Bỏ giải và câu chuyện về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt

NDO -

Xin rút lui khi giải đấu đang diễn ra giữa chừng hay “bỏ giải” không những trở thành vấn nạn lâu nay của CLB Thanh Hóa, mà còn đe dọa không nhỏ tới nỗ lực vươn tầm chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam trong suốt hai thập kỷ đã qua.

Bỏ giải và câu chuyện về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt

Đội bóng ba lần “định” bỏ giải
Cách đây ít ngày, Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ) đã có văn bản gửi đến VPF, VFF xin dừng thi đấu V-League 2020. Lý do chủ yếu được đưa ra là giải đấu số một Việt Nam đang phải tạm hoãn lần hai bởi dịch Covid-19 và chưa biết khi nào mới trở lại, điều này ảnh hưởng nhiều tới vấn đề tài chính, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động của các đội bóng dự giải, trong đó có Thanh Hóa.

Quyết định của người đứng đầu CLB xứ Thanh phần nhiều đem tới cảm giác ngao ngán hơn là bất ngờ với những người làm bóng đá và các cổ động viên chân chính Việt Nam bởi đây đã là lần thứ ba trong lịch sử đội bóng này bày tỏ mong muốn sớm dừng lại khi giải đấu còn đang vận hành. Còn nhớ, hồi năm 2012, trong giai đoạn đầu tiên nắm giữ cương vị Chủ tịch CLB Thanh Hóa, bầu Đệ từng rất gay gắt khi chỉ trích các thành viên hội đồng quản trị Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF vì bất đồng quan điểm tại Lễ tổng kết mùa giải.

Nhìn lại lần dọa bỏ giải năm 2012 của Thanh Hóa, nếu tạm gác ý nghĩa tiêu cực về mặt mục đích, khách quan mà nói, bầu Đệ đã cho thấy ông muốn đấu tranh vì đội bóng cũng như mong muốn xây dựng giải đấu trong sạch, công bằng hơn, không thể có chuyện một giải bóng đá chuyên nghiệp lại được điều hành bởi chính các ông chủ của các CLB tham dự (“vừa đá bóng vừa thổi còi” như phát biểu của bầu Đệ).

Tới lần dọa bỏ giải thứ hai, thời điểm đầu mùa giải 2017, CLB Thanh Hóa khi ấy được nắm giữ và điều hành bởi Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ngoại binh Pape Omar dính án treo giò tám trận cùng khoản tiền phạt lên tới 30 triệu đồng, bầu Quyết không đồng tình và tuyên bố sẽ bỏ giải nếu quyết định kỷ luật này không được giảm nhẹ. Câu chuyện sau đó như chúng ta đã biết, tiền đạo người Senegal được giảm án phạt, CLB Thanh Hóa thi đấu trọn vẹn hết phần còn lại mùa giải, còn bầu Quyết thì bỏ luôn bóng đá sau mùa giải 2018.

Tới lần thứ ba hồi đầu tháng 8 này, tất cả đã “thở phào” khi bầu Đệ đã rút lại công văn đề nghị bỏ giải chỉ một ngày sau đó. Tuy vậy, đây có thể coi là nét gợn không đáng có cả với CLB Thanh Hóa cũng như con đường tiến tới xây dựng hình ảnh giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Không phải giải pháp tích cực
Mùa giải 2020 là mùa bóng đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn với tất cả các giải đấu trên thế giới. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đang phải “oằn mình” chống chọi những tác động tiêu cực mà dịch Covid-19 gây ra. Tại V-League, không chỉ Thanh Hóa mà có tới ba CLB khác cũng gửi văn bản mong muốn kết thúc giải sớm, gồm Quảng Nam, DNH Nam Định và Sông Lam Nghệ An.

Lý do chính được đưa ra là việc giải đấu kéo dài sẽ khiến các đội bóng mất rất nhiều chi phí duy trì CLB. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, việc bảo đảm kinh phí duy trì hoạt động quanh năm, gồm thời gian nghỉ giữa hai mùa giải của các đội bóng chuyên nghiệp là vấn đề hoàn toàn bình thường. Ông cũng nhấn mạnh không thể vì một CLB mà làm sụp đổ cả hệ thống bóng đá của quốc gia. Vấn đề có thể sẽ nghiêm trọng hơn nếu giải bị hủy và các cầu thủ không được thi đấu trong hơn suốt sáu - bảy tháng liền.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, nguồn thu chính của bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn là từ tài trợ. Bởi vậy, nếu giải đấu không diễn ra mà không vì lý do bất khả kháng thì việc phá vỡ hợp đồng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Ngoài ra còn là vấn đề uy tín của đơn vị quản lý, tổ chức và điều hành giải, cũng như các CLB. 

Bóng đá Việt cần những quy chế chặt chẽ hơn
Theo Khoản 5, Điều 12 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam; Khoản 3, Điều 69 Quy định về kỷ luật của VFF, nếu một đội bỏ giải sẽ bị đánh tụt xuống Giải hạng Ba, cùng số tiền nộp phạt 300 triệu đồng. Không những vậy, lãnh đạo đội bóng đối mặt nguy cơ bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 5 năm. Tuy nhiên, việc tuyên bố “dọa” bỏ giải xảy ra không hiếm trong lịch sử V-League, một phần cũng bởi những quy định chưa có sức nặng với các đội bóng, nhất là các đội bóng chưa “thực sự” chuyên nghiệp.

Bỏ giải và câu chuyện về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt -0
VFF đã "nương tay" để DNH Nam Định cùng ba đội bóng khác dự mùa giải chuyên nghiệp 2020. 

Ở mùa giải 2020, có tới bốn đội bóng, gồm Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, DNH Nam Định và Thanh Hóa không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một đội bóng chuyên nghiệp do Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) đưa ra, về cơ sở vật chất, năng lực tài chính, phát triển bóng đá trẻ, nhân lực pháp lý. Theo quy định của AFC, VFF hoàn toàn có quyền không cấp phép cho các đội bóng này tham dự V-League, nhưng cuối cùng liên đoàn đã “nương tay” để bốn CLB có thêm thời gian hoàn thiện các tiêu chí, từ đó được phép góp mặt tại V-League mùa này.

Sẽ cần rất nhiều yếu tố nữa để giúp V-League vươn mình trở thành giải đấu hấp dẫn dù là trong khu vực. Nhìn sang “người hàng xóm” Thái Lan, Thai League kiếm được hàng trăm tỷ đồng mỗi mùa nhờ vào bản quyền truyền hình, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là vài trăm triệu đồng, không thấm vào đâu so với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng chi phí duy trì đội bóng. Bởi vậy, các CLB Việt Nam vẫn đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách, tiền tài trợ và các ông bầu.
Để chuyên nghiệp hóa các giải bóng đá nội, VPF sau gần một thập kỷ điều hành giải đấu cần mạnh tay hơn trong các quyết định của mình, gạt bỏ suy nghĩ “không thích thì bỏ” của một số lãnh đạo đội bóng hiện nay. Người hâm mộ đang rất hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát để các trận đấu nhanh chóng trở lại, đồng thời giúp các đội bóng thoát khỏi tình cảnh khó khăn, khó xử.