Mãi còn lưu dấu

1. Năm 1970, Tòa soạn báo Vùng mỏ chúng tôi được ông Ðỗ Thế Việt, cán bộ kháng chiến hoạt động ở khu mỏ Hồng Gai chuyển tới tấm thiếp của Bác Hồ gửi công nhân khu mỏ Hồng Gai năm 1953. Trong thư gửi kèm, ông Việt viết: "… Năm 1951, Công đoàn đặc khu Hồng Gai chúng tôi có gửi lên Việt Bắc biếu Bác Hồ một chiếc màn (quà biếu của một chị công nhân) và một bức tượng Bác bằng than đá do anh Trần Văn Mão, thợ mỏ Cẩm Phả tạc trong những ngày anh làm phu xe cuốc. Thì tháng 3-1953, Công đoàn đặc khu Hồng Gai nhận được tấm thiếp này của Bác Hồ từ Việt Bắc gửi về cảm ơn. Nay tôi thấy cần phải gửi về cho các đồng chí, mong được giới thiệu lại với công nhân khu mỏ về một bút tích quý giá của Bác…".

 Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) Ảnh: Phạm Học
Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) Ảnh: Phạm Học

Phía trên cùng là hai hàng chữ đánh máy: "Gởi anh chị em công nhân Hồng Gai. Nhờ Tổng Liên đoàn lao động chuyển". Dưới hai hàng chữ này là phần viết tay: "Hồ Chí Minh". Nội dung của thiếp:

"Tôi đã nhận được bức tượng và chiếc màn anh chị em gởi biếu. Tôi rất cảm động và cảm ơn. Mong các bạn đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa công nhân và đồng bào Việt Nam. Ðoàn kết giữa công nhân ta và anh em công nhân Hoa kiều. Giữ vững tinh thần, tích trữ lực lượng. Chuẩn bị sẵn sàng, chờ dịp phối hợp với quân và dân ta tiến sang tổng phản công. Trong tổ chức và công tác, phải khôn khéo giữ bí mật. Phải trường kỳ và gian khổ, nhưng kháng chiến của ta nhất định thắng lợi".

Tòa soạn đã kính chuyển tấm thiếp về Nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh của khu mỏ, đồng thời, tôi được Ban Biên tập phân công tìm gặp ông Trần Văn Mão để viết bài về người đã tạc tượng Bác Hồ. Tôi đã gặp được ông Trần Văn Mão (năm đó bác 69 tuổi), là công nhân Xí nghiệp kiến thiết cơ bản mỏ Cẩm Phả, đã nghỉ hưu. Ông Mão kể lại với tôi về 29 ngày tạc tượng Bác Hồ với niềm xúc động khôn cùng.

Từng bị cầm tù ở nhà tù Lạng Sơn, khi trở về Cẩm Phả, ông Mão làm phu than xe cuốc ở Moong-dăng. Tuy là phu xe cuốc, nhưng công việc thực tế của ông Mão lại chủ yếu là tạc đồ than đá phục vụ chủ mỏ Béc-na. Về Cẩm Phả, ông Mão tiếp tục sinh hoạt trong tổ chức công đoàn bí mật của mỏ do anh Ngô Văn Xuân phụ trách. Một đêm, anh Xuân đến gặp ông giao nhiệm vụ: "Còn hơn tháng nữa thì đến ngày kỷ niệm Lao động toàn thế giới, tiếp nữa là 19-5 kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ. Ðoàn thể đã họp bàn kỹ, nhất trí cử tôi đến bàn với anh. Ðể có món quà của giới thợ mỏ than mình dâng Bác, anh cố gắng tạc cho Ðoàn thể một bức tượng Bác Hồ bằng than đá thì rất quý". Nghe anh Xuân nói vậy, ông Mão vừa vui vừa rất lo lắng.

Anh Xuân động viên thêm:

- Tôi tin là anh làm được. Ðoàn thể cũng tin như vậy!

Anh Xuân lấy từ túi áo trong ra một đồng tiền đúc bằng nhôm trắng:

- Anh dựa theo hình Bác đúc trong đồng tiền này nhé!

- Vậy đến khi nào cần có?

- Phấn đấu làm xong càng sớm càng tốt, cần xong trước ngày mồng 1-5.

Sau đó là chuỗi ngày từ nghiên cứu chân dung Bác, đến chọn than kíp-lê chất lượng cao từ đống than chủ nhất Béc-na dành riêng cho ông để làm đồ than. Ông Mão đào một cái hố to bằng cái nón, sâu nửa thước ở chái sau nhà, nơi ít người để ý tới. Hố này phòng khi có động thì ông đặt tượng Bác xuống, đậy một miếng sắt và đổ cát lên, còn ông thì tuồn ra phía sau trốn vào rừng. Ông khoét trên vách hai lỗ tròn, từ chỗ ông ngồi tạc tượng có thể nhìn suốt ra đường cái quan sát.

Hình Bác đúc trên đồng tiền là hình in nghiêng, thành thử chính diện gương mặt Bác không thấy được. Ông Mão lại phải tìm đến chỗ anh Phúc, bấy giờ là Chủ tịch thị trấn Cẩm Phả. Rất may anh Phúc có bức ảnh Bác in trên giấy to bằng bàn tay. Ông Mão dành đúng một ngày để quan sát kỹ lưỡng cả hai hình Bác, một chính diện, một nhìn nghiêng. Từ cặp mắt, vầng trán, chòm râu, gương mặt đều thể hiện sự tinh anh, thông minh, tài trí, đức độ. Mỗi ngày, ông chỉ tranh thủ được giờ nghỉ buổi trưa và buổi tối, sau khi đi làm về, để tạc tượng. Có những lần mải mê đến quá nửa đêm, say mê đến nỗi quên cả ăn, cả ngủ.

Một đêm, khi ông đang sửa phần gương mặt tượng thì bỗng có tiếng thốt lên đột ngột sau lưng:

- Trời! Thầy mày tạc tượng Bác Hồ!

- Suỵt! - Ông Mão đứng phắt dậy bịt miệng bà vợ - Khẽ chứ!

- Sao thầy mày lại giấu tôi? - Thầy mày coi thường tôi quá! Thầy mày cho tôi biết, tôi gác cho mà làm tốt hơn không?

Từ hôm ấy trở đi, cứ ban đêm thì vợ ông vừa nấu rượu, vừa gác cho ông làm. Nấu rượu là để "làm phép’’ cho có cớ thức đêm mà thôi.

Khi ông Mão tạc sắp xong bức tượng thì anh Xuân đến thăm. Anh trầm trồ khen ông tạc tượng Bác rất giống. Ông Mão sung sướng trào nước mắt. Ngày thứ hai mươi chín thì ông Mão hoàn thiện xong bức tượng. Anh Xuân dặn ông hễ xong là đưa ngay đến chỗ anh để chuyển cho Ðoàn thể, rồi chuyển lên Việt Bắc biếu Bác.

Việc đưa bức tượng đến chỗ anh Xuân cũng được vợ ông giúp sức. Tượng được bọc lại bằng một chiếc khăn vuông đặt gọn trong cái thúng trên để vài mớ rau. Từ nhà ông Mão đến chỗ anh Xuân cách non cây số, nhưng phải qua một ngã ba và hai ngã tư, rất dễ gặp lính. May thay không gặp trắc trở nào.

Nghe xong câu chuyện, tôi đưa cho ông Mão xem tấm thiếp Bác Hồ gửi năm 1953 mà trước khi xuống Cửa Ông tìm gặp ông, tôi đã đến Nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh của khu mỏ mượn lại ít ngày. Ông Mão ngắm nghía rất kỹ, lặng đi, rồi mới chậm rãi đọc từng tiếng một, giọng trầm đục, đôi mắt rưng rưng…

2. Trong lần tới thăm Cô Tô ngày mồng 9 tháng 5 năm 1961, hồi đó Cô Tô còn thuộc tỉnh Hải Ninh, Bác Hồ đã đi thăm đồng muối, bới khoai cùng nông dân trên ruộng, thăm hỏi gia đình thuyền chài. Bà con các dân tộc trên đảo quây quần quanh Người. Người nói: "Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Ðảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ". Yêu kính Bác, chính quyền và người dân nơi đây đã xin dựng tượng Người. Tượng Bác được dựng bán thân bằng thạch cao. Ðây là bức tượng đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng lúc Người còn sống.

Ðầu năm 1976, bức tượng bán thân ấy được dựng lại bằng tượng toàn thân đúc bê-tông cốt thép được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp thực hiện. Năm ấy tôi cùng hai nhà báo Trọng Thanh và Lê Bá Thuyên - Chủ nhiệm Báo ảnh Việt Nam cùng ra đảo tác nghiệp. Phải vượt biển bằng tàu gỗ, người nào cũng chao đảo, say sóng. Cô Tô nghèo và hoang vu. Ngoài trồng lúa, hoa màu, làm muối, đánh bắt hải sản nhỏ lẻ, trên đảo đã có dự án nuôi trai lấy ngọc. Bát cháo trai "diện thải loại" chúng tôi ăn còn nhằn ra được hơn chục viên ngọc trai tròn nhỏ như hạt đỗ xanh.

Năm 1996, kỷ niệm lần thứ 106 Ngày sinh Bác Hồ, bức tượng Bác Hồ bằng đá hoa cương được thay thế bức tượng đúc bằng bê-tông cốt thép trước đó. Cho đến bây giờ, tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô vẫn được các nhà điêu khắc đánh giá là bức tượng Bác đẹp nhất vùng Ðông Bắc. Bác đứng đó uy nghiêm, lưng tựa núi gương mặt hướng ra Biển Ðông bao la, tay phải giơ cao vẫy chào như chở che cho vùng đất và biển trời nơi đây. Tôi nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Trần Anh Trang:

Sau một ngày đường biển xa xôi

Giữa trùng khơi lại được gặp Người...

Ðất mẹ nghìn năm tự xé mình ra

Cho ta biển, cho ta trời, cho ta ngàn vạn đảo

Câu thơ khẳng định đanh thép về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Mỗi tấc đất, tấc trời, tấc biển đều là máu là thịt của Ðất Mẹ sinh ra.

Ðường đến Cô Tô giờ đã gần lại, thuận tiện hơn rất nhiều những chuyến ra đảo của chúng tôi ngày trước. Và với bất cứ ai đặt chân đến hòn đảo vùng Ðông Bắc của Tổ quốc ấy đều lưu giữ xúc cảm thiêng liêng, khi đứng trước bức tượng Bác Hồ. Mãi mãi, Bác Hồ vẫn lưu dấu tình cảm của Người với Cô Tô.