Ngôi sao tháng bảy

Ngày tháng bảy bời bời xúc động khi cùng các bạn trẻ đoàn thanh niên của xã đến thăm mẹ. Mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, là niềm tự hào của xã Anh hùng quê tôi - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, đã dâng hiến nhiều người con ưu tú cho Tổ quốc. Người dân quê chúng tôi vẫn thân thương gọi mẹ Hiền là bà Hến. Mẹ Hiền hiền lắm. Hiền như hoa trái trong vườn. Hiền như tên gọi mà mỗi khi cất lên đã chất chứa niềm nhân hậu.

Lối vào nhà mẹ Hiền hai bên là hàng rào râm bụt xanh ngắt. Ngõ râm bụt xưa là nơi chồng và lần lượt các con mẹ khoác ba-lô, hành trang vào chiến trường. Con ngõ ấy cũng là nơi hằng ngày mẹ ra đồng, chịu thương chịu khó cấy cày, cùng bà con trong làng hăng hái sản xuất, tiếp sức cho tiền tuyến. Một lần nhận tin chồng, hai lần nhận tin con trai. Lòng mẹ quặn đau. Tưởng không gì bù đắp và chẳng thể diễn tả thành lời. Mẹ nhìn vào những người phụ nữ, những người cũng dâng hiến chồng, con cho đất nước, để sống. 

May thay, chú út vẫn trở về dù thân thể không còn lành lặn nữa. Ngày chú về, mẹ rờ tay lên từng vết thương của con. Mẹ ôm chú như không muốn rời, rồi ngất lịm. Chú đã mang theo cả hình bóng cha và hai anh trai, mang theo hình bóng những đứa con của quê hương. 

Mẹ Hiền bằng tuổi bà nội tôi. Bà nội tôi cũng là mẹ liệt sĩ, là vợ của thương binh nặng. Ông nội tôi đã về với tổ tiên, bà đang được hưởng niềm vui con cháu sum vầy. Còn mẹ Hiền, tuổi đã cao vẫn gắng gỏi chăm sóc người con thương binh nặng. Chú Ngần, người con út của mẹ trở về đời thường dù được một người con gái thương mến, lấy làm chồng, gia đình được hưởng những chính sách nhân văn của nhà nước, được cộng đồng chung tay hỗ trợ, nhưng cuộc sống của mẹ vẫn rất nhiều khó khăn. Mẹ vẫn hằng nhìn lên ban thờ chồng và hai con, thắp hương cầu mong hương hồn ông phù hộ, tiếp cho mẹ nghị lực, để sống nhân ái, có thể vượt qua những khắc nghiệt, tuổi già tật bệnh ở những tháng ngày tiếp theo.

Mấy chục năm qua, mẹ Hiền cần mẫn chăm sóc cho ruộng lúa, khu vườn. Khu vườn mẹ nhiều cây lắm. Có vài cây được đặt tên riêng. Cây thị nhiều tuổi nhất thì mẹ đặt là “Chú lớn”, cây muỗm phía cuối vườn mẹ đặt là “Chú hai”. Còn cây nhãn cạnh cầu ao mẹ gọi là “Chú ba”, để mỗi khi nhìn cây, mẹ đều nhớ đến các con. Cũng có một cây mai, là hình bóng người con gái năm xưa - cô Mai - từng hẹn thề cùng “Chú lớn”. Chú hy sinh, cô Mai sang sông lấy chồng, sống đời đạm bạc. Mẹ chỉ có một con dâu, là cô Hanh bây giờ, vợ “Chú ba”. Mẹ vẫn bảo, nếu không có chiến tranh, mẹ sẽ có ba cô con dâu, cháu chắt đầy nhà…

Bà nội tôi thường kể, xưa kia mẹ Hiền đẹp nhất làng. Khi chồng con ra chiến trường, mẹ thường nhìn trời sao những đêm khuya trăn trở, để khỏa lấp nỗi nhớ và thắp niềm hy vọng. Chính mẹ Hiền cũng là một ngôi sao sáng ở làng, đầy nghị lực, đầy can đảm để bao người phụ nữ khác trông vào. Những người mẹ, người phụ nữ làng tôi đều nhìn nhau để sống, người này tiếp nghị lực cho người khác, làm thành những ngôi sao sáng ở một vùng trời quê bình dị, thân thuộc.

Tôi cũng hát về nội bằng bài hát ấy. Hát để biết ơn những ngôi sao, những người mẹ đã trở thành biểu tượng và sức sống Việt Nam. Sự trường tồn của dân tộc được đắp bồi bởi bao đóng góp lớn lao, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ giản dị, kiên cường. Đêm nay ở lại quê, ngước nhìn trời cao, thấy cả một dải những vì sao rất sáng.