Về miền sông nước An Bình

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phù sa bồi đắp đã mang đến cho cù lao An Bình (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) khí hậu xanh mát cùng những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm. Tận dụng lợi thế tự nhiên, từ nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư, xây dựng, đưa cù lao An Bình trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về một vùng sông nước đậm chất Tây Nam Bộ.

Du khách tham quan cù lao An Bình. Ảnh: HỮU NAM
Du khách tham quan cù lao An Bình. Ảnh: HỮU NAM

Khai thác thế mạnh tự nhiên

Có hai cách để đến cù lao An Bình, một là đi xe máy rồi theo phà qua sông Cổ Chiên, hai là đi thuyền du lịch trên hệ thống sông ngòi chằng chịt, len lỏi vào trong những vườn cây trái trĩu quả. Chúng tôi chọn cách đi xe máy, qua phà, bởi theo nhiều khách du lịch cho biết, có đi xe máy, lướt trên những con đường nhỏ, dưới những hàng cây rợp bóng trên cù lao mới cảm nhận được hết vẻ đẹp ở nơi đây. Phà từ từ cập bến, trước mắt chúng tôi là những con đường rải nhựa sạch sẽ. Càng đi vào sâu bên trong, không gian sông nước miền tây dần hiện ra một cách đậm nét. Dù những ngôi nhà bê-tông mọc lên ngày một nhiều, nhưng không khuất lấp được nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Hai bên đường, những vườn cây xanh mát, trĩu quả, những dòng kênh dập dềnh con nước. Thi thoảng, là bóng dáng của những chiếc cầu khỉ vắt vẻo. Vào nơi đây mới thấy hết sự bình yên, an yên đúng như tên gọi An Bình của cù lao.

Cù lao An Bình bao gồm bốn xã: An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, với diện tích hơn 60 km2, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và sông Tiền. Từ bao đời nay, nhờ phù sa những dòng sông bao bọc, bồi đắp, nơi đây đã xuất hiện những miệt vườn cây trái xanh tốt. Người dân địa phương thường tự hào bởi trái cây ở cù lao An Bình có quanh năm, mùa nào thức nấy, mỗi loại mang một hương vị đặc trưng riêng. Nhờ vào địa thế sông nước, miệt vườn, nhiều nhà vườn đã hình thành và được chọn làm nơi khai thác du lịch. Những người dân quanh năm chỉ quen với miệt vườn, cây trái, bỗng nhiên biết đến cụm từ mà trước đến giờ, với họ rất xa lạ: “làm du lịch”. Thế rồi, thay vì chủ yếu bán trái cây cho thương lái, những mảnh vườn được cải tạo để thành điểm đến cho du khách. Cù lao An Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Những ngày đầu, đây vốn chỉ là điểm đến tham quan vườn trái cây, ngắm cảnh sông nước. Dần dần, du lịch xứ cù lao An Bình phát triển với nhiều loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng. Những chiếc thuyền lớn nhỏ cũng dần xuất hiện để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, ăn uống và nghỉ dưỡng của du khách. Ngoài tham quan vườn cây ăn trái, du khách còn có thể ghé thăm những làng nghề đậm chất văn hóa sông nước; được trải nghiệm tát mương bắt cá, làm vườn, câu cá, chế biến món ăn, làm bánh dân gian, nghe hát bội…

Du lịch đã tạo cho nơi đây sự thay đổi cả về kinh tế lẫn diện mạo. Những hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn tược để thu hút khách tham quan. Vào vườn cây Út Hiền, cũng là lúc bà chủ Trần Mai Trang vừa hái từ trên cây xuống những trái sầu riêng thơm nức. Bà Trang bảo, vườn cây của gia đình đã được tận dụng để làm du lịch khoảng 20 năm nay. Trước đây, vườn chủ yếu là để bán trái quả cho thương lái, thu nhập không cao. Từ khi đầu tư cải tạo để đón khách, gần như ngày nào vườn cây Út Hiền cũng đón nhiều đoàn khách. Mỗi khách chỉ cần đóng phí 50 nghìn đồng là được thoải mái thưởng thức mọi loại trái cây trong vườn. Tính ra, trừ hết các chi phí, gia đình bà Trang lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng của du khách, từ năm 2000 đến nay, nhiều khu du lịch sinh thái, homestay đã mọc lên trên cù lao An Bình. Trong đó, nổi bật nhất là Khu du lịch trang trại Vinh Sang với các trò chơi mang lại cảm giác thú vị như tập đi cầu khỉ, trượt cỏ, cưỡi đà điểu. Đáng chú ý là trò chơi nhử mồi cá sấu giúp người chơi hình dung ra cả một hành trình khai phá thiên nhiên của người dân Nam Bộ cách đây mấy trăm năm. Một trong những homestay nổi bật ở An Bình là homestay Út Thủy với kiến trúc đặc trưng ba gian, hai chái, có các họa tiết trang trí đẹp mắt cùng cảnh quan đậm chất văn hóa vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long với liếp rau, ao cá, con sông, chiếc xuồng… Người quản lý homestay Út Thủy cho biết, phần lớn du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến đây thường chọn nghỉ lại qua đêm để được chứng kiến cuộc sống của người dân bản địa.

Sức hấp dẫn của bản sắc văn hóa miền Tây

Tôi hỏi người bạn đi cùng là người Vĩnh Long: “Điều gì thú vị nhất ở nơi đây?”. Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, anh bảo: “Là con người!”. Anh lý giải, kể từ ngày An Bình trở thành địa điểm du lịch, nơi đây xuất hiện thêm rất nhiều vườn cây ăn trái. Các homestay mọc lên ngày một nhiều. Người dân đã biết thêm ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài, đã quen thuộc với cách thức làm du lịch, khai thác thế mạnh của địa phương. Ấy vậy mà, sự chân chất, mộc mạc, giản dị vẫn đậm nét trong mỗi người. An Bình không có cảnh hàng quán mọc lên san sát. Các sản phẩm của địa phương được bày bán ngay tại nhà, khách có nhu cầu vào mua thì mua, không mua thì thôi, không có cảnh chèo kéo, chặt chém du khách.

Nói về những ngày đầu làm du lịch, ông Lý Hoàng Cảnh, nguyên cán bộ Công ty Du lịch Cửu Long chia sẻ: Cách đây mấy chục năm, nhận thấy những thế mạnh của vùng sông nước An Bình, kết hợp chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Công ty Du lịch Cửu Long đã chọn nơi đây là điểm đến trong tua du lịch “Travel in the green of the Mekong delta” (đi trong mầu xanh của đồng bằng sông Cửu Long) để giới thiệu cho du khách văn minh của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ban đầu, chỉ là tham quan vườn cây, sông nước đơn thuần. Dần dần, một số công ty đề nghị các gia đình bố trí chỗ ngủ cho khách du lịch nghỉ lại qua đêm để trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa. Thời kỳ đầu chỉ có những chiếc ghế bố, lót mền, giăng mùng (màn) cho khách nghỉ lại, sau đó, một số hộ đầu tư phòng nghỉ khang trang hơn và cho đến nay là những homestay với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Nhưng bí quyết phát triển du lịch nơi đây không chỉ nằm ở sự phát triển nhanh của cơ sở hạ tầng du lịch. Ông Lý Hoàng Cảnh cũng chia sẻ: “Điều đặc biệt nhất ở cù lao An Bình mà nhiều người có ấn tượng mạnh chính là đời sống, sinh hoạt của cư dân vẫn còn mang đậm nét văn hóa miệt vườn mộc mạc, đơn sơ. Chính những người nông dân hiền hòa, chất phác đã tạo nên một An Bình đậm đà bản sắc Tây Nam Bộ. Sự hiếu khách, nhiệt tình của họ cùng các món ăn đặc trưng của miền sông nước như: cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui, bánh xèo… và dịp để thưởng thức hát bội, đờn ca tài tử đã thôi thúc rất nhiều đoàn khách về đây khám phá”.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, tổng lượng khách du lịch trong chín tháng đầu năm 2019 tới Vĩnh Long ước đạt 1,15 triệu lượt bằng 82% so với kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó, khách quốc tế 138.500 lượt, khách nội địa hơn một triệu lượt). Doanh thu ước đạt 384 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2018 (293 tỷ đồng). Những con số ấn tượng đó có sự đóng góp không nhỏ của du lịch cù lao An Bình, vốn là điểm đến đầu tiên được du khách lựa chọn. Từ năm 2006 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đưa hát bội làm sản phẩm du lịch nghệ thuật đặc trưng phục vụ du khách tại đình An Thành (xã An Bình). Trước khi chương trình bắt đầu, nơi đây còn tái hiện lại cảnh người dân đốt đuốc đi xem hát đình giống như người xưa đi xem hát bội khiến du khách rất thích thú. Nhiều khách du lịch còn được các diễn viên hát bội hướng dẫn các điệu múa phi ngựa, múa đao… và chụp hình lưu niệm chung với các nghệ sĩ hát bội và người dân địa phương. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp NSND Vũ Linh Tâm cùng nhóm nghệ nhân và các diễn viên trong Đoàn hát bội Đồng Thinh trước đây thực hiện. Họ tập trung lại, thuê đạo diễn sắp xếp tập luyện, chọn dựng trích đoạn các tích tuồng nổi tiếng để trình diễn. Đoàn hát bội này từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi biểu diễn tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian ở Mỹ và nhận được sự khen ngợi của đông đảo khán giả quốc tế. Việc đưa hát bội vào phục vụ du khách quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu đến các hãng lữ hành sản phẩm du lịch gắn với tham quan miệt vườn, di tích văn hóa, lịch sử, danh nhân và làng nghề, cũng là để tăng thêm tính độc đáo và bản sắc văn hóa miền tây cho các chương trình du lịch.