Những sắc thái của trường ca

Nghĩ về trường ca Việt Nam hiện đại, tôi rất tâm đắc với ý kiến của TS Chu Văn Sơn: "Khi thơ trữ tình muốn trình bày những suy cảm về những vận động lớn lao, thậm chí, kỳ vĩ của đời sống bằng một hình thức lớn, khi ấy trường ca xuất hiện. Nói gọn hơn, khi thơ trữ tình muốn chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái kỳ vĩ thì trường ca bắt đầu lên tiếng". Sau ngày đất nước thống nhất, trường ca ngày càng nở rộ. Có một thế hệ những nhà thơ đã đi qua chiến tranh và tìm đến trường ca như một cuộc đại kiểm kê, một lời tâm sự lớn trước những biến cố lịch sử: Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Ðức Mậu, Từ Nguyên Tĩnh, Lê Mạnh Tuấn, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo, Trần Anh Thái, Thi Hoàng… Và, những người trẻ tuổi hơn đang tiếp nối mạch nguồn thể loại ấy hôm nay: Nguyễn Quang Hưng, Ðoàn Văn Mật, Lý Hữu Lương, Thy Nguyên…

Trường ca là một chỉnh thể, với cảm hứng lớn, được cấu trúc thành từng chương, khúc, phần, mục, có liên kết logic, theo mạch cảm xúc, suy tư. Ðể viết trường ca thì phải trường sức, trường hơi, trường vốn (ý của TS Chu Văn Sơn). Tuy nhiên, là thể loại chưa hoàn kết, nên trường ca vẫn đang biến đổi. Sau giải phóng, đổi mới, trường ca ngày càng có những chuyển biến mạnh mẽ về mặt cảm hứng, đề tài. Cùng với mảng đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, trường ca cũng có cái nhìn ngoảnh lại, soi vào từng góc khuất của một thời binh lửa hào hùng, mở rộng, xoáy sâu hơn vào các vấn đề dân sinh, hậu chiến, đương thời. Ở đó, có một bè trầm, vọng từ rất xa, lan thấm vào đời sống hôm nay: Ta như về từ chiến trường xa/ Từ chốn ấy - từ những bông hoa dại/ Bông hoa nhỏ lương tâm bằng lòng xin ở lại/ Mong biến nỗi đau thành sự ngọt ngào (Gọi nhau qua vách núi - Thi Hoàng); Con đường mở tự tim mình hun hút/ Một lời yêu như lửa buốt trên môi (Những đám mây ký ức - Lê Mạnh Tuấn). Ấy là khi trường ca cũng như các loại hình, loại thể văn học nghệ thuật khác chú ý hơn vào bề sau, bề sâu của đời sống cả quá khứ và hiện tại. Trường ca giảm dần cốt truyện, gia tăng tính trữ tình, chất suy tưởng: Yêu hương cốm chúng tôi đi đuổi giặc/ Nước non xa sông núi hát câu gì/ Vồng ngực tuổi hai mươi căng những lời hò hẹn (Những đám mây ký ức - Lê Mạnh Tuấn).

Ðặc trưng của trường ca dần biến đổi, từ thể "thơ dài" với cảm hứng lớn về những sự kiện lớn, hùng tráng sang mạch cảm hứng trữ tình, suy tưởng. Vẫn trên nền các sự kiện lớn nhưng trường ca đương đại chú ý nhiều đến diễn biến của thân phận con người, các giá trị nhân sinh đặt trong tương quan với các biến cố lớn. Bên cạnh cái hùng, tráng, trường ca đương đại cũng thâu nhận những suy tưởng, cảm xúc về cái bi. Có lẽ, hiểu một cách chính xác nhất, cái lớn lao, kỳ vĩ của cuộc sống lúc này chính là giá trị người, những vận động của đời sống con người, đặc biệt là sứ mệnh sống đủ đầy, trọn vẹn với phận người trong tương quan với hoàn cảnh lớn của thực tại. Cũng có thể, trên nền của đặc trưng là cảm hứng lớn, suy tưởng lớn, trường ca hiện đại hướng đến các giá trị cao cả của đời sống, các hiện diện kỳ vĩ của thời đại, các tồn tại có tính vĩnh hằng và liên quan mật thiết đến vận mệnh con người (môi trường, các hiểm họa, huyền thoại, cái chết, sự sống, Tổ quốc, nhân dân, vận mệnh, phẩm tính và giá trị con người…). Bởi đó vẫn là khí cốt của trường ca: Chúng tôi giống nhau khát khao tìm về hạnh phúc/ Khát khao tình yêu, khát khao làm mẹ/ Khát khao nắm bàn tay con trẻ/ Trong đêm trăng ngồi hát điệu ru hời… (Chiến tranh trên gương mặt đàn bà - Phạm Hồ Thu).

Là thể loại lớn, dài hơi, đặt trong bối cảnh cuộc sống nhanh, gấp gáp, vội vã hiện nay, xem ra trường ca đang gặp khó trong việc tiếp cận độc giả. Tuy nhiên, như là thực đơn của tinh thần, để trường ca cuốn hút được người đọc hôm nay, nhất là người đọc trẻ, đồng thời từ đó làm lan truyền cả sự sáng tạo của thế hệ trẻ, thể loại này cũng cần có những biến đổi cho phù hợp. Với đặc trưng của trường ca, việc lôi cuốn độc giả cần phải được duy trì trên suốt hành trình (khác với sức hấp dẫn của một bài thơ đến từ khoảnh khắc). Bởi vậy, việc lựa chọn đề tài, chủ đề, sự đầy đặn của cảm hứng, chiều sâu của suy tưởng, tính hợp lý hay độc đáo của bố cục, cấu trúc, làm nên dấu ấn của tác phẩm trường ca trong lòng công chúng. Ðiểm cốt lõi nhất mà trường ca cần phải có để cuốn hút người đọc là gì? Ðó chính là việc duy trì được sức hấp dẫn của tính trữ tình dài hơi và tổng phổ hài hòa, độc đáo của nhịp điệu. Nếu bài thơ có thể được xem như một nốt trầm, nốt thăng hay một tiếng vang của khoảnh khắc thì trường ca như một bản hòa tấu, với nhiều nhạc cụ, nhiều thanh âm, giai điệu, chương khúc mà tác giả vừa là người hòa âm, phối khí, vừa là nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc.

Người đọc phổ thông dường như vẫn còn ấn tượng khá mạnh với trường ca ở tính hùng tráng của nó gắn với các sự kiện trọng đại mang tầm vóc kỳ vĩ. Vì thế, để thay đổi khẩu vị của độc giả, lan tỏa được sắc thái của trường ca đương đại đến thế hệ trẻ, có hai hướng cần được phát huy.

Một là: tạo nên được cảm hứng sử thi trong đời sống tinh thần của người đọc và người viết trẻ. Như vậy, cần đến việc giáo dục truyền thống và bồi dưỡng tinh thần dân tộc, cảm hứng trữ tình cao cả, vĩ đại. Ðánh thức nguồn mạch sử thi trong tâm thức người trẻ là một cơ hội của trường ca: Tuổi hai mươi chúng ta nhiều khao khát/ những giấc mơ chưa dừng lại bao giờ/ tuổi hai mươi chúng ta còn quá trẻ/ để nghĩ cuộc đời phía trước lớn lao hơn/ để nghĩ ngày mai đứng giữa Sinh Tồn/ cùng hát vang bài ca đất nước (Sóng trầm biển dựng - Ðoàn Văn Mật).

Hai là: Người viết trẻ cần đào sâu hơn vào suy tưởng, xúc cảm của mình, mở rộng các chiều kích tư duy, nâng tầm vóc những cảm xúc, suy tưởng đó đến các vấn đề phổ quát. Cũng là viết về cá nhân, trong ý hướng khởi dựng một trường ca, vấn đề riêng tư cần được đẩy lên đến khả năng bao quát, thể hiện những vận động chung của đời sống con người: Lùa căng vồng ngực đất nâu/ Ai ra phía sóng bạc đầu/ Trên vai đỡ cả xa sau tìm về (Nước non mặt biển - Nguyễn Quang Hưng); Gói những vết đau đêm đêm vùi vào tóc/ Ðêm đêm ai người khóc/ Mùa lạnh/ Mẹ ơi/ Ðừng khóc nữa/ Tóc đã ngủ cả rồi (Bình nguyên đỏ - Lý Hữu Lương). Ðó là hai dòng mạch chính định hình trường ca của những người viết trẻ hôm nay.