Ân tình bóng đá Việt Nam

NDO -

NDĐT - Những phát sinh của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua cho thấy đòi hỏi phải có sự chuẩn hóa về luật.

Công Phượng trong màu áo TP Hồ Chí Minh sau khi được HAGL cho mượn. (Ảnh: VPF)
Công Phượng trong màu áo TP Hồ Chí Minh sau khi được HAGL cho mượn. (Ảnh: VPF)

Việc đầu tiên là chuyện cầu thủ Công Phượng được cho là có bản hợp đồng với CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho tới năm 27 tuổi (vào năm 2022). Giống như nhiều cầu thủ cùng trưởng thành từ học viện do bầu Đức khởi dựng, hợp đồng này có thời hạn tám năm.

Tám năm được coi như là sự đền đáp công lao đào tạo của HAGL đã tuyển chọn, đầu tư trong nhiều năm, giúp các cậu bé từ nông thôn trở thành ngôi sao bóng đá.

Hãy khoan nói về tính pháp lý của thời hạn tám năm với một hợp đồng lao động (nó có đúng là không xác định hạn hay không) thì, hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp có phải là một sự đền đáp, trả ơn?

Xưa nay và trên thế giới, đào tạo bóng đá luôn miễn phí. Các cầu thủ trẻ được tạo điều kiện tập chuyên môn, ăn uống khoa học, và học văn hóa mà không phải trả tiền. Chi phí hoàn toàn do các trung tâm, CLB chi trả, vì sự đầu tư cho đào tạo là bền vững và ít tốn kém hơn việc đi mua sắm ngôi sao; đồng thời cũng để đáp ứng các yêu cầu về mô hình, hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp.

Nhiều nơi, các cầu thủ trẻ còn được nhận lương hằng tháng dưới hình thức sinh hoạt phí. Và có cả chuyện mua bán các tài năng trẻ.

Vì nếu cầu thủ cần môi trường tốt để tập luyện thì CLB cũng cần những hạt giống tốt đặng bảo đảm sau này họ có các sản phẩm chất lượng (ngôi sao).

Bóng đá sòng phẳng như vậy. Và bởi vậy mà sau hợp đồng đào tạo là các cầu thủ trẻ có thể sòng phẳng đàm phán hợp đồng, và được quyền tự do lựa chọn nơi phát triển tài năng (chơi bóng). Jadon Sancho, 20 tuổi, người Anh, đã chia tay CLB đào tạo anh (Man City) để sang Dortmund (Đức) chơi bóng với phí chuyển nhượng tám triệu bảng, và giờ đây, giá trị chuyển nhượng của Sancho là trên dưới 100 triệu bảng.

Việc thứ hai là CLB Hà Nội ra văn bản yêu cầu các cầu thủ phải chia sẻ thu nhập từ các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội.

Quy định này đánh dấu một sự thay đổi trong bóng đá Việt Nam: Quản lý, sử dụng hình ảnh cầu thủ như thế nào với bóng đá thế giới là một yếu tố quan trọng nay cũng tương tự với Việt Nam. Và CLB không còn nuôi cầu thủ nữa, mà chính (số ít) cầu thủ nuôi lại đội bóng.

Nếu thu nhập triệu USD của Quang Hải là đúng thì nó gấp nhiều lần số tiền tài trợ quảng cáo cả CLB Hà Nội kiếm được trong năm 2020.

Hà Nội đòi chia tiền của các cầu thủ bằng một quy định đè lên hợp đồng lao động đã ký trước kia mà cầu thủ phải chấp thuận có đúng hay không cũng lại là một phạm trù chưa bàn ở đây.

Sự thay đổi là, trước kia chỉ có các ông bầu cho tiền cầu thủ (nhiều nhất là thưởng), chỉ mong cầu thủ sống được và làm giàu bằng nghề đá bóng; thì nay ngược lại.

Sau Quang Hải, Công Phượng là một thương hiệu có giá trị lớn, hấp lực mạnh với công chúng, có thể tạo doanh thu quảng cáo đáng kể cho HAGL.

Đặt các sự việc này cạnh nhau sẽ thấy ân tình không phải là một tiêu chuẩn để xây dựng nên bóng đá chuyên nghiệp!