Trên hành trình tạc hình Tổ quốc

Nhìn trên bản đồ, biên giới chỉ là những nét vẽ ngắt khúc. Nhưng để có những nét vẽ đó, tạo nên hình dáng một đất nước Việt Nam hôm nay đã có biết bao máu xương, mồ hôi công sức của ông cha ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chính vì lý do ấy mà ngay sau khi kết thúc các vòng đàm phán và ký kết Hiệp ước về phân giới cắm mốc với các nước láng giềng, Ðảng và Nhà nước ta đã quyết tâm đầu tư nguồn lực và sức người để các công trình trọng điểm quốc gia này được hoàn thành tốt đẹp.

Minh họa TUYẾT NHUNG
Minh họa TUYẾT NHUNG

Vì lợi ích của mỗi dân tộc

Từ năm 2001 đến nay, nước ta lần lượt tiến hành đồng thời công tác phân giới cắm mốc với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Cam-pu-chia và tôn tạo, tăng dày cột mốc trên tuyến biên giới Việt - Lào. Có thể nói, đây là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có khối lượng công việc đồ sộ và là một quá trình hết sức phức tạp và đầy khó khăn, gian khổ.

Vì mục tiêu có đường biên giới quốc gia rõ ràng, ổn định, bình yên cho hôm nay và cho muôn đời sau, những người tham gia công tác phân giới cắm mốc đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Tuyến biên giới trên đất liền tiếp giáp với Trung Quốc trải dài từ ngã ba biên giới A Pa Chải (tỉnh Ðiện Biên) tới mũi Sa Vĩ (tỉnh Quảng Ninh), được chia theo địa giới hành chính gồm các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Năm 2009, toàn tuyến đã phân giới xong khoảng 1.065 km đường biên và cắm 1.971 cột mốc, trong đó có 1.378 mốc chính và gần 402 mốc phụ.

Trong niềm vui chung của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang khi công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới của tỉnh với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã hoàn thành, Ðại tá Hoàng Ðình Xuất, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Hà Giang nói với chúng tôi: "Tư tưởng đó là: "Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an", do Vua Lê Thái Tổ truyền lại đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của việc bảo vệ biên giới đối với sự thịnh vượng ổn định vững bền của nền độc lập. Ðặc biệt, để hoàn thành được việc phân giới cắm mốc tại một điểm cụ thể cần phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi người làm nhiệm vụ này của cả hai địa phương Vân Nam (Trung Quốc) và Hà Giang (Việt Nam) đều phải hết sức thận trọng".

Trước khi bắt tay vào thực hiện khảo sát địa bàn, Sở Ngoại vụ hai tỉnh của hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã cùng thống nhất để lực lượng công binh của Quân khu Vân Nam (Trung Quốc) và Quân khu II (Việt Nam) phối hợp tiến hành rà phá bom mìn khu vực chồng lấn cần khảo sát thực địa, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác phân giới cắm mốc. Ðại úy Phạm Trung Hiếu, Ðội trưởng đội công binh BÐBP Hà Giang cho chúng tôi biết, có cả trăm loại bom mìn nằm rải rác trên các mỏm núi, hốc đá lâu ngày bị che phủ dưới lá rụng, cỏ dại cần được tháo gỡ theo nhiều phương pháp khác nhau tùy theo đặc tính phát nổ của từng loại. Những công cụ đặc dụng dưới đôi tay quả cảm, kiên trì, khéo léo của người chiến sĩ công binh BÐBP đã tháo kíp nổ an toàn.

Theo chân nhóm phân giới cắm mốc số 5 Hà Giang trong một chuyến công tác thực địa, mới thấy hết các lực lượng chuyên trách phân giới cắm mốc đã phải đối mặt với vô vàn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Ðứng bên cột mốc 380 thuộc địa bàn xóm Phố Là, xã Phố Là thuộc huyện Ðồng Văn, Nhóm trưởng Nguyễn Ngọc Tuyên của Hà Giang (Việt Nam) và Nhóm trưởng Chu Bân Bân của Vân Nam (Trung Quốc) bắt tay chúc mừng nhau bởi để có thể cắm cột mốc tại vị trí này, hai nhóm đã phải trải qua suốt sáu tháng đàm phán. Anh Nguyễn Ngọc Tuyên và anh Chu Bân Bân đều có những kỷ niệm khó quên bởi tuyến biên giới Hà Giang - Vân Nam có địa hình tương đối phức tạp, địa bàn tác nghiệp trên thực địa hầu hết là khu vực núi cao, vực sâu, địa hình hiểm trở, chưa có đường giao thông và điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt…

Mỗi chuyến đi khảo sát, hai nhóm thường phải mất hằng tuần đi bộ với quãng đường hàng chục cây số đường lầy trơn trượt. Khi đã tới thực địa, phải đồng lòng cùng nhau thực hiện các bước tiến hành để xác định vị trí trên thực địa, bằng các hoạt động: khảo sát tuyến đường biên, hướng chạy của đường biên theo căn cứ vào địa hình, căn cứ vào dấu mốc cụ thể; đo bằng máy định vị toàn cầu, máy đo vẽ bản đồ điện tử…, sau nhiều lần đo nếu xác định các điểm trùng khớp sẽ đánh dấu và tiến hành xác định vị trí cắm mốc. Tiếp đó hai bên chụp ảnh, xử lý qua máy tính, lập biên bản in kèm theo ảnh chụp hiện trạng vào chung biên bản bằng tiếng Việt Nam và Trung Quốc. Khi đã thống nhất, nhóm trưởng hai nhóm phân giới cắm mốc hai nước ký vào biên bản và thảo luận thời gian cắm mốc.

Nghe các anh kể, chúng tôi nhớ lại lần gặp gỡ nhóm phân giới cắm mốc số 7 của tỉnh Lai Châu và các bạn Trung Quốc tại cửa khẩu Ma Lù Thàng. Các thành viên của hai nhóm vẫn nhắc với nhau về lần khảo sát song phương nhằm đúng đợt rét lịch sử năm 2008, cả hai nhóm nai nịt kỹ càng trước khi lên đường, vậy mà chỉ đi được nửa chặng thì chiếc áo bông nặng trĩu vì ngấm nước do sương mù và bông tuyết, bi-đông nước mang theo cũng đông cứng. Ðêm ấy, họ dựng trại ngủ giữa lưng chừng núi trong cái lạnh xuống đến 0 độ. Bạn ngủ bên đất bạn, ta ngủ bên đất ta. Nửa đêm, mưa bất chợt đổ xuống, dòng nước đỏ ngầu đất núi chảy thành từng dòng suối nhỏ quanh lán trại. Mọi người ngồi sát bên nhau chia sẻ hơi ấm và trò chuyện chờ cho cơn mưa dứt…

Chia tay Chu Bân Bân cùng những cán bộ phân giới cắm mốc của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đoàn chúng tôi xuống núi về Yên Minh (Hà Giang, Việt Nam). Mốc 358 vừa mới cắm, nhà chợ xây chưa xong, giao thương đã bắt đầu nhộn nhịp. Phiên "chợ cột mốc" giáp biên thuộc địa bàn xã Bạch Ðích đang tấp nập đông vui. Người từ hương Giàng Vản, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sang, người từ các bản trong huyện Yên Minh (Hà Giang) đến giao lưu mua bán.

Việt Nam - Cam-pu-chia sông liền sông, đồng liền cánh đồng

Ðối với tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, do hạn chế về điều kiện lịch sử, sự chênh lệch về tỷ lệ trên bản đồ với địa hình thực tế lớn nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới, nhiều nơi không phù hợp với tình hình quản lý và thực trạng địa hình đã thay đổi do tác động của thiên nhiên và con người. Hiện tượng nhân dân hai bên biên giới canh tác, sinh sống chồng lấn sang đất của nhau khá phổ biến.

Làm thế nào để bà con hiểu được điều đó thật không hề đơn giản. Lúc này, vai trò của người cán bộ BÐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Cam-pu-chia được phát huy. Với đường biên giới quốc gia dài 243,25 km, tiếp giáp với ba tỉnh Svay Riêng, Prey Veng, Tờ Bông Khmum, tỉnh Tây Ninh là một trong những cửa ngõ giao lưu kinh tế đối ngoại giữa hai nước. Với một loạt các hoạt động đối ngoại, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã vun đắp lên tình đoàn kết, hữu nghị sâu sắc với chính quyền và nhân dân ba tỉnh nước bạn. Ðược sự giúp đỡ của Ðại tá Nguyễn Hoài Phương, Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Tây Ninh, tôi có dịp được tiếp xúc với Thiếu tướng Pen Sa Ron - Chỉ huy trưởng Tiểu khu quân sự tỉnh Svay Riêng tại cửa khẩu Mộc Bài.

Chân thành và cởi mở, vị tướng cho biết, thời gian qua, các đơn vị thuộc Tiểu khu quân sự tỉnh Svay Riêng đã cùng với BÐBP Tây Ninh tổ chức các đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật và công tác phân giới cắm mốc cho nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới của hai tỉnh. Qua nhiều đợt tuyên truyền, nhân dân khu vực giáp biên đã hiểu và đồng lòng ủng hộ chính quyền và lực lượng chức năng hai nước. Năm nay, các cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc rất hân hoan phấn khởi, bởi công tác phân giới cắm mốc khu vực này đã hoàn thành, từ nay không còn nỗi lo tranh chấp ruộng nương, nơi chăn thả trâu bò cũng rõ ràng hơn trước. Từ chia sẻ của Thiếu tướng Pen Sa Ron, tôi như thấy những nụ cười rạng rỡ của các chiến sĩ BÐBP hai nước trên cung đường tuần tra biên giới, thấy được các đội phân giới cắm mốc hai bên có sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ chung.

Không có địa hình biên giới thuận lợi như Tây Ninh, song tỉnh Ðác Nông (Việt Nam) và tỉnh Mondulkiri (Cam-pu-chia) cũng đã sớm hoàn thành kế hoạch phân giới và cắm 24 cột mốc chính và 168 cột mốc phụ trên tuyến biên giới dài 130km giữa hai tỉnh. Chia sẻ về công việc của mình, đồng chí Nguyễn Xuân Bái, Ðội trưởng Ðội phân giới cắm mốc số 4 Việt Nam nhớ lại: Thời gian qua, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nắng mưa thất thường, nhưng trên tinh thần đoàn kết hữu nghị, toàn đội đã chủ động, cố gắng khắc phục khó khăn cũng như phối hợp chặt chẽ với Ðội phân giới cắm mốc số 7 Cam-pu-chia thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, chương trình của Ủy ban Liên hợp Phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia.

Tại buổi hội đàm song phương, ông Muon Ritthy, Ðội trưởng Ðội phân giới cắm mốc số 7 Cam-pu-chia cho biết, trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, hai đội đã tiến hành đo đạc, thống nhất vị trí chính xác và cắm các cột mốc phụ, cọc dấu tạm cũng như các cọc dấu phương vị. Trên cơ sở đó, nhà thầu tiến hành xây dựng cột mốc phụ, cọc dấu chính thức bằng bê-tông cốt thép vững chắc để phân định rõ ràng đường biên giới giữa hai nước.

Chuyện phân giới cắm mốc không chỉ là việc lớn của hai quốc gia, mà còn là việc lớn của người dân biên giới hai nước bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thửa ruộng, mảnh vườn hay cánh rừng của họ. Ông Hai Bé, một nông dân hồn hậu ở ấp biên giới Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) mang lại cho tôi cảm giác về những lũy thành chất phác nơi biên viễn. Ông nói tiếng Cam-pu-chia thành thạo, lại có uy tín nên được người dân cả hai bên tin tưởng, nể trọng. Ông Pon, Chủ tịch xã Tà Ô, còn sang nhận ông Hai Bé làm anh nuôi. Ông Hai Bé bảo: "Nhà tui có ba chục công ruộng giáp đất ông Lên phía bên Cam-pu-chia. Trước giờ làm ruộng gần nhau nên qua lại thân thiết. Giờ biên giới được phân định. Ruộng ai nấy làm, xưa giờ không thay đổi".

Còn ông Pon, người em nuôi "ngoại quốc" của ông Bé thì cũng thật giản dị, không có chút gì là một "xã trưởng" vùng biên. Ông Pon cho biết, có hơn 100 hộ dân của hai xã tham gia canh tác dọc đoạn biên giới, và ai cũng có ý thức giữ gìn và bảo vệ đường biên, cũng như giữ tình cảm láng giềng tốt đẹp.

Trên hành trình tạc hình Tổ quốc, những người con yêu nước luôn khắc ghi trong tâm khảm nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ từng tấc đất quê hương. Dẫu bao gian nan, vất vả, nụ cười vẫn tỏa rạng trên gương mặt họ. Khi chúng tôi tạm biệt những cán bộ phân giới cắm mốc và người dân hai bên biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, tôi nghe tiếng trẻ thơ cười đùa xôn xao đến lạ. Bên những cột mốc bằng đá hoa cương vững chãi, là những thôn ấp bình dị và những người dân chất phác như ông Hai Bé là những "cột mốc" sống đang ngày đêm canh gác bảo vệ quê hương yêu dấu.