Giám đốc Kỹ thuật của Bóng đá Việt Nam cần phải chuyên trách

NDO -

NDĐT - Việc tìm kiếm ai làm Giám đốc Kỹ thuật (GĐKT) của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là quan trọng. Nhưng hơn tất cả, Giám đốc ấy sẽ làm gì và với nguồn lực nào?

Ông Troussier và ông Gede (ngoài cùng bên phải) khi đang cùng làm việc với VFF.
Ông Troussier và ông Gede (ngoài cùng bên phải) khi đang cùng làm việc với VFF.

Vai trò của một GĐKT đã được thừa nhận qua nhiều năm, ở nhiều nền bóng đá khác nhau từ chưa phát triển cho tới phát triển, nên việc VFF cho biết sẽ tìm kiếm ngay một người thay ông Jugern Gede đáp ứng được yêu cầu cần thiết đó.

Bản thân VFF cũng như các Liên đoàn quốc gia khác khi nhận 500 nghìn USD hỗ trợ hàng năm từ FIFA cũng phải đáp ứng yêu cầu là phải có một GĐKT. Một phần 10 trong số tiền này được FIFA ấn định là để góp phần trả lương cho GĐKT.

Một trong các ứng viên được đề xuất sau khi VFF tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng với ông Gede là đương kim HLV trưởng đội U19 Việt Nam, hiện kiêm nhiệm thêm cả chức danh Giám đốc Trung tâm Quỹ đầu tư bóng đá PVF, chuyên gia người Pháp Philippe Troussier.

Ông Troussier là chuyên gia đẳng cấp, giàu thành tích, có kinh nghiệm nhất trong lịch sử bóng đá Việt, nên hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu chuyên môn cho bất cứ chức danh, vị trí nào trong một bộ máy quản lý điều hành bóng đá. Ông từng thành công với U20, U23 và đội tuyển Nhật Bản, và với hàng loạt nền bóng đá khắp châu Phi và châu Á.

Bản thân ông Troussier cũng rất đam mê với kế hoạch đưa Việt Nam tới World Cup 2026. Ông lập tức nhận lời “giải cứu” đội U19 Việt Nam sau khi đội tuyển trẻ này thất bại tại giải Vô địch U19 Đông Nam Á 2019 (bị loại ngay từ vòng bảng, thua cả U19 Campuchia).

Đội U19 Việt Nam chỉ một tháng sau khi ông Troussier dẫn dắt đã vượt qua vòng loại U19 châu Á nhờ những trận đấu ấn tượng, trong đó có trận hoà 0-0 với U19 Nhật Bản hồi tháng 11-2019. Điều này một lần nữa chứng tỏ khả năng của ông từ lý thuyết cho tới thực hành.

Phong cách làm việc của ông Troussier cũng phù hợp với vị trí GĐKT nhờ sự sẵn sàng kết nối với hệ thống đào tạo trẻ, đội ngũ HLV trẻ cả nước.

Tuy nhiên, GĐKT theo khuyến nghị của FIFA cũng như thực tế BĐVN thì không thể kiêm nhiệm, vừa trực tiếp dẫn dắt một đội tuyển trẻ, vừa làm Tổng kiến trúc sư của cả một nền bóng đá.

Khối lượng và chất lượng công việc đòi hỏi một chuyên gia chuyên trách. VFF mong muốn người thay thế ông Gede không chỉ phát triển hệ thống đội tuyển trẻ mà còn cả nâng cấp đội ngũ HLV trẻ của BĐVN.

Hai nhiệm vụ này so với yêu cầu của FIFA mới chỉ đáp ứng khoảng 30%, vì GĐKT còn phải có vai trò với cả bóng đá phong trào, bóng đá học đường, góp phần định hướng phát triển kĩ thuật ở các giải VĐQG, cần nhiều sự kết nối với tất cả các CLB bóng đá ở mọi cấp độ trên cả nước.

FIFA thực hiện dự án FIFA Forward (tạm dịch: Tiến Lên) kể từ 2016, hỗ trợ các liên đoàn thành viên từ 500-750 ngàn USD/năm tùy từng dự án. Hiện FIFA Forward đã bước sang giai đoạn hai. Mỗi năm các liên đoàn phải cung cấp hồ sơ, bao gồm cả hợp đồng lao động của GĐKT để có thể nhận đủ các khoản hỗ trợ.

Các GĐKT để lại dấu ấn trên thế giới cũng đều là những người làm chuyên trách và dài hạn như Sammer của Đức, Asworth của Anh, Edu của Brazil trước kia.

Đội U19 Việt Nam sẽ tham dự VCK U19 châu Á dự kiến tổ chức tháng 10-2020 tại Uzbekistan. Bốn đội vào bán kết và chủ nhà giải này sẽ giành vé đi VCK U20 Thế giới năm 2021.