Giữa rừng già Lộc Lâm

Cách biệt giữa rừng sâu, ấy là Lộc Lâm, xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Cái xứ từng là chốn thâm sơn này, nơi xa xôi nhất thuộc huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng là quê hương ngàn đời, là không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc Mạ. Ở đó, giữa thung lũng lòng chảo bạt ngàn nắng gió, có những buôn làng nương tựa vào nhau, hiền hòa và thanh bình. Ở đó, dưới những mái nhà sàn ấm áp có những người con của núi rừng bất khuất trước kẻ thù, chân chất, bao dung với đồng bào ruột thịt và một lòng trung trinh, nghĩa tình với Đảng, với Bác kính yêu…

Giữa rừng già Lộc Lâm

Ấn tượng đầu tiên về Lộc Lâm chính là một không gian hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, vùng đất ở chặng cuối độc đạo. Lộ trình như dài hơn bởi thưa vắng bóng người. Rừng xanh tiếp rừng xanh, núi đỏ tiếp núi đỏ. Con đường đất bụi mù bốc lên phía đuôi xe như nối dài thêm cuộc hành trình “về nguồn” của người làm báo Đảng. Qua thinh không yên tĩnh, vẳng từ rừng xa tiếng hú dài gọi bạn của những người thợ sơn tràng và thỉnh thoảng, đôi chuyến xe tải chở nông lâm sản đột ngột kéo theo một cái đuôi dài bụi đỏ phăng phăng từ phía rừng ra. Biết bao lần trở lại với các chiến khu xưa ở Tây Nguyên xa xôi nhưng thắm nghĩa tình này, tôi luôn có cảm giác những vùng đất ấy có nét gì đó na ná như nhau. Xa xôi nhưng không xa lạ. Tâm lý “lên đường” của người mang ý nghĩ “trở về” tạo cho tâm hồn ấm áp và rạo rực hẳn lên, dù vẫn thường làm người lữ hành đơn độc. Đến với Lộc Lâm, vùng chiến địa tranh chấp ác liệt, vùng quê cách mạng thủy chung một thời, xã được phong Anh hùng LLVT đợt đầu sau ngày thống nhất, cảm xúc của tôi trong chuyến đi này cũng vậy…

Trưa lấp lóa nắng trên những nương chè, những rẫy cà-phê. Lộc Lâm hiện ra trước mắt như một vùng đất lạ mà người nào lần đầu đặt chân đến cũng có cảm giác là chặng cuối của một cuộc “chinh phục”. Thật ra, chính tôi đã bị vùng đất và con người nơi đây cuốn hút. Không thể không thốt lên: đẹp quá, thanh bình quá. Từ đỉnh dốc ở con đường lên cao dần trên ngọn đồi đầu xã nhìn về thung lũng, những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh níu tựa vào nhau bên sườn núi như một sự sắp đặt khéo léo. Mây trắng bồng bềnh trôi ngang núi. Rừng xa xanh thẫm một màu. Các loài hoa lá đua nhau rực rỡ bên sườn núi và giữa thung lũng tràn ngập sắc nắng. Thấp thoáng bóng thổ cẩm hoa văn với những dáng vẻ khỏe mạnh, tràn đầy sức sống. Những chàng trai, cô gái người Mạ tôi gặp trên đường chỉ ngại ngần chốc lát rồi cởi mở dần khi tôi hỏi chuyện. Dừng chân trước một ngôi nhà sàn, tôi mạnh dạn bước qua cánh cửa. Cụ K’Chàng là cựu du kích, trông vẫn còn gân guốc dù đã ở cái mốc hơn tám mươi mùa rẫy. “Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Đảng, cũng thờ Bác Hồ…”- cụ cầm tay tôi đưa tới bên chiếc tủ gỗ nhỏ lục tìm chốc lát và lôi ra từ chiếc ống nứa lên bóng một bức ảnh úa màu. Tôi xúc động khi được tận tay sờ lên bức ảnh Bác Hồ in trên giấy báo cũ đã bạc màu thời gian. Cựu du kích K’Chàng nói rằng, bức ảnh vô giá này cụ được một anh bộ đội cắt ra từ tờ báo Quân Giải phóng mà anh có được trên đường hành quân và tặng cụ từ năm 1965, trong một lần bộ đội chủ lực về phối hợp với du kích Lộc Lâm đánh giặc. Suốt bao năm tháng qua cụ luôn luôn giữ gìn, nâng niu ảnh Bác như báu vật. Sau này được tặng rất nhiều bức ảnh mới của Bác nhưng “bảo bối” này vẫn giữ một giá trị thiêng liêng trong ngôi nhà sàn bé nhỏ của người du kích dân tộc Mạ kiên dũng năm nào…

“Ngày xưa già không biết làm cán bộ vì không biết cái chữ, chỉ biết làm du kích thường thôi nhưng chuyện ở Lộc Lâm này thì còn nhớ rõ lắm” - cụ K’Chàng nói. Hồi ức của cựu du kích cùng trở về và sống động hơn theo những trang tư liệu mà tôi đã tìm hiểu từ trước. Từ năm 1945, dù chưa được giác ngộ cách mạng nhưng ở Lộc Lâm đã có thủ lĩnh K’Kíu đứng ra lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Thanh niên trong các buôn làng đã có tới 60 người đi theo K’Kíu chống lại âm mưu chiếm phá buôn làng, lập tề điệp của giặc. Người dân Lộc Lâm còn nhớ mãi các ông K’Blưu, K’Bình, K’Biêng… những người đi đầu của phong trào yêu nước tự phát này. Pháp qua rồi Mỹ tới, Lộc Lâm bắt đầu cuộc chiến với kẻ thù mới bằng truyền thống đã được xây đắp. Lúc đầu, mọi người chỉ biết nghe lời các ông K’Blưu, K’Biêng mà chưa hiểu biết nhiều về cách mạng. Đến tận năm 1961, lần đầu tiên, cán bộ của Đảng về với rừng sâu Lộc Lâm. Họ mang về đây lời hiệu triệu của Đảng, tiếng gọi đoàn kết một lòng đánh đuổi quân xâm lược. Ông K’Chương - cựu cán bộ thời chống Mỹ, nói rằng: “Đảng về, cán bộ của Bác Hồ về, chúng tôi như gặp được ánh sáng của Yàng. Từ đó, chúng tôi tuyên truyền với nhân dân là chỉ nghe theo lời Đảng, lời Bác, quyết tâm xây dựng lực lượng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ làng buôn”.

Suốt bao tháng bao năm qua, người Mạ ở Lộc Lâm đã khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, một lòng trung thành với Đảng, với Cách mạng, với sự nghiệp xây dựng đất nước. Từ năm 1961 cho đến hôm nay, tất cả các gia đình luôn treo ảnh Bác trong ngôi nhà của mình như một sự mang ơn, một lời nhắc nhở. Họ cũng lưu giữ bức thư của Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số tại Plây Cu và coi đó là “tấm bảng chỉ đường” trong suy nghĩ và hành động của mình. Ka Phờm, nữ Bí thư Đảng ủy, một cán bộ người dân tộc bản địa trưởng thành sau chiến tranh, đưa cho tôi xem bản thành tích của quân dân Lộc Lâm trong thời chống Mỹ, cứu nước những dòng tư liệu vô giá được viết bằng xương bằng máu của một thời đã qua. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, xã Lộc Lâm chỉ có hơn 300 người dân nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một căn cứ kháng chiến của tỉnh Lâm Đồng, một đầu mối trên tuyến hành lang Đông - Tây của chiến trường miền nam. Với vị trí quan trọng của mình, Lộc Lâm cũng trở thành một vùng tranh chấp, một chiến địa ác liệt. Quân và dân Lộc Lâm đã tham gia 93 trận đánh, diệt 370 tên địch, bắn rơi sáu máy bay. 80 người con Châu Mạ ở các buôn làng đã lên đường tham gia quân giải phóng và các cơ quan kháng chiến, người ở lại đóng góp 80 ngàn ngày công bố phòng bảo vệ căn cứ, vót hàng chục triệu cây chông; 70 ngàn ngày công tải đạn, lương thực phục vụ chiến đấu. Đã có 38 người con Lộc Lâm anh dũng ngã xuống hoặc đóng góp một phần máu xương cho Tổ quốc. Ka Phờm cũng nói rằng, Lộc Lâm có chi bộ Đảng từ rất sớm. Năm 1961, xã đã có một chi bộ với bốn đảng viên, năm 1965 phát triển lên 14 đảng viên, năm 1967 đã có 23 đồng chí và đến ngày giải phóng thì giữa rừng già này đã có một đảng ủy với năm chi bộ và 67 đảng viên. Còn thời điểm hiện nay? Phó Bí thư Đảng ủy K’Tèo cho biết, toàn đảng bộ hiện có sáu chi bộ với 98 đảng viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số bản địa. Họ tiếp nối truyền thống oai hùng của lớp người đi trước, tôi luyện qua bao gian nan thử thách, một lòng kiên dũng và trung thành với lý tưởng cao quý mà mình đã lựa chọn. Đảng bộ vùng sâu này được đánh giá là một tập thể đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo, nhiệt tâm chăm lo cuộc sống cho 700 hộ dân với 2.700 nhân khẩu…

Giữa trưa đứng bóng. Tôi đứng dưới bóng mát của Nhà tưởng niệm dõi mắt theo dòng tên của những người con Lộc Lâm đã anh dũng ngã xuống được khắc trên tấm bia đá mầu đen. Những đứa trẻ đến trường sớm cùng lần theo dòng tên ấy với tôi. Các em hồn nhiên và trong trẻo quá. Hồn nhiên và trong trẻo như chính mảnh đất đang dậy lên sức sống giữa bao bọc rừng già cổ thụ. Nhìn các em và làng buôn thanh bình hôm nay, thật khó ai có thể ngờ rằng, trên mảnh đất này đã phải trải qua những tháng ngày sục sôi khói lửa đạn bom và biết bao hy sinh mất mát.

Trung tâm Lộc Lâm mà tôi chứng kiến trong những ngày mùa thu lịch sử này là hình ảnh sinh động của một vùng quê miền núi Tây Nguyên trong thời đổi mới. Đường sá vào các buôn làng phong quang, sạch đẹp và đầy hoa giấy đỏ, hoa bằng lăng tím. Trường học khang trang rợp bóng cây xanh. Trụ sở xã uy nghi. Nhà văn hóa cộng đồng rộng thoáng, đẹp đẽ. Bưu điện văn hóa xã người vào ra nói cười vui vẻ. Chị Nguyễn Thị Có - phụ trách bưu điện nói rằng, hàng ngày rất đông người đến đọc sách báo. Bưu điện của chị có hàng trăm đầu sách các loại và tám đầu báo, trong đó có báo Nhân Dân, Lâm Đồng, Nông thôn ngày nay… Bí thư Ka Phờm nói như một lời tự hứa: “Thế hệ cán bộ trẻ chúng tôi luôn tỏ lòng biết ơn những người đi trước, gắng hết sức mình để xây dựng Lộc Lâm xứng đáng với truyền thống Anh hùng đã được cha ông xây đắp từ trong những tháng ngày gian khổ chiến tranh”. Tình hình an ninh chính trị và diễn biến tư tưởng của bà con? “Ồ, rất ổn định. Bà con Lộc Lâm một lòng trung thành với Cách mạng. Trước nghe lời Đảng, lời Bác anh dũng đấu tranh bảo vệ quê hương. Không có người chạy theo Fulro hay nghe lời kẻ xấu. Nay, bà con chăm lo chí thú làm ăn và xây dựng buôn làng.” Năm 2017 vừa qua xã đã kỷ niệm 40 năm thành lập, đó là một điểm mốc đáng nhớ ghi nhận bước trưởng thành vượt bậc của vùng đất Anh hùng…

Tạm biệt Lộc Lâm, tôi mang theo ánh mắt đầy biết ơn và tôn thờ của lão cựu du kích K’Chàng khi ngắm hình ảnh vị Cha già dân tộc. Ánh mắt ấy thể hiện biết bao điều ý nghĩa, như một thông điệp nói thay tấm lòng của đồng bào Mạ nơi mảnh đất xa xôi giữa rừng núi Tây Nguyên luôn giữ vẹn truyền thống trung trinh với Đảng, với cách mạng và nguyện trọn đời nghe theo lời dạy thiêng liêng, cao quý của Bác kính yêu.

Giữa rừng già Lộc Lâm ảnh 1

Trai gái dân tộc Mạ vỗ nhịp chiêng đón khách.