Tại sao Diego Costa đột ngột rời Atletico?

NDO -

Atletico Madrid đã đồng ý chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Diego Costa, như ý nguyện của tiền đạo 32 tuổi. Vậy, điều gì đã xảy ra ở Wanda Metropolitano?

Diego Costa chia tay Atletico sau 215 lần khoác áo, 83 bàn và 36 kiến tạo. (Ảnh: Getty Images)
Diego Costa chia tay Atletico sau 215 lần khoác áo, 83 bàn và 36 kiến tạo. (Ảnh: Getty Images)

Diego Costa chính thức trở thành cầu thủ tự do sau khi đạt thỏa thuận chia tay với Atletico. Giờ đây anh có thể ký hợp đồng với bất kỳ đội bóng nào nếu muốn, bao gồm Arsenal và Juventus, hai CLB đang thể hiện sự quan tâm. Tuy nhiên, nếu bến đỗ mới của Costa là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Atletico ở La Liga hoặc Champions League, Costa sẽ phải bồi thường 15 triệu euro.

Giải thích hành động rời Wanda Metropolitano, Costa nói rằng nó xuất phát từ “lý do cá nhân”. Vậy “lý do cá nhân” của tiền đạo người Tây Ban Nha là gì? Cụm từ nghe có vẻ phức tạp này dường như lại rất đơn giản. Theo lời HLV Diego Simeone trong buổi họp báo, “Costa có nhu cầu tìm kiếm thử thách mới và Atletico cố gắng hỗ trợ bằng cách dàn xếp một cuộc chia tay êm đẹp”.

Như ca ngợi của Simeone, Costa là một chiến binh xuất sắc và mạnh mẽ. Anh khó có thể chấp nhận việc phải ngồi dự bị. Mùa giải này, dù Atletico đã chơi 20 trận ở mọi đấu trường, Costa chỉ ra sân 7 lần, trong số đó với hai lần đá chính.

Người ta thường nói “phần hai bao giờ cũng tệ”, và câu nói này không chỉ áp dụng cho các bộ phim Hollywood. Thực tế là lần thứ hai khoác áo Rojiblancos của Costa chỉ mang tới nỗi thất vọng.

Anh trở lại Wanda Metropolitano vào năm 2017 nhưng không phải là một tiền đạo sung mãn như lúc rời đi năm 2014. Ba năm qua Costa chỉ ghi vỏn vẹn 19 bàn ở mọi đấu trường, ít hơn nhiều con số 36 bàn anh ghi trong mùa 2013/14.

Sự sa sút của Costa có nhiều lý do. Đầu tiên là việc anh không thi đấu suốt sáu tháng vì án phạt cấm chuyển nhượng của Atletico. Kế đến là các chấn thương xuất hiện ngày một nhiều, với 15 ca khiến anh vắng mặt 310 ngày trong lần thứ hai chơi bóng tại Wanda Metropolitano. Tất cả những điều này đã bào mòn Costa, một người luôn sôi nổi, khao khát ra sân và chiến thắng đến tột cùng.

Hãy thử tưởng tượng anh ta sẽ ra sao khi phải giam mình trong khu điều trị, với những bài tập phục hồi? Một con sư tử trở nên hung hãn hơn nếu bị nhốt trong chuồng vài ngày, nhưng nó sẽ mất đi bản năng săn mồi nếu bị kìm hãm trong sở thú ngày này qua ngày khác. Costa có lẽ cũng vậy.

Mùa 2013/14 bùng nổ và ba mùa chơi ở Chelsea, Costa dứt điểm bình quân ba lần mỗi trận. Trở lại Atletico, anh chỉ tung ra 1,7 cú sút mỗi trận ở La Liga 2017/18. Các mùa tiếp theo lần lượt là 1, 1,5 và 0,7. Sự tự tin đã mất. Để ngay cả khi rất cố gắng để có nền tảng thể lực mạnh mẽ, bao gồm cả việc giảm cân, các bàn thắng vẫn không đến.

Simeone luôn thiếu kiên nhẫn với các tiền đạo. Từ Jackson Martinez đến Kevin Gameiro đều sớm rời khỏi Wanda Metropolitano nếu không đạt yêu cầu. Nhưng Costa là một ngoại lệ. Ông biết rõ các phẩm chất của Costa, người kéo giãn, xới tung hàng thủ đối phương mà không cần ai trợ giúp và sức chiến đấu tương đương một đội quân.

Trong khi Simeone chờ đợi Costa phục hồi phong độ đỉnh cao, bản thân tiền đạo người Tây Ban Nha cũng rất chuyên nghiệp để chưa bao giờ là vấn đề của CLB. Những trò nghịch ngợm của anh chỉ mang đến tiếng cười, và ẩn sâu trong đó là một trái tim ấm áp sẵn sàng giúp đỡ các đồng đội mới. Joao Felix và Luis Suarez là những người hưởng lợi từ Costa.

Vì vậy, các CĐV Rojiblancos từng la ó Antoine Griezmann chưa bao giờ chê trách Costa, bất chấp những bàn thắng ngày một hiếm hoi. Như Simeone, họ gọi anh là chiến binh làm mọi cách để mưu cầu chiến thắng, thay họ mang đến cơn thịnh nộ cho đối thủ. Và như Simeone, họ chờ Costa thực sự trở lại.

Nhưng sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn của nó. Bản thân Costa hẳn cũng hiểu. Anh quyết định ra đi để không trở thành gánh nặng cho đội bóng, đồng thời tìm kiếm một động lực mới để cứu lấy sự nghiệp đã lụi tàn.

Dù phần hai không như ý, Costa vẫn là một chiến binh thực thụ.