Trong một năm đen tối, bóng đá vẫn rực rỡ

NDO -

Một năm tồi tệ cũng sắp qua. Nhưng khi nhìn lại, dưới góc độ bóng đá, có rất nhiều dấu hiệu để chúng ta lạc quan và chờ đón một năm mới tốt đẹp hơn.  

Khoảnh khắc Liverpool đăng quang Premier League trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Ảnh: Getty Images).
Khoảnh khắc Liverpool đăng quang Premier League trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Ảnh: Getty Images).

Khi pháo hoa rực sáng bầu trời trong đêm Giao thừa chào đón năm mới 2020, không ai có thể hình dung ra cách nó sẽ diễn ra. Cả thế giới bị đảo lộn bởi đại dịch Covid-19.

Bóng đá, thoạt đầu tiếp nhận một cách thờ ơ. Nhưng đến tháng 3, nó đã bị khuất phục. Trái bóng ngừng lăn, các giải đấu đình trệ hoặc bị hủy bỏ và cầu thủ bó gối. Đó là lúc tất cả nhận ra còn nhiều điều quan trọng hơn, về gia đình, và cuộc sống.

Đồng thời, người ta cũng phát hiện những lỗ hổng trong cách vận hành bóng đá, từ ma trận các giải đấu rối rắm trong thời kỳ thương mại hóa đến sự chênh lệch tài chính lớn giữa các đội bóng và quá nhiều giá trị bị thổi phồng. Khi cánh cửa sân vận động khép lại, toàn bộ hệ thống bóng đá run rẩy. Nhiều CLB đã phá sản, và nhiều CLB trên bờ vực sụp đổ.

Nhưng rồi, bóng đá một lần nữa cho thấy sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng đã giúp nó tồn tại, phát triển qua hàng thế kỷ, sau đó trở thành môn thể thao được yêu thích nhất.

Phải, bóng đá đã bị biến dạng và mang một hình thái khác khi trở lại. Nhưng ít nhất trò chơi này vẫn có thể tồn tại bất chấp đại dịch hoành hành. Và quan trọng, nó cung cấp giá trị nguyên thủy cho tất cả. Đó là cảm xúc, niềm đam mê và hạnh phúc, một chỗ dựa cho tâm hồn trong một năm đầy khó khăn, khi cái chết chưa bao giờ gần đến thế.

Đã có lúc chúng ta tưởng rằng những người hùng là bất tử. Nhưng không phải. Lần lượt bộ ba vô địch World Cup 1966, gồm Martin Peters, Nobby Stiles, Jack Charlton nối nhau qua đời. Rồi đến lượt Paolo Rossi, ngôi sao lướt qua và tỏa ra ánh sáng chói lòa ở World Cup 1986. Đau buồn nhất, tất nhiên rồi, là cái chết đột ngột của Diego Maradona. Chỉ không lâu sau sinh nhật 60, người tạo ra Bàn tay của Chúa đã về với Chúa.

Tuy vậy, năm 2020 không chỉ có những câu chuyện buồn. Vì bóng đá trở lại, dù trong những sân vận động không khán giả và nỗi sợ hãi về dịch bệnh vẫn còn, chúng ta được chứng kiến những khoảnh khắc vĩ đại cùng các câu chuyện phi thường.

Vào đêm rực rỡ ở Anfield một ngày tháng 8, Liverpool đã đăng quang, chấm dứt 30 năm dài chờ đợi. Đó là một kỳ tích thực sự khi nhìn lại quãng thời gian đau khổ triền miên, cũng như cái cách thầy trò Juergen Klopp khuất phục tất cả. Về cơ bản, họ đã chạm một tay vào chiếc Cúp từ tháng Một, khi mùa giải mới trôi qua được nửa quãng đường.

Rồi một đêm khác, Bayern trở thành nhà vô địch châu Âu ở Lisbon, hoàn tất cú ăn 3 ngoạn mục. Không ai nghĩ họ sẽ làm được trước khi bước sang năm 2020, nhưng họ đã làm. Và để chứng minh chiến tích này không phải may mắn, thầy trò Hansi Flick đã nghiền nát Barca 8-2 ngay tại Nou Camp, thúc đẩy Lionel Messi gửi burofax tới Ban lãnh đạo yêu cầu ra đi.

Và một mùa giải mới lại bắt đầu, mang đến sự phấn khích chưa từng có thông qua các kết quả kỳ lạ. Cảm giác rằng khoảng cách giữa các ông lớn và những đội nhược tiểu bị xóa nhòa. Bất kỳ đội nào cũng có thể thua, thậm chí thua rất đậm. Và bất kỳ đội nào cũng có cơ hội chiến thắng. Một sự hỗn loạn đang xảy ra ở các giải đấu lớn. Nhưng đó là sự hỗn loạn được chào đón, nhất là những người theo chủ nghĩa hoài cổ, luôn nhớ về bóng đá thời chưa thương mại hóa.

Tồn tại theo cách khác, ngọn cờ mà bóng đá phất lên trong đại dịch đã khuyến khích các môn thể thao khác trở lại. Và Lewis Hamilton lại tung hoành trên đường đua F1, vượt qua kỷ lục chiến thắng của Michael Schumacher; Rafael Nadal lại thể hiện những kỹ năng siêu hạng trên mặt sân đất nện để Novak Djokovic trở nên tội nghiệp hơn bao giờ hết. Một luồng sinh khí mới, tươi tắn lại thổi vào trái đất đang ốm yếu.

Trong khó khăn, cả thế giới xích lại gần nhau và bóng đá cũng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Phong trào chống phân biệt chủng tộc vẫn đang diễn ra trên khắp các sân cỏ châu Âu. Và bên ngoài, những người như Marcus Rashford tiếp tục theo đuổi cuộc chiến đẩy lùi nghèo đói.

Bóng đá đã không chỉ là bóng đá. Và như Maradona đã nói, “có sai lầm, có sự trả giá, nhưng trái bóng vẫn luôn trong sáng”. Nó mang tới niềm tin, sự lạc quan về một năm khác tốt đẹp hơn.