Chất lượng mặt sân V-League: Câu chuyện còn đau đáu

NDO -

Trong 20 năm V-League lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã tiến bộ ở rất nhiều khía cạnh. Thế nhưng, luôn có một vấn đề khiến cho Ban tổ chức cũng như những lãnh đạo phải đau đầu, đó chính là chất lượng mặt sân ở giải đấu số một Việt Nam.

Mặt sân Hàng Đẫy được đánh giá là một trong những mặt sân tốt nhất Việt Nam. (Ảnh: D.T)
Mặt sân Hàng Đẫy được đánh giá là một trong những mặt sân tốt nhất Việt Nam. (Ảnh: D.T)

Phải thừa nhận trong những năm qua, mặt sân của các CLB V-League đã có sự cải thiện nhất định. Mặt sân Hàng Đẫy ngày xưa vô cùng mấp mô, nhưng từ năm 2017, với sự quyết liệt của lãnh đạo CLB Hà Nội, thảm cỏ sân Hàng Đẫy đã được khoác lên bộ áo mới, mượt mà và xanh ngát, để trở thành một trong những sân vận động có mặt cỏ đẹp nhất Việt Nam. Việc nâng cấp mặt sân Hàng Đẫy thời điểm đó thể hiện sự quyết tâm của đội bóng khi muốn nâng tầm sự chuyên nghiệp cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với người hâm mộ. 

Thế nhưng ở V-League, những sân vận động có mặt cỏ đạt tiêu chuẩn như sân Hàng Đẫy, Pleiku hay Thống Nhất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là của số ít những CLB có mặt cỏ đẹp mắt thường triển khai lối chơi đầy kỹ thuật và cuốn hút như Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai hay TP Hồ Chí Minh. Trở về thực trạng nhức nhối, những sân vận động có mặt cỏ kém chất lượng như sân Lạch Tray hay Thanh Hóa đang góp phần làm cho hình ảnh của bóng đá Việt Nam thiếu chuyên nghiệp. 

Sân Thanh Hoá từng là tâm điểm chỉ trích của dư luận khi có chất lượng mặt sân xuống cấp trầm trọng. Các cầu thủ và người hâm mộ từng ngán ngẩm với sự thiếu sức sống của màn cỏ nơi đây. Thậm chí, CLB Hải Phòng còn để lại câu chuyện dở khóc dở cười với hình ảnh sân Lạch Tray có rau trồng sau cầu môn hay cảnh chó chạy gà gáy phía dưới khán đài. 

Chất lượng mặt sân ở V-League: Câu chuyện còn đau đáu -0
 Những hình ảnh rất không đáng có của một giải đấu chuyên nghiệp. 

Hãy nhìn hai CLB Sông Lam Nghệ An và Nam Định đều không có tài chính quá tốt, nhưng sân Thiên Trường của Nam Định có mặt sân khá ổn, ngoài ra còn được lựa chọn đăng cai một trong hai bảng đấu của SEA Games 31 cuối năm nay. Còn đối với Sông Lam Nghệ An, họ cũng có sự nỗ lực nhất định trong việc nâng cấp mặt cỏ khi bao năm qua sân Vinh đã trở thành nỗi ác mộng của mọi CLB khi tới đây thi đấu.

Giám đốc điều hành CLB Nam Định, ông Trần Thái Toán chia sẻ về công đoạn để giữ gìn mặt sân: “Ngoài việc bón phân, phun thuốc diệt côn trùng thì phải thường xuyên tưới nước cho sân. Đặc biệt là mùa đông có sương muối, cỏ hay chết nhiều, người quản lý mặt sân phải dậy sớm phun nước rửa sương muối đêm xuống đọng ở cỏ để không làm chết lá, rồi chiều lại phun nước tiếp. Mùa hè càng phải tưới nước nhiều hơn để cỏ không bị chết. Chi phí bảo dưỡng mặt cỏ nếu trong tháng thi đấu tốn hơn 30 triệu đồng/tháng”.

Nếu các CLB cần nhìn một tấm gương để học hỏi thì Becamex Bình Dương có thể là câu trả lời. Không như sân Hàng Đẫy hay Thống Nhất dùng mặt cỏ Bermuda đắt tiền, sân Gò Đậu sử dụng mặt cỏ lá gừng mà các đội bóng ở V-League thường dùng. Tuy nhiên, sân Gò Đậu có cách chăm sóc vô cùng chỉn chu để trở thành một sân khấu để những Tô Văn Vũ hay Tiến Linh có thể phô diễn kỹ năng một cách trọn vẹn nhất. 

Ông Lê Hồng Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể thao Bóng đá Bình Dương cho biết họ sử dụng tiền bán vé hằng năm để trả lương cho đội phục vụ sân bãi với hơn 20 người. Ngoài ra, ông chia sẻ: "Mặt sân cần phải thường xuyên tu bổ. Sau mỗi trận đấu, lực lượng phục vụ sân Gò Đậu phải dàn hàng ngang đi khắp mặt sân cỏ để xem chỗ nào bị hư hỏng là cắm mốc cho bộ phận rải cát hoặc lắp cỏ đến làm. Sau đó, xe lu sẽ đi lu cho phẳng rồi tưới nước. Trước trận đấu một tuần phải cắt cỏ và lu lại mặt sân một lần nữa. Nếu không làm những điều đó, mặt sân sẽ mau hư". 

Sự tỉ mỉ và tâm huyết của những nhà làm bóng đá khiến cho người hâm mộ bóng đá Bình Dương nở mày nở mặt. Cách làm bóng đá đầy tâm huyết như vậy như muốn thể hiện sự tôn trọng đối với người hâm mộ, những người đã bỏ tiền để mua vé vào sân, cổ vũ nhiệt tình cho các cầu thủ dưới sân và quan trọng hơn hết, người hâm mộ là tài sản của CLB!

Dẫu biết mỗi đội bóng đều có những khó khăn riêng, nhưng mong rằng các đội hãy cố gắng tạo nên sự tươi mới cho những “thánh địa” của riêng mình, để không chỉ trong nước, mà bạn bè quốc tế cũng sẽ có được cái nhìn ấn tượng về nền bóng đá Việt Nam.