Trên xứ mưa cổ kính

Tết ở Huế là dịp để muôn sản vật vùng đất được thi triển trên khuôn bàn ẩm thực truyền thống phong phú hiếm nơi nào có được. Từ những món ăn cung đình cao sang hay những món ăn dân dã đều có mặt trên những mâm cỗ ngày xuân. Trong cơn mưa phùn, không khí thoáng một chút lạnh se se, ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức từng món ăn đậm đà vị Huế là ân điển cho cả một đời người sinh ra và lớn lên trên xứ mưa cổ kính. Bánh chưng, bánh tét, dưa món, mứt gừng, bánh in, bánh thuẫn… bao năm tháng qua vẫn là hương vị của một Huế thanh bình, phong lãm.

Món ăn “trung tâm” của ngày Tết Huế là bánh tét, bánh chưng. Cứ thấy lá chuối được cắt, phơi qua một nắng, thấy gạo nếp được vút, đậu xanh hầm làm nhụy là biết nồi bánh tét, bánh chưng xanh chuẩn bị lên bếp. Để có một nồi bánh ngon, nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ càng. Nếp làm bánh phải là loại nếp ngon nhất, đều hạt, giã trắng, không lẫn với bất kỳ thứ nào khác. Ở quê tôi, ai làm ruộng đều để chừng nửa sào cấy nếp, dành riêng cho mục đích làm bánh, đồ xôi. Nếp sau đó được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước. Nhụy đậu xanh thì chọn loại đậu xanh mỡ, ngâm vút làm nhụy sống. Mỡ lợn là loại mỡ giấy, xắt thành từng miếng vuông vức. Các gia vị như tiêu, hành, nước mắm hoặc muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp. Phần lá gói bánh, người Huế thường chọn lá chuối sứ, có mặt rộng, độ bền chắc. Lạt giang được vót mỏng, cẩn thận nữa thì cho lên chái bếp nhuốm bồ hóng cho dẻo dai, không bị gãy khi buộc. Đòn bánh tét gói đẹp phải giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau. Người làng Chuồn gói bánh ngon nhất, và họ còn cho thêm một lượng lá “mật lục” để bánh có mầu xanh tự nhiên. Bánh chưng Huế được gói hoàn toàn bằng tay, sao cho bánh vuông vức như khuôn. Bánh thường gói nhỏ, tinh tế, chỉ vừa miệng ăn. Mệ Đào Thị Bê ở đường Nhật Lệ nổi tiếng với món bánh chưng mang thương hiệu Mệ Tóc Bạc. Ở từng gia đình tự làm bánh, ngày gói bánh cả nhà quây quần lại giữa gian nhà ba gian, vừa tán chuyện rôm rả vừa gói bánh.

Ngày 30 Tết, cúng tất niên xong, không khí Tết đã ngập trong nhà, ngoài đường, phố xá vắng hoe chờ phút Giao thừa. Người Huế rất giữ hiếu đạo, cứ mồng một Tết là cúng đầu năm mời ông bà tổ tiên về ăn Tết và thường là cúng chay. Nhà tôi có lệ cứ ngày đầu năm là anh em kéo nhau lên chùa sinh hoạt với gia đình phật tử, tụng bài kinh cầu an lành cho hết thảy vạn vật, nhân loại, đất nước, gia đình rồi ra sân hái lộc trên cây tân niên được trang trí bằng hoa và những phong thư kèm theo lời chúc tốt lành. Xong đâu đấy lại chở nhau vào viếng mộ ông bà tổ tiên rồi mới đi du xuân, chúc Tết. Người Huế ham vui, hết ba ngày Tết, bảy ngày xuân, lại còn loanh quanh cho đến Tết Nguyên tiêu mới xem như hết hội.