Yếu tố then chốt

Lầu năm góc đang thực thi kế hoạch giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại I-rắc trong bối cảnh tình hình an ninh ở quốc gia Trung Ðông đầy bất ổn. Sự gia tăng các cuộc tiến công nhằm vào "Vùng xanh", nơi tập trung các cơ quan ngoại giao ở thủ đô Bát-đa, khiến Mỹ phải cảnh báo đóng cửa đại sứ quán. Sau nhiều năm phương Tây cam kết giúp chính quyền Bát-đa chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và ổn định tình hình, quốc gia này vẫn chưa ngày nào ngưng tiếng súng.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng Mắc Ken-di gần đây tuyên bố tiếp tục mở rộng các chương trình phát triển năng lực đối tác nhằm hỗ trợ các lực lượng I-rắc để Lầu năm góc có thể giảm bớt sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây. Mỹ đã thúc đẩy thực thi kế hoạch giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú tại I-rắc từ 5.200 người xuống còn 3.000 người trong tháng 9 vừa qua. Những động thái này của Mỹ được đưa ra sau khi Quốc hội I-rắc thông qua nghị quyết yêu cầu tất cả binh sĩ nước ngoài rời khỏi lãnh thổ quốc gia Trung Ðông sau vụ không kích của máy bay không người lái Mỹ ở Bát-đa khiến một chỉ huy quân sự cấp cao của I-ran thiệt mạng, dẫn tới gia tăng căng thẳng giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran. Tầm ảnh hưởng của cả I-ran và Mỹ đã khiến I-rắc trở thành một "mặt trận" đối đầu giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran. Như vậy, sau khi Mỹ triển khai hàng nghìn binh sĩ trở lại I-rắc dưới hình thức liên minh chống IS, Mỹ dường như bị mắc kẹt ở "bãi lầy" I-rắc khi quốc gia này bị chia rẽ và xung đột triền miên. Mặc dù, Mỹ và các đồng minh cam kết giúp huấn luyện cho các lực lượng I-rắc có đủ năng lực để có thể đảm đương nhiệm vụ bảo đảm an ninh đất nước, song thực tế mục tiêu này đã thất bại.

Tình hình an ninh ở thủ đô Bát-đa của I-rắc gần đây ở mức báo động. Các vụ tiến công bằng rốc-két nhằm vào khu vực gần Ðại sứ quán Mỹ gia tăng đáng kể, bên cạnh các vụ đánh bom nhằm vào các đoàn xe chở quân nhu cho liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tại I-rắc. Mới đây, đã xảy ra một vụ đánh bom nhằm vào xe hộ tống của Anh đang di chuyển trên đường và đây là vụ tiến công đầu tiên theo hình thức này nhằm vào các nhà ngoại giao phương Tây ở I-rắc trong nhiều năm qua. Oa-sinh-tơn cáo buộc rằng thủ phạm của các vụ tiến công là những nhóm phiến quân do I-ran hậu thuẫn. Tình hình an ninh đáng lo ngại khiến Mỹ cảnh báo đóng cửa đại sứ quán tại I-rắc, nếu Chính phủ I-rắc không ngăn chặn được các cuộc tiến công của các tay súng Hồi giáo dòng Si-ít nhằm vào lợi ích của Mỹ. Nhằm trấn an các nước, Thủ tướng I-rắc M.Ca-đi-mi đã tổ chức cuộc gặp 25 đại sứ nước ngoài tại I-rắc cùng đại diện các cơ quan bên cạnh sứ quán và đưa ra cam kết về bảo vệ các tòa nhà ngoại giao, phái bộ nước ngoài.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ đã thông báo với giới chức I-rắc rằng Oa-sinh-tơn chuẩn bị cho các bước đi đầu tiên để có thể đóng cửa đại sứ quán, trong khi vẫn duy trì lãnh sự quán tại Éc-bin, thủ phủ khu vực tự trị người Cuốc ở I-rắc. Việc đóng cửa đại sứ quán có thể diễn ra song song với việc rút quân đội Mỹ khỏi I-rắc. Ðộng thái rút quân nằm trong kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở I-rắc, song "đe dọa" đóng cửa đại sứ quán của Mỹ lại làm dấy lên những hoài nghi. Xuất hiện những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc "chiến tranh nóng" giữa Mỹ và I-ran khi Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran đã từng sử dụng lãnh thổ I-rắc như một mặt trận cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Mỹ cáo buộc các lực lượng được I-ran hậu thuẫn ở I-rắc thực hiện các vụ tiến công nhằm vào quyền lợi của Mỹ, trong khi Tê-hê-ran luôn cảnh báo Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả sau vụ chỉ huy quân sự cấp cao I-ran bị sát hại tại I-rắc.

Việc Mỹ thực hiện các bước giảm sự hiện hiện quân sự tại I-rắc nằm trong "lộ trình" mà Oa-sinh-tơn đưa ra nhằm tái cơ cấu lại lực lượng, song bất cứ động thái nào của Mỹ ở Trung Ðông cũng không nằm ngoài chiến lược duy trì ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa-chính trị quan trọng này. Trước diễn biến tình hình phức tạp ở Trung Ðông, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, đại diện nhiều nước đã kêu gọi tôn trọng độc lập chính trị, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của I-rắc; đồng thời khẳng định đối thoại, đoàn kết và hòa hợp dân tộc là những yếu tố then chốt để đem lại sự ổn định cho quốc gia giàu dầu mỏ này.

Hà Anh