hút điếu thuốc lào đã. Tao thấy bà Châu nấu chưa xong”. Lát sau, hai đứa quay lại, Cầm chủ động: “Bố xin lỗi con chưa? Nhiều khi bố cũng phải xin lỗi con chứ. Nếu bố không xin lỗi thì con xin lỗi”! Bữa cơm ấy rất ngon vì có nem rán với rau sống, có tờ Báo Nhân Dân mới in thơ Cầm (mà ông bà coi đây là món quà tinh thần đáng quý).

Tôi không bao giờ có những ngày vui như thế bên Cầm nữa.

Người ta sinh ra rồi mất đi. Không ai có thể đi ngược con đường ấy. Bây giờ thì cả nhạc sĩ Hoàng Giác và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đều đã thành người thiên cổ. Nhưng còn đó một “đại lộ thơ” mang tên Hoàng Nhuận Cầm giữa lòng Hà Nội, giữa miên viễn thời gian.