Thương hiệu của ký ức

Trong cách nghĩ thông thường, thương hiệu là những cái tên gắn liền với một sản phẩm với chất lượng và giá trị nào đó. Có thương hiệu sống lâu hơn người sáng tạo ra nó. Nhưng có một thứ thương hiệu không gắn với một sản phẩm cụ thể, mà qua thương hiệu ấy, nhiều sản phẩm đã được vun bồi giá trị tinh thần bền vững, đó là ký ức. Ký ức là một phần của lịch sử. Với mỗi cá nhân, ký ức có thể khổ đau, vui sướng, nhưng luôn được hồi cố trở đi trở lại từ sâu thẳm tâm hồn để cân đong một số giá trị nào đó trong cuộc đời, để so sánh cái này với cái kia, để có thể giũ bỏ cái không may mắn và lưu nhớ niềm hạnh phúc. Để khi toan về già nhớ mình từng rất trẻ, lúc huy hoàng nhớ thời gi

Hà Nội là đô thị có thương hiệu, sở hữu nhiều di sản nhất trong cả nước. Hà Nội cũng có nhiều con phố, mùa hoa, nền nếp gia phong, món ẩm thực, ao hồ… rất gợi nhớ mà trong dằng dặc chiều dài ký ức, biết bao nét tinh hoa còn đọng lại trong kho tàng tân nhạc, hội họa, văn chương. Hà Nội cũng sở hữu các thương hiệu gợi nhớ và bền bỉ tồn tại đến hôm nay, và theo nhiều nhà văn hóa, sẽ còn dậy hương đến nhiều năm sau. Như phở Hà Nội, bánh cốm Nguyên Ninh, chả cá Lã Vọng… Thậm chí, thương hiệu nức tiếng của bánh cốm Nguyên Ninh, chả cá Lã Vọng đã vắt mình qua ba thế kỷ. Trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, thường những cái cũ phải rất phi thường mới giữ vẹn hình hài. Nhưng bao giờ kho tàng ký ức đẹp đẽ vẫn tiếp tục được tìm kiếm, khai thác, bung tỏa.

Nhà văn Tô Hoài từng nói, ký ức là một tài sản lớn của người cầm bút, được ẩn tàng trong lịch sử, đời sống và sâu thẳm nền văn hóa tinh hoa Hà Nội, thành phố nghìn năm. Khi viết Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài đã chịu khó chắt lọc những câu chuyện mộc mạc và thanh tao, giản dị nhưng đầy sinh khí, đời thường nhưng sâu sắc lắng đọng. Cũng bởi, ông đã ngấm cái tinh túy, cái khí chất nghìn năm xưa cũ đất kinh kỳ, khi hạ đến thì dâng lòng lên với chói chang hoa đỏ, khi thu sang mênh mang nơi những phố cây thâm nghiêm, rồi nhẩn nha bước qua nhiều con phố để cảm nhận từng lay động của những cơn gió mang hơi thở xuân ấm. Văn chương được chưng cất từ đời sống, thông qua lăng kính và nhãn quan tưởng tượng khớp nối hình ảnh của mỗi tác giả. Những điều ấy ngày nay nhiều tác giả trẻ cũng đang làm.

Mỗi người có cách hồi tưởng, làm đẹp ký ức, lưu giữ ký ức khác nhau. Cũng mỗi người có cách “tiêu pha” ký ức bằng những nỗi niềm khác nhau. Ở góc độ ẩm thực, trong cái ồn ào của phố, đâu chỉ những tao nhân mặc khách, các nghệ sĩ mới chùng chình phải lòng những phố rêu, mái ngói xô nghiêng bên thềm thời gian, hay lãng đãng trong không gian xưa cũ của ly cà- phê “Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng”, rồi phở Thìn, cà-phê Cư Xá, quán Xưa, cà-phê Ki-ốt 174 đầy hoài niệm. Nhiều người đã tự đưa mình vào những không gian vốn ít nhiều gợi được một thời quá khứ, để trải nghiệm, ru lòng trong phút giây bình tâm, trong tâm thế của một người nhẩn nha đi tìm cái đẹp, cái bình dị mà nay chỉ còn chan chứa những nhớ thương.

Cũng có người say ký ức, đến nỗi đã cảm nhận được cả mùi của ký ức. Một trong những khoảng thời gian được nhắc đến nhiều là “mùi thời bao cấp” nơi đô thị Hà Nội, nên đã thích thú sưu tầm những địa chỉ có cách bài trí dáng dấp thời bao cấp để thường xuyên lui tới. Với những người từng nếm trải thời mua hàng bằng tem phiếu thiếu thốn đến cười ra nước mắt, sẽ rất hay rầu lòng khi nhìn vào cách ăn tiêu lãng phí của con cái ngày nay. Nhưng điều đẹp hơn là họ rất hay trôi theo vệt ký ức có mùi bánh mì, mùi phở nơi các cửa hàng mậu dịch, mùi lúa nơi các cánh đồng ngoại thành... để nhắc nhở mình phải sống khiêm nhu, nghị lực.

Một bộ phận giới trẻ ngày nay cũng hể hả thích trở lại những nơi chăng đầy ký ức, nồng nàn nửa bình dân nửa sang trọng. Họ tìm đến những địa chỉ quen thuộc đó như một trào lưu, hoặc nhang nhác buồn muốn đằm lại, sống chậm lại khi cuộc sống và thời gian trôi quá nhanh, chứ không hẳn là muốn sâu sắc tìm hiểu những nét xưa cũ trong không gian Hà Nội đang có nhiều khu vực nhễ nhại phát triển theo chiều cao. Đáp ứng nhu cầu ăn uống “nhớ một thời”, những quán hàng theo kiểu thời bao cấp đã ra đời, trưng bày các hiện vật với phong cách xưa cũ, như ở những chung cư sang trọng, những con phố đắt đỏ, hay tại các tổ hợp siêu thị... Đông. Nhộn nhịp. Hể hả. Khách trẻ đến để được thưởng thức cảm giác phục vụ theo kiểu thời mua bằng tem phiếu. Người lớn tuổi đến để “nhận mặt” lại thời của mình.

Thế mới hay, ký ức không chỉ là nơi neo đậu tâm hồn, nơi để con người được đắm vào mà tưởng tượng, mà sung sướng, ngậm ngùi. Có vùng ký ức trở thành một thứ thương hiệu của thời hiện đại, mà nhờ đó mỗi người thấy cần phải học lại để lớn lên.