Barcelona ký hợp đồng với Miralem Pjanic:

Mạo hiểm với tương lai của La Masia

NDO -

NDĐT- Miralem Pjanic càng tới gần Camp Nou bao nhiêu thì khoảng cách của La Masia tới sân đấu này càng xa bấy nhiêu. Đó là thực tế mà những người yêu mến Barcelona có thể thấy được ở thời điểm này, hoặc trong vài tháng tới, khi kỳ chuyển nhượng mùa hè mở cửa.

Miralem Pjanic đang đến gần Barcelona.
Miralem Pjanic đang đến gần Barcelona.

Mua một cầu thủ đã 30 tuổi, và chưa bao giờ đạt tới đẳng cấp của Xavi hay Andres Iniesta, vậy đội bóng xứ Catalunya trông đợi gì vào tiền vệ người Bosnia, ngoài kinh nghiệm hay sự linh hoạt như đội ngũ kỹ thuật ở Camp Nou nhận định?

Trước hết, đó là sự lãng phí về tài chính, khi Pjanic được định giá 60 triệu Euro, một có số khổng lồ ở thời điểm khủng hoảng vì dịch Covid-19, trong khi Barcelona đã phải giảm đến 70% lương của các cầu thủ hai tháng qua, và còn định giảm tiếp 30% lương của đội bóng ở mùa bóng mới.

Thậm chí, mỗi một vụ chuyển nhượng, họ đều chịu sự giám sát của chính phủ vì đã sử dụng đạo luật ERTE (tạm dịch là luật cắt giảm lương người lao động trong tình thế khẩn cấp), cùng lúc đó còn có ý định chiêu mộ Lautaro Martinez.

Nếu tiền bạc không phải là câu hỏi đặt ra đúng chỗ cho một cuộc cách mạng ở mùa bóng mới trong trường hợp của Pjanic, thì người ta cần có một câu hỏi khác về sự phung phí về tài nguyên con người. Đó luôn là câu hỏi nhức nhối hơn nhiều so những sai lầm về kinh tế.

Ở đây, ngay trong lòng đội một của Quique Setien, một sai lầm khác trên ghế chỉ đạo mà Chủ tịch Josep Bartomeu đã tạo ra, đã có Arthur Melo, một tiền vệ có vai trò và vị trí chơi bóng giống như Pjanic, nhưng trẻ hơn và được coi là một Xavi mới ở Camp Nou, nhờ khả năng tìm ra khoảng trống và những cú xoay người kiểu cổ điển.

Trong cuộc thương lượng với Juventus để đưa Pjanic tới xứ Catalunya, cái tên Melo được nhắc tới như một phần quan trọng, khi anh có giá trị chuyển nhượng ngang bằng với tiền vệ người Bosnia. Và nếu chủ tịch Barcelona có ý tưởng trao đổi cầu thủ để giảm bớt chi phí mua sắm thì đó là một sự điên rồ khác mà ông có thể làm.

Nhưng có lẽ, tương lai của Melo, người đã thiếu tính chuyên nghiệp và chạy theo những bữa tiệc cùng Neymar nhiều hơn là chú tâm trên sân tập và những trận đấu chính thức để trở thành một trụ cột của nhà vô địch La Liga, đã không còn quan trọng vào lúc này, thì tương lai của La Masia, bản thể và giá trị cốt lõi cho thành công của Barcelona còn khốn đốn hơn nhiều.

Mạo hiểm với tương lai của La Masia ảnh 1

Tương lai của những tài năng trẻ như Riqui Puig trở nên mù mịt ở Camp Nou.

Barcelona dưới thời Bartomeu đã đánh mất sự liên lạc với gốc rễ của chính mình và việc chạy theo những ngôi sao đã khiến họ không có được nền tảng phát triển ổn định. Những ngôi sao trị giá hàng chục triệu Euro đến rồi đi, mang lại số danh hiệu ít ỏi và không tương xứng với sự đầu tư lớn về tiền bạc đó, đã giết chết cơ hội và triệt tiêu sự phát triển của đội bóng xứ Catalunya.

Những tài năng trưởng thành từ La Masia đã không còn chỗ đứng trong lòng đội bóng, những người gần như trở thành một chủ thể biệt lập và không thấy được tương lai ở Camp Nou. Một năm trước, Xavi Simons, thần đồng 16 tuổi của lứa thiếu niên tại La Masia đã chạy trốn tới Paris St Germain vì kế hoạch của đội bóng nước Pháp hứa hẹn hơn.

Cũng trong thời gian này, Kubo, một tài năng trẻ khác của Barca B đã bay tới thủ đô Madrid để đầu quân cho Zidane. Carles Alena được đẩy tới Real Betis theo dạng cho mượn, trong cùng chuyến đi rời khỏi Camp Nou, còn có Oriols Busquets, một Busquets phiên bản hai tới Twente (Hà Lan) khi De Jong và Vidal cập bến Camp Nou.

Nếu Pjanic xuất hiện, cánh cửa bước tới đội một của một tài năng trẻ khác Riqui Puig cũng đóng lại, tiền vệ sắp tròn 21 tuổi này được coi là một phiên bản tốt nhất của Xavi, người được rèn giũa, có sự hiểu biết tuyệt vời về triết lý bóng đá của đội bóng xứ Catalunya đã bắt đầu phải tìm kiếm một sự thay đổi và tự trao cơ hội phát triển cho chính mình ở một nơi khác.

La Masia không có cơ hội cạnh tranh và không được trao niềm tin để đóng góp tài năng của mình. Chính sách chuyển nhượng bất hợp lý, xa rời những yếu tố nền tảng và La Masia là lời giải thích cho những thất bại của Barcelona suốt năm năm qua, kể từ lần cuối họ đăng quang ở Champions League, ngay cả khi có Leo Messi, Luis Suarez, trước đó là Neymar, và hiện tại là Antoine Griezmann hay De Jong.

Chính sách theo đuổi ngôi sao chỉ mang tới thành công trong ngắn hạn, như những năm dưới thời Rijkaard và Luis Enrique đã thể hiện, chỉ có những người trưởng thành từ La Masia mới tạo ra sự bền vững, nhưng cứ sau mỗi ngày, Barcelona tự chặt đứt gốc rễ của chính mình khi những tài năng từ La Masia trở thành một gánh nặng ngoài dự kiến.