Văn Hậu và bài toán tại SC Heerenveen

NDO -

Sự hậu thuẫn tài chính và cơ may đã đưa Văn Hậu sang Hà Lan, nhưng chỉ có tài năng mới giúp Văn Hậu làm nên lịch sử.

Văn Hậu khát khao ở lại Hà Lan. (Ảnh: SC Heerenveen)
Văn Hậu khát khao ở lại Hà Lan. (Ảnh: SC Heerenveen)

Ngay khi Văn Hậu còn đang loay hoay trong những ngày tháng đầu tiên ở Hà Lan và mơ ước được tiếp tục ở lại thêm ít nhất một mùa nữa, đã có hai mệnh đề đặt ra. Đầu tiên là phải tìm được nguồn tài trợ lương cho Văn Hậu. Và thứ hai là làm thế nào để Văn Hậu có thể ra sân trong màu áo đội một của SC Heerenveen (giải Vô địch quốc gia Hà Lan) nhiều hơn.

Đây cũng chính là hai nội dung cốt yếu khi CLB Hà Nội phát đi thông tin về Văn Hậu: Họ sẵn sàng tự trả lương cho cầu thủ của mình lên tới 37 nghìn euro/tháng, nhưng ra điều kiện cho đối tác phải cam kết để Văn Hậu ra sân chơi bóng nhiều hơn.

Điều kiện này có tiền cũng không dễ mua. Bằng chứng từ mùa giải vừa mới kết thúc, cũng là Heerenveen nhận tiền từ một đối tác ẩn danh tài trợ để trả lương cho Văn Hậu, nhưng huấn luyện viên của CLB này chỉ cho Hậu vào đá bốn phút cuối một trận đấu ở Cúp quốc gia Hà Lan.

Giấc mơ không mua được bằng tiền -0
Mỗi phút ra sân ở mùa trước của Văn Hậu có giá 2,4 tỷ đồng. (Ảnh: SC Heerenveen) 

Số phút ít ỏi này khiến cho cái giá để Văn Hậu ra sân là vô cùng lớn: Tốn cho bên tài trợ tới 2,4 tỷ đồng/phút có mặt trên sân. 

Theo chuyên trang thể thao vi.nl của Hà Lan, SC Heerenven ở mùa giải 2019-2020 có ngân sách 18 triệu euro. Sự xuất hiện của Văn Hậu đã không mang lại những tác động rõ rệt về doanh số, ngoại trừ việc giúp cho lượng người theo dõi trang fanpage của CLB trên nền tảng Facebook tăng lên sáu lần, từ hơn 70 nghìn lên hơn 450 nghìn, chủ yếu là từ Việt Nam.

Sự kỳ vọng về các khoản tài trợ giá trị cao hơn chưa xảy ra. Các đài truyền hình phát sóng giải Hà Lan ở Việt Nam cũng không thể tận dụng cơ hội này, người hâm mộ sau nhiều lần “rình” xem cầu thủ yêu quý của họ trên tivi đã thất vọng không theo đuổi nữa. Nhà tài trợ áo đấu cho SC Heerenveen ở giữa mùa vừa qua cuối cùng chỉ là một thương hiệu địa phương.

Các cổ động viên của SC Heerenveen thông qua các diễn đàn ở Hà Lan đã bày tỏ những ý kiến khác nhau ở mùa vừa qua liên quan tới Văn Hậu, trong đó chỉ ra nguy cơ bất ổn trong phòng thay đồ của đội vì chênh lệch mức lương.

Văn Hậu có ra sân được hay không, có trụ lại được trong đội hình của SC Heerenveen hoàn toàn nằm ở năng lực chuyên môn của cầu thủ này. Vì thế, yêu cầu của Hà Nội với đội bóng Hà Lan phải cam kết có một lộ trình phát triển chuyên môn cho Văn Hậu là một điều khó khăn.

Thực tế Văn Hậu cũng đã có những điều kiện lý tưởng: Tập luyện với đội hình chính ngay từ những ngày đầu tiên. Hàng tuần thi đấu với đội hình các cầu thủ dự bị ở giải dành cho đội trẻ. Giải Hà Lan lại có quy định thuận lợi, cho mỗi CLB đăng ký 11 cầu thủ dự bị thay vì bảy người để Hậu có cơ hội hít thở không khí bóng đá thật từ một khoảng cách rất gần. Đó là chưa kể tới việc họ còn hỗ trợ quá trình hòa nhập với cuộc sống mới, từ dạy ngoại ngữ cho tới việc tìm một gia đình bản địa để Hậu được ở cùng.

Bản thân Văn Hậu cũng quyết tâm, tập luyện để phát triển thể hình và thể lực, để không bất lợi trong các tình huống tranh chấp với chính các đồng đội khi tập luyện, và có thể là đối thủ khi thi đấu. Nhưng trong bóng đá đỉnh cao và giàu chất lượng như ở Hà Lan, kỹ năng và tư duy chiến thuật cũng là các phẩm chất tối quan trọng khác, là thước đo đánh giá Văn Hậu chưa đạt tới tầm mức mà HLV yêu cầu.

Thêm thời gian chắc chắn sẽ giúp Văn Hậu hòa nhập và học hỏi từ quá trình tập luyện bởi một mùa giải không phải là quá dài. Nhưng trưởng thành để đủ trình độ ra sân thường xuyên hơn hay không lại là việc khác.

Đủ trình độ thì mới ra sân. Ra sân lại mới là cách tích lũy phát triển và dễ đánh giá trình độ nhất. Quy trình này như “con gà và quả trứng”, giải nó dễ hay khó là chuyện của Văn Hậu. Còn tiền của CLB Hà Nội là chưa đủ.