Mùa thơm vườn mẹ

Vào ngày được chút thảnh thơi, tôi thường trở về vườn cây của mẹ để sà dưới tán cây đã nuôi tôi lớn. Vùng quê nhà cửa san sát nhưng vẫn còn đó những ngôi vườn hoa quả thơm lừng. Nhà nào cũng tận dụng khoảnh đất để trồng nơi này là bưởi, chỗ kia là cây roi, cây nhãn lúc lỉu quả. Ô nhỏ hơn thì trồng sen cạn, hoa giấy hoặc tường vi.

Vườn mẹ rộng, bốn mùa hoa trái sum suê. Ðó là điều khiến tôi tự hào và đám bạn thuở sinh viên dù đã lũ lượt chồng con, cũng cố gắng “bám càng” tôi để được no thỏa cơn khát vườn, khát cây khi mà phố xá đã trở nên ngột ngạt bởi khói bụi, nhà cao tầng tạo thành những ốc đảo bê-tông. Lần nào về, mẹ cũng lựa lúc có một mình tôi, nhắc khéo, con gái có lứa có thì, không chỉ dẫn bạn gái, mẹ chờ dẫn một chàng trai. Tôi cũng từng nghĩ giản đơn như lá, sống hết mình, xanh hết đời, vui vẻ, thoải mái chứ chẳng nên ràng buộc. Nhưng có lúc, nhìn cây thị trong vườn quả chín mẹ chưa kịp hái đã rụng xuống làm tôi chùng lòng. Cha đã trở thành người thiên cổ. Ngôi vườn chỉ còn mẹ chăm sóc, lưu giữ những ký ức về gốc vối, cây khế cổ thụ cạnh cầu ao. Ngày bé đứng dưới gốc cây, mấy chị em chúng tôi vẫn leo lẻo như con chim chích, rằng sẽ chẳng thể xa mẹ được, cũng chẳng lấy chồng để được ở bên mẹ. Thế rồi lớn lên, chúng tôi vẫn học hành, ra phố. Lời nói năm xưa chẳng thực hiện được. Mẹ cũng chẳng an lòng khi mấy chị em ở nhà chỉ để gần mẹ. Mẹ muốn các con phải lớn lên, nghĩ suy chín chắn, sau này có việc làm ổn định.

Chúng tôi đã làm mẹ và cha an lòng. Hai em gái đã lấy chồng, chỉ tôi vẫn đỏng đảnh như lá thu, chao đi chao lại trong cái vẻ ương bướng của mình, vẫn giữ một trái tim sắt đá. Tôi và người làng đều tự hào về ngôi vườn của mẹ. Ngôi vườn không chỉ giúp nhiều gia đình trong thôn, xã có được thức tráng miệng ngọt lành, mà còn cho chị em tôi chở ra phố dùng dần, thết đãi bạn bè. Mẹ không đủ sức làm đồng nữa, mấy ô thửa giao cho các dì ở quê đảm trách nhưng vụ cấy, vụ gặt mẹ vẫn ra trợ giúp các dì cho có chị có em.

Cữ này mùa thu buông chùng chình khắp các cánh đồng. Lúa đang thời kỳ mẩy hạt để ít ngày nữa thôi mùa gặt sẽ bắt đầu. Bên kia là những cánh đồng rau xanh bát ngát, có quy hoạch cả một vùng rau được trồng dạng trang trại. Trong làng vẫn còn những ngôi vườn trồng rau. Người dân bảo rằng kể từ năm 1993 không chia lại đất nữa, người dân an tâm sản xuất ổn định trên những cánh đồng.

Khoảng chục năm qua người dân thành phố đã về đây, mang theo khát vọng về những bữa ăn an toàn. Họ thuê đất, trồng rau và có những cái bắt tay với người nông dân quê tôi trong việc chăm sóc, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau. Chính xác là trang trại được đắp đổi thành vườn, có nhà tạm, khu trồng rau, nuôi cá; khu chăn thả gia cầm, góc trồng hoa quả. Nhu cầu về bữa ăn an toàn là chính đáng với bất cứ ai, nhưng chỉ ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội mới đủ đất đai, không gian cho những ngôi vườn và không quá xa trung tâm thành phố.

Vườn mẹ thành điểm tham quan của nhiều anh chị trên thành phố khi về quê tôi. Họ hỏi về những ngôi vườn trong làng, câu chuyện về cây cối và mang mít lai, ổi chiết về trồng trong vườn thuê được. Toàn những thứ chỉ ba đến bốn năm đã cho thu hoạch. Còn khu trồng rau, nhờ bàn tay cải tạo của người dân, chỉ gieo trồng hai tháng đã có rau ăn. Có ô đất gieo rau bao tử, chưa đầy hai tuần người ta đã thu hoạch, trong niềm vui và nụ cười tỏa rạng. Vườn quê giờ mang không khí bình yên. Cò vạc thích về no thỏa đôi cánh bay lượn, cũng bởi đám thanh niên quê đã học được cách bảo vệ môi trường, còn người thành phố xa lạ với chuyện săn bắt. Họ thích ngắm đàn chim về trong đồng chiều, rồi mang những món nông sản thu hái được, đưa lên xe chở về thành phố.

Cuộc đời có nhiều thứ được gìn giữ, đang neo con người lại để ngẫm về những chuyện tưởng giản đơn nhưng quan trọng lắm trong cuộc đời này. Quả vào mùa thơm vườn mẹ, những khu vườn quê tôi đẹp và bình dị, đang neo giữ niềm tin về một góc cuộc sống được bảo đảm an toàn, đậm tình châu thổ.