Hơi ấm trùng khơi

Căn hộ chung cư tôi ghé thăm trước khi bước chân lên chuyến tàu công tác Trường Sa giống hệt như hàng trăm căn hộ ở khu đô thị. Nhà không có đàn ông, từ việc lớn trong gia đình như họ mạc, con cái, đến cái quạt, ti-vi bị hỏng, bắc ghế đóng đinh lên tường… cũng chỉ một tay người phụ nữ.

Chiến sĩ Hải quân đọc thư gửi từ đất liền. Ảnh: TRẦN THÀNH
Chiến sĩ Hải quân đọc thư gửi từ đất liền. Ảnh: TRẦN THÀNH

Chị Huyên trò chuyện cùng tôi, giọng miền trung đầy thương khó: “Vất vả vậy chứ chị vui lắm em, ba mẹ con chuyển được vào cách đây mấy tháng, vậy là được gần anh rồi”. Tôi hỏi lại: “Hơn chục năm nay, mỗi năm anh một lần phép, thế bây giờ thì sao?”. Giọng chị chợt chùng xuống: “Bây giờ thì… cũng rứa! Có điều, chị và cháu ở đây, ít ra, những chuyến mọi người ra thăm đảo rồi mùa thay quân, chị được hỏi thăm anh qua người đi, người về”. Nhác thấy nét mặt đầy tâm trạng của tôi, chị Huyên rủ rỉ tâm tình, giải thích: “Nếu em có chồng ra đảo, em sẽ thấu cảm giác gần kề dù chẳng gặp được nhau, dù lòng vẫn thổn thức, nấc nghẹn khi nghe tiếng còi tàu chào cảng”. Những người vợ lính ở khu đô thị này tuổi đời đều còn rất trẻ. Vì thương con, ngóng chồng mà họ phải xa quê, có người dở dang công việc và hoài bão. “Có người vợ lính viết câu thơ thế này: Anh biết không em sợ tiếng còi tàu/ Bởi nhói lòng khi ta phải xa nhau/ Dẫu đến nay đã bao lần đưa tiễn/ Vậy mà sao nước mắt cứ chực trào. Mỗi lần anh Thịnh bước lên tàu, chị đứng ở cầu cảng và cảm giác đó lại dội lên”, vừa nói chị vừa cúi mặt, bàn tay gầy guộc tết nốt bên tóc đuôi sam cho cô con gái nhỏ.

“Cây hoa hồng bằng ốc ngọc lan này là của bố cháu gửi về tặng ba mẹ con đấy cô ạ. Bố kể, sau giờ huấn luyện, rất nhiều chú bộ đội trên đảo ra bờ cát tìm vỏ ốc, dây thép, ni-lông tặng bố cháu làm món quà này đấy. Nơi bố cháu công tác thì chẳng có bờ cát đâu, bố ở nhà giàn”, con trai lớn của chị Huyên đã học lớp bốn, líu lo khoe với tôi cây hoa hồng đặc biệt có ba khóm. Khóm lớn ba mươi tám bông hoa ứng với số tuổi của chị Huyên, còn lại hai khóm nhỏ, số hoa là số tuổi các con anh năm ấy. Tôi hứa với chị, chuyến công tác lần này, dù gặp được anh hay không, tôi vẫn tìm cách gửi món quà nhỏ của chị tới được tay anh, thông qua những chuyến tàu, những người đồng đội.

* * *

“Chị cứ an tâm, biển đảo bao la mà cũng gần gụi lắm! Chị nhìn can cà muối này đi, trên ấy chỉ đề mỗi “Dũng - TSĐ”, TSĐ là đảo Trường Sa Đông viết tắt đấy, mà ở đó chắc chắn nhiều người trùng tên, thế mà bằng cách nào đó, đồ vẫn tới tay người cần nhận”, đồng chí Chính trị viên tàu KN 490 động viên khi gặp ánh mắt âu lo của tôi, sợ không chuyển được gói quà của chị Huyên cho anh Thịnh. Ảnh hưởng bão, tàu lắc lư suốt ngày, điện thoại hoàn toàn mất sóng, tôi cũng chẳng thể hình dung bằng cách nào để gặp được người lính nhà giàn giữa biển trời mênh mông. Qua hải trình sáu ngày, tàu ghé thăm được nhiều đảo. Đầu tiên là Song Tử Tây, điểm cuối là Trường Sa - điểm duy nhất của quần đảo tàu cập áp mạn cảng và diễn ra cảnh tàu chào đảo xúc động trong đêm khuya. Một vài đồng nghiệp của tôi đã chuyển thành công những gói quà gia đình bộ đội trong đất liền gửi ra, phấn chấn ra mặt. Có cuộc gặp tình cờ, may mắn ngỡ như mơ. Một người chị cùng chuyến đi với tôi bắt chuyện với các thủy thủ, chợt biết người mình gửi giúp quà đang trên tàu ở cùng khu vực. Họ gặp nhau giữa trùng khơi, chị chuyển được hai gói trà Thái Nguyên của bố mẹ anh nơi quê nhà sang tàu bên ấy. Tạm biệt nhau rồi, vẫy chào mãi, nhưng chỉ lúc sau, khi tàu chúng tôi đang thả neo, chàng thủy thủ cùng một vài anh em tàu ấy đi ca- nô sang chơi. Thế là, bên này có quà bánh, trái cây gì mang ra mời nhau hết. Đầu tiên, một quả bưởi được bóc ra hết sức nâng niu, nhẹ nhàng. Sau đó, ba quả ổi ban đầu bổ một. Khách định ăn nhưng nhìn chúng tôi, nếu chúng tôi ăn, các anh cũng lại mới ăn. Để xua đi không khí ngại ngần, chúng tôi đành ăn từng miếng, với mình thì thừa, khách thì quá thiếu. Cảm giác ấy khó tả lắm, thương nhau lắm. Bổ thêm quả nữa, mình ăn, khách mới ăn. Câu chuyện vừa kịp đượm lại đến giờ thủy thủ phải về tàu. Người chị thật sự lúng túng, chẳng biết phải làm gì nữa, về phòng lấy hết hoa quả, dăm quả quýt, quả ổi, vài quả bưởi… cho vào túi đưa vội cho anh em, bốn bề trời đã tối.

Đêm trăng Trường Sa thiên về các cuộc tâm tình. Bộ đội trên tàu thả cước theo quán tính, dường như chẳng mấy ai cần chờ kết quả. Một ấm trà đặc “cắm tăm” được pha. “Đằng nào lát nữa chả đi ca, chúng tớ chẳng sợ gì mất ngủ!”, ai đó giọng hào sảng quay sang nói với nhóm nhà báo. Thế là những câu chuyện cứ tiếp nối câu chuyện, chuyện nhà, chuyện quê. Ban ngày anh em giữ ý, ngại ngần là thế, hỏi gì cũng không nói, thế mà bấy giờ lời cứ tuôn ra như là tự sự. Rồi đến lúc, bỗng chẳng ai nói gì mà tất cả cứ thấy ắp đầy giao cảm. Ở giữa không gian bao la, ta như được hòa nhập với biển trời, và biển trời cũng đưa ta xích lại từ bên trong.

* * *

Ngày cuối hành trình, đêm đến, mở điện thoại ra, thi thoảng chớp lên một hai vạch sóng, biết ngay tàu đang đi qua nhà giàn. Cả chục ngày lênh đênh trên biển, ghé thăm đảo nổi, đảo chìm, tưởng chừng muối mặn khơi xa đã ngấm sâu đến từng hơi thở ấy thế mà khi tới thềm lục địa phía nam, lên nhà giàn, cảm xúc về biển cả lại rộng mở ra những chân trời miên man, thẳm biếc. Bình minh chầm chậm dâng lên, sừng sững trước mắt người ngôi nhà thép sơn vàng bừng sáng hệt đóa hoa hướng dương. Bỗng đâu, có cơn giông bất ngờ kéo đến dù phía xa kia, vẫn khung trời bình minh sóng sánh vàng như mật. Tàu bắt đầu rung lắc, sóng biển đánh thẳng vào chân nhà giàn, trắng cả một vùng. Cơn giông qua đi rất nhanh, tàu tiến gần nhà giàn hơn, càng tiến gần càng thấy đóa hoa thép kia vững vàng, sừng sững. Những trụ thép lớn kẻ dọc ngang mặt biển kiêu hãnh, hiên ngang mà không kém phần lãng mạn. Nó dấy lên trong tôi sự bất ngờ, ngỡ ngàng, không hiểu bằng cách nào và trải qua bao thăng trầm để chúng ta có thể xây dựng nên những cột mốc chủ quyền đầy thiêng liêng ấy. Anh Thịnh ở trên kia, trong hàng lính quân phục Hải quân nghiêm trang vẫy chào đoàn.

“Chị ngồi tạm ở đây nhé, không gian riêng của bộ đội chỉ thế này thôi”, người lính vừa kéo ghế, vừa tìm ấm pha trà. Tôi ngồi ở một góc phòng nhỏ thật nhỏ, hai bức tường cắt nhau bởi một góc tưởng như không thể nào nhọn hơn và hẹp hơn. Nhưng kìa, có nhành phong lan mầu tím hồng thật rực rỡ, mềm mại uốn một nét cong cạnh cây đàn ghi-ta, hình ảnh giản dị mà đầy xúc động. Anh dẫn tôi tham quan khắp nhà giàn.

“Giò phong lan chị vừa hỏi đến chỉ có thể là của cán bộ, chiến sĩ mang ra. Vì sao ư? Vì từ đất liền ra đây, quân tư trang nặng trĩu trên vai, bộ đội chỉ có thể gói ghém một nhành lan nhỏ. Ra tới đây, phải nâng niu, chăm chút kỹ lắm thì nhành cây cấy trên khúc gỗ mục kia mới có thể sống sót, đơm bông. Khí hậu khắc nghiệt nên một nhành lan đó mãi không sinh sôi thêm. Hy hữu, vẫn có những nhà giàn có chậu phong lan thật to, nhiều nhánh hoa rực rỡ. Đó là món quà của Hiệp hội hoa Đà Lạt tặng bộ đội vui Tết đón Xuân”. Anh Thịnh nói, tôi lắng nghe, giọng như có sóng, có nước, có nỗi bâng khuâng muốn ngỏ với đất liền.

Quê anh ở Thái Bình, ngay gần biển, suốt ngày đêm vẫn vẳng bên tai tiếng dạt dào. Thế mà, bố anh lại chưa một lần được ngắm biển. Ông bị mù, đôi mắt nhắm hay mở cũng chỉ toàn bóng tối. Anh đi bộ đội, làm lính nhà giàn, bố tự hào lắm. Mỗi lần con trai về phép, ông cứ hỏi: “Biển ngoài ấy có đẹp như biển quê mình? Ồ, chắc là rộng lắm, xanh lắm, mà sóng cũng dữ lắm nhỉ?”. Anh trả lời, biển Tổ quốc ta nơi nào cũng đẹp. Chị Huyên người miền trung, họ tình cờ quen biết, yêu xa mấy năm trời. Từ lúc yêu tới khi nên vợ nên chồng chỉ gặp nhau vài bận.

* * *

Vài giờ đồng hồ thăm nhà giàn trôi qua rất nhanh. Một số thành viên có kinh nghiệm trong đoàn công tác khẳng định, lên được thế này là rất may mắn bởi nếu gặp thời tiết xấu hoặc thủy triều bất lợi thì chẳng thể lên nổi chứ đừng nói chuyện thong thả, hàn huyên bên ấm trà. Tới lúc phải chào anh Thịnh, tôi hỏi anh có gửi gì về không, anh gãi mái đầu lướt mướt mồ hôi: “Chị đã có lòng chia sẻ thì xin chị chờ bộ đội chút nhé”. Quà anh đã đóng sẵn rồi, cũng một gói nhỏ nhẹ tênh, kích cỡ hệt của chị Huyên gửi ra. Vừa tiễn tôi xuống từng bậc nhà giàn, anh vừa kể, nhiều năm qua, vợ chồng anh trao nhau những chiếc áo thấm hơi người. Hơi áo đất liền có mùi bếp núc, xà-bông, bỉm sữa... hơi áo khơi xa mặn mòi muối biển, sóng lừng, giông bão... “Nhưng chị có biết, mùi gì là rõ rệt nhất không? Mùi của những đêm dài thao thức đấy! Hơi người khi phải sống xa nhau mà luôn nghĩ về nhau, luôn thuộc về nhau cứ nồng nàn, cuồn cuộn, như chạm được vào, thương lắm!”. Lời nói của anh Thịnh găm mãi trong đầu óc tôi bằng niềm xúc động đến ám ảnh. Tôi đang cầm trên tay vật chứng của những đêm dài yêu thương, mộng mị.

Sau cuộc gặp gỡ với nhà giàn là một cơn mưa biển. Tàu cất ba hồi còi chào nhà giàn thao thiết, âm vang. Mưa nhẹ nhõm, mong manh không mấy ảnh hưởng tới tầm nhìn. Tôi vẫn đứng trên mũi tàu, trên tay là gói quà sẽ trở ngược về đất liền, là bí mật anh Thịnh không ngại ngần trao gửi. Qua ống kính tê-lê, tôi thấy anh Thịnh vẫn đứng nguyên một điểm, như khi tiễn tôi xuống xuồng về tàu. Anh vẫn giơ tay vẫy chào. Chắc chắn, anh không thể nhìn thấy tôi, càng không biết tôi nhìn được anh khá rõ ràng. Lòng tôi như có muôn sợi dây kết nối mong manh ẩn hiện như giăng tơ, dệt cửi. Một vài thủy thủ đứng bên tôi, họ cũng nhìn mãi về hướng nhà giàn, dáng hình như đóa hoa hướng dương sắp bước vào giấc mộng lóng lánh trăng sao đúng độ đêm rằm. Chỉ ngày mai thôi, nơi cầu cảng, tôi sẽ gặp ba mẹ con chị Huyên bên hàng trăm con người khác cũng thấp thỏm đợi chờ, mong ngóng. Họ chờ những chuyến tàu, chờ những con người xa lạ chuyển giúp cho mình chút hơi ấm tự trùng khơi.