Du xuân xứ Mường

NDO -

NDĐT- Bốn mùa, cảnh sắc vùng lòng hồ Hòa Bình lúc nào cũng xanh trong màu nước, màu trời. Mỗi một lần thuyền cập bến, những xóm làng ẩn hiện sau những tán cây xanh hiện hữu trước mặt lại mở ra một hành trình khám phá thiên nhiên, văn hóa đặc trưng, nhất là không gian văn hóa Mường.

Đội văn nghệ bản Ngòi đón khách.
Đội văn nghệ bản Ngòi đón khách.

Cuộc sống thuần hậu

Người dân bản Ngòi (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) gọi nơi mình sinh sống là ốc đảo, bởi con đường duy nhất hiện nay để vào xóm là đường thủy, dọc theo lòng hồ Hòa Bình tới bến thuyền trong vịnh Ngòi Hoa.

Vào mùa lòng hồ trữ nước, những con thuyền dập dềnh ngay sát gần cổng chào vào bản. Cư dân sống trong xóm đều là người Mường. Nhà nào cũng tập kết phương tiện giao thông của mình quanh bờ, từ thuyền độc mộc, thuyền câu cá nhỏ chở được một, hai người tới những thuyền to để đi ngang dọc lòng hồ, chở trẻ con vào trung tâm xã Ngòi Hoa đi học hay đón đưa du khách muốn tham quan xóm làng.

Du xuân xứ Mường ảnh 1

Du khách chúc mừng năm mới tại xóm Đá Bia.

Vài năm trở lại đây, từ khi chuyển sang làm dịch vụ du lịch cộng đồng, gia đình anh Bùi Văn Hiện ngoài nông lịch để tính ngày trồng ngô trồng sắn, đánh bắt cá có thêm lịch đón khách. Mỗi khi có đoàn đến, gia đình anh đều dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ từ hôm trước, căn giờ tàu chạy để đón khách. Đội văn nghệ trong xóm, với phần đông là chị em phụ nữ cũng mặc những trang phục truyền thống của người Mường, gióng tiếng chiêng rộn ràng chào đón mọi người.

Du xuân xứ Mường ảnh 2

Du khách khám phá vùng lòng hồ.

Nằm lọt giữa không gian của hồ rộng núi cao, bản Ngòi hấp dẫn du khách từ cảnh quan thiên nhiên thanh bình, thơ mộng, tới cuộc sống thuần hậu, mến khách. Người dân xóm bản vẫn dựng nhà sàn truyền thống để sinh sống, giữ gìn từng bộ chiêng, cối giã gạo, thậm chí là bộ cung nỏ cha ông để lại trong nhà. Từ lời ăn tiếng nói tới phong tục tập quán vẫn được các thế hệ già trẻ gìn giữ, trao truyền cho nhau.

Những người khách tới bản đều thích len lỏi trong ốc đảo này, có khi chèo thuyền kayak để đi vòng theo lòng hồ tới những bè cá hay lang thang trong những lối đi bộ trong xóm để tới thăm những ngôi nhà yên bình nép mình sau những tán cây xanh.

Hai ngày lưu lại bản Ngòi, anh Nguyễn Việt Cường, một du khách đến từ Hà Nội, thấy mình đang từ từ “sống chậm”, không bị đánh thức bởi tiếng ồn ào của động cơ hay các phương tiện giao thông như phố thị mà thay bằng tiếng chim muông, gia cầm gọi nhau đi ăn.

“Tôi đặc biệt ấn tượng khi đang lặng yên ngắm hoàng hôn trên lòng hồ thì bị đánh thức bởi tiếng cười nói rộn ràng của trẻ nhỏ trên thuyền đang đợi về nhà sau một ngày đi học. Tiếng chào râm ran ở đầu bến khiến mọi người đều thấy một ngày ở đây thật bình yên”, anh chia sẻ.

Ở xóm, chẳng nhà nào xây tường lắp cổng, chỉ đặt vài cọc gỗ gác thanh tre để phân chia đất đai. Khách đến đâu mệt đều có thể vào nhà xin nghỉ chân, uống ngụm nước lá mát lành, nói dăm ba câu chuyện rồi vui vẻ lên đường.

Anh Bùi Văn Thạo, một người dân trong xóm cho hay, nhiều du khách nước ngoài hay người thành phố về xóm muốn được làm đồng, đánh cá đều có thể “xin làm” ở bất cứ gia đình nào. Sau một hai tiếng mang gùi bẻ ngô, lên núi hái măng hay kéo vó tôm, giăng lưới đánh cá, phần công xá có khi chỉ là trái mít, trái bưởi trong vườn nhưng cả chủ và khách đều vui vẻ.

Nếu như thiên nhiên hào phóng ban cho những xóm làng trong vùng lòng hồ Hòa Bình cảnh sắc tươi đẹp, nguồn thủy sản dồi dào thì người dân nơi đây cũng luôn sẵn lòng mời du khách thưởng thức những món ăn tươi ngon nhất. Ở xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, Hòa Bình), những gia chủ người Mường Ao Tá (một nhánh của người Mường) luôn có sự “phá cách” tạo ấn tượng cho du khách. Chị Lò Thị Trang (Chủ homestay Lake view) bật mí thêm, ngoài mâm cỗ lá Mường đặc trưng, thường mùa nào thức nấy, bà con đều thêm nông sản ngoài đồng, cá tôm tươi rói ngoài sông mang lên đãi khách. Những cây lá trong vườn nhà như sả, chanh, lá bưởi còn có thể trở thành những thần dược xua tan mệt mỏi cho du khách khi ngâm chân, tắm gội sau một ngày khám phá xứ Mường.

Khám phá văn hóa Mường

Du xuân xứ Mường ảnh 3

Người dân bản Ngòi hướng dẫn du khách làm bánh ngày Tết.

Một trong những nét hấp dẫn du khách khi tới Hòa Bình là được tìm hiểu đời sống văn hoá, trải nghiệm du lịch cộng đồng cùng với tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc của người dân địa phương. Trong đó, nổi bật nhất là văn hóa của người Mường, cộng đồng cư dân chiếm đa số của vùng lòng hồ.

Hầu hết các xóm bản nào quanh vùng lòng hồ, người dân vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, những tiếng chiêng, điệu múa sênh tiền, lời hát dân ca Mường, diễn xướng Mo Mường…

Giờ đây, ngoài dịp lễ hội truyền thống của dân tộc mình, những người dân địa phương còn biểu diễn để giới thiệu với du khách về những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc mình. Từ những lần biểu diễn tự phát, đến nay, những điểm du lịch cộng đồng quanh vùng lòng hồ đã có đội văn nghệ riêng, đầu tư bài bản từ trang phục, nhạc cụ tới các tiết mục phục vụ du khách.

Du xuân xứ Mường ảnh 4

Theo chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc - Đà Bắc CBT, vào những ngày lễ Tết, du khách đến những xóm làng trong vùng còn được tham gia các hoạt động văn nghệ, giao lưu thể thao, chơi trò chơi dân gian như ném còn, văn nghệ múa hát, hát đối… Cùng đón Tết với bà con, nhiều du khách được trải nghiệm làm bánh chưng, nấu các món ăn ngày Tết, thưởng thức không khí quây quần cùng gia đình và xóm làng uống rượu cần, đi chúc Tết hay cùng tham gia hội xuống đồng hay tới những điểm du lịch tâm linh trong vùng.

Chị Đinh Thị Nhiệu, chủ hộ homestay Quang Thọ, xóm Đá Bia, nói thêm, ngoài việc đồng áng, các hộ gia đình trong xóm giờ đều tham gia vào làm du lịch cộng đồng. Ngoài bốn nhà trong xóm làm cơ sở lưu trú homestay, một vài hộ gia đình tham gia trồng trọt, chăn nuôi, bán thực phẩm phục vụ ăn uống, đội hướng dẫn đưa khách đi tham quan, đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách… Du khách đều rất thích thú khi được tham gia các chương trình trải nghiệm tại đây, đặc biệt là bạn bè quốc tế.