Ý tưởng khó thực hiện

Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, tăng trưởng du lịch toàn cầu được dự báo sẽ giảm tới 57% trong năm nay. Để phục hồi ngành “công nghiệp không khói”, nhiều nước đã đưa ra hướng đi riêng và ý tưởng về “bong bóng du lịch” đã được đề cập nhằm thiết lập không gian đi lại giữa hai hoặc nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 ở mức thấp.

Ngành du lịch được ví như “người cung cấp ngành nghề quan trọng, tạo ra thu nhập ổn định”, song do tác động của dịch Covid-19, trong năm tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm hơn 50%, gây thiệt hại ước tính lên tới 320 tỷ USD, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 120 triệu việc làm. Việc các nước áp đặt kiểm soát biên giới khiến nhu cầu du lịch nước ngoài được dự báo đến năm 2024 chưa thể phục hồi về mức bình thường. Điều này phản ánh tác động kinh tế của đại dịch và tâm lý tiêu cực kéo dài đối với ngành du lịch quốc tế, bao gồm cả du lịch giải trí và du lịch vì công việc. Mặc dù tất cả các khu vực trên thế giới đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số du khách, nhưng các “điểm đến” ở Bắc Mỹ được dự báo giảm mạnh nhất (với 70%), tiếp đến là khu vực châu Á - Thái Bình Dương (57%), trong đó Đông Bắc Á đứng đầu bảng.

Thiệt hại kinh tế đối với ngành công nghiệp không khói ở mức nghiêm trọng, khi Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự báo, đại dịch có thể gây thiệt hại gần 230 tỷ USD cho ngành du lịch tại Mỹ la-tinh và vùng Ca-ri-bê trong năm nay. Trong khi đó, tại châu Âu, du lịch xuyên biên giới có nguy cơ giảm khoảng 56%, bất chấp những nỗ lực mở lại biên giới và khởi động hoạt động du lịch của một số nước. Ngành du lịch I-ta-li-a thiệt hại đến 100 tỷ ơ-rô, tương đương hơn 6% GDP vào cuối năm ngoái. Mặc dù I-ta-li-a bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ tháng 5 vừa qua, nhưng số lượt du khách đến “đất nước hình chiếc ủng” chưa thể phục hồi. Tại châu Á, doanh thu của ngành du lịch Hàn Quốc trong quý II-2020 chỉ đạt 1,19 tỷ USD, thấp nhất trong 17 năm qua, giảm 78,6% so cùng kỳ năm ngoái. Lượng du khách đến Nhật Bản trong tháng 7 giảm tới 99,9% so với một năm trước và là tháng giảm thứ tư liên tiếp do lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều “thiên đường du lịch” đã trải qua một mùa khác biệt khi vắng bóng du khách quốc tế và thay vào đó là phục vụ phần lớn khách trong nước. Ngành du lịch của Nam Phi điêu đứng, khi trong tháng 6 vừa qua, tổng thu nhập từ lĩnh vực lưu trú du lịch đã giảm 95,3% so cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Nam Phi do đó phải hứng chịu thiệt hại kinh tế nặng nề bởi du khách quốc tế vốn mang lại doanh thu khoảng 6,87 tỷ USD mỗi năm. Các khu nghỉ dưỡng và địa điểm nghỉ mát của Pháp thì thiếu vắng du khách nước ngoài và chính sách kích cầu du lịch nội địa khiến các khu nghỉ dưỡng xa hoa bên bờ biển từng là “thỏi nam châm” thu hút du khách quốc tế, lại tấp nập du khách trong nước.

Mặc dù nhiều nước bắt đầu mở cửa lại biên giới quốc gia nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh với phục hồi ngành du lịch. Để giảm thiệt hại kinh tế, khái niệm “bong bóng du lịch” ra đời với ý tưởng mở cửa biên giới giữa các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ với nhau, trong đó công dân những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ này sẽ được đi lại giữa biên giới với thời gian cách ly tối thiểu hoặc không cần cách ly nếu đến từ vùng đã kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lại ở một số nước khiến ý tưởng này tan vỡ. “Bong bóng du lịch” đầu tiên của châu Âu do các nước E-xtô-ni-a, Lát-vi-a và Lít- va thiết lập hồi tháng 5 đã chấm dứt sau khi Lát-vi-a mới đây thông báo áp dụng quy định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với mọi cá nhân đến từ E-xtô-ni-a nhằm ngăn chặn nguy cơ có thêm các ca Covid-19 “nhập cảnh”. Dịch bệnh cũng có xu hướng diễn biến phức tạp trở lại vào cuối mùa hè tại các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) khiến mô hình thiết lập không gian đi lại chung giữa một số nước trong EU bị ảnh hưởng. Tại hội nghị cấp cao trực tuyến các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) nhằm thảo luận các biện pháp vực dậy “ngành công nghiệp không khói” trong và sau giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19, Thái-lan đã giới thiệu khái niệm “bong bóng du lịch xanh” trên cơ sở song phương hoặc ba bên, và nếu thành công, có thể mở rộng ở cấp độ đa phương. Tuy nhiên, thực tế, Thái-lan đã ngừng kế hoạch này trong tháng 8, khi số ca nhiễm trong ngày gia tăng ở nhiều nước châu Á.

Là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, cung cấp sinh kế cho hàng trăm triệu người trên thế giới, phát triển du lịch bền vững là mục tiêu đang được hướng tới nhằm đưa ngành công nghiệp không khói thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn phải đi đôi với công tác chống dịch để bảo đảm không bị “trả giá” về sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.