Xu hướng chính trị tiếp tục thay đổi tại Pháp

NDO -

NDĐT - Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp ngày 26-5 cho thấy đảng cực hữu RN đã vượt qua đảng cầm quyền LREM. Thắng lợi này đã được dự báo trước và sẽ tác động đến các tham vọng thực hiện dự án cải tổ EU và các chính sách cải cách trong nước của Tổng thống Emmanuel Macron. Kết quả này cũng phản ánh sự thay đổi xu hướng chính trị tại Pháp, không còn sự đối đầu tả - hữu mà thay vào đó là phong trào dân túy, dân tộc chủ nghĩa và phe chủ trương tự do, ủng hộ châu Âu.

Theo nhà chính trị Yannick Jadot (đảng viên đảng Xanh của Pháp), sau bầu cử EP, EELV trở thành đảng đứng thứ ba tại Pháp. (Ảnh: REUTERS)
Theo nhà chính trị Yannick Jadot (đảng viên đảng Xanh của Pháp), sau bầu cử EP, EELV trở thành đảng đứng thứ ba tại Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Theo kết quả chính thức do Bộ Nội vụ Pháp công bố hôm nay, đảng cực hữu RN đứng đầu với 23,31% phiếu ủng hộ, tiếp đến là liên minh của đảng cầm quyền LREM và MoDem (22,41%). Vị trí thứ ba thuộc về đảng Xanh và Sinh thái châu Âu (EELV), 13,47%. Tỷ lệ đi bỏ phiếu đạt 50,12%, cao hơn 7,69% so với năm 2014 và ở mức cao nhất kể từ năm 1999.

Như vậy, RN có 22 ghế và LREM-MoDem có 21 ghế tại Nghị viện châu Âu, còn EELV được 12 ghế, đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) được 8 ghế (8,48% phiếu ủng hộ). Cuối cùng là đảng cực tả Nước pháp bất khuất (LFI) và liên minh của đảng Xã hội - Quảng trường Cộng hòa (PR) giành được 6,31% và 6,19% phiếu ủng hộ, với số ghế tương ứng là 6 và 5. Dù thu hút sự tham gia của rất nhiều người ủng hộ trong các cuộc biểu tình phản đối chính sách cải cách của tổng thống, phong trào "áo vàng" chỉ được 0,54% phiếu ủng hộ.

Sau khi nước Anh chính thức rút khỏi EU, số ghế của Pháp tại EP sẽ được bổ sung thêm 5 so với số ghế chính thức hiện nay là 74. Theo đó RN được thêm một ghế, LREM được 2 ghế để cùng có 23 ghế để cân bằng lực lượng tại EP, còn lại 2 ghế chia cho EELV và liên minh của đảng Xã hội.

Những diễn biến bất ngờ

Nhiều tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử EP, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri Pháp không quan tâm nhiều đến đợt bầu cử này. Tuy nhiên tỷ lệ đi bầu đạt mức cao kỷ lục trong vòng 24 năm qua. Điều này cho thấy cử tri ủng hộ các đảng phái tiếp tục thay đổi quan điểm, không buông xuôi hoặc thờ ơ với chính trường.

Nước Pháp đang trải qua giai đoạn có nhiều vấn đề cần được giải quyết và có tác động trực tiếp đến đời sống của hơn 47 triệu cử tri, từ vấn đề kinh tế, việc làm, an sinh xã hội, di cư và đặc biệt là vấn đề môi trường. Chính vì vậy cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngay trước thềm bầu cử đã thu hút sự quan tâm của cử tri đối với chủ trương hành động của đại diện các danh sách tranh cử. Và đảng EELV đã có bước tiến ngoạn mục, có số phiếu cao hơn nhiều so với 8,95% vào năm 2014.

Theo kết quả thăm dò bỏ phiếu của hãng Elabe, có tới 1/4 số người bỏ phiếu cho EELV chỉ đưa ra quyết định ủng hộ danh sách tranh cử của đảng này ngay trong ngày bầu cử 26-5. Trường hợp này cũng xảy ra với đảng LFI khi có 26% số phiếu được cân nhắc và quyết định vào giờ phút cuối cùng. Ngược lại, đa số cử tri ủng hộ RN đã xác định ý định bỏ phiếu từ nhiều ngày trước. Điều này cho thấy chỉ có RN luôn duy trì được sự ủng hộ ổn định.

Các đảng sinh thái, cực hữu và dân túy thăng tiến

Các đảng sinh thái tại các nước EU đã giành được kết quả tốt nhất và tạo bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt là ở Pháp và Đức, kể từ lần đầu tiên có mặt tại EP năm 1984 với tỷ lệ 3,9%. Với 9,3% số ghế tại EP, nhóm nghị sĩ thuộc các đảng sinh thái có thể tập hợp hơn 70 thành viên so với 52 trong nhiệm kỳ vừa qua và có thể lớn hơn nếu liên minh với phe xã hội - dân chủ thuộc cánh tả.

Đảng cực hữu RN đứng đầu tại Pháp, hơn đảng cầm quyền LREM 0,9% và đây là kết quả không có lợi cho Tổng thống Emmanuel Macron. Trong thời gian tới RN sẽ gây nhiều sức ép đối với kế hoạch cải cách của tổng thống. Diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với EU khi có nhiều sự chia rẽ và phân hóa. Đó là sự thoát ly của nước Anh, sự thắng thế của phe cực hữu, trong khi đó các đảng truyền thống tiếp tục suy yếu như ở Pháp, Italy hay Đức.

Điều này cũng khẳng định rằng đời sống chính trị - xã hội châu Âu có sự thay đổi mạnh mẽ, đánh dấu bắng xu hướng lớn mạnh của phe cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa. Kết quả bầu cử EP sẽ tác động đến tiến trình xây dựng chính sách của EU. Với việc tăng số ghế tại EP, các đảng theo đường lối bảo vệ môi trường, chống nhập cư sẽ đề cập và có ý kiến mạnh mẽ đến những vấn đề này.

Tại Pháp, liên minh của cánh tả hay cánh hữu với đại diện đảng LR và PS không còn duy trì được số lượng cử tri ủng hộ sau hai năm thất bại trước đảng LREM và RN. Kết quả bầu cử lần này cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc của hai phe này dù có chung "đích" là huy động lực lượng để đối trọng với Tổng thống E. Macron và đảng cầm quyền. Trong khi đó, ông Yannick Jadot, đứng đầu danh sách tranh cử của đảng EELV thuộc cánh tả, khẳng định sau khi biết đảng này đứng vị trí thứ 3 rằng thành công trong cuộc bầu cử EP là động lực để thực hiện mục tiêu xây dựng một giải pháp thay thế, một dự án hướng tới đoàn kết người dân Pháp vì đoàn kết và sinh thái, chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương vào năm tới.

Thế khó đối với Tổng thống E. Macron

Kết quả bầu cử EP không tác động lớn đến tình hình tại mỗi nước. Các vấn đề được các ứng cử viên đưa ra trong đợt tranh cử EP không hẳn là vấn đề nóng nhất ở mỗi nước. Ít có khả năng xảy ra biến động lớn đối với chính trường của những nước có kết quả không tích cực cho đảng cầm quyền như ở Pháp, Hà Lan hay Đức.

Cuộc bầu cử lần này được xem như là "sân chơi" của riêng hai đảng mới thành lập RN và LREM do hai đảng LR và PS tiếp tục đi xuống, với hai chủ trương đối lập: hội nhập châu Âu và dân tộc chủ nghĩa. Tổng thống E. Macron đã từng khẳng định trước cuộc bầu cử này rằng đây là cuộc thăm dò ý kiến của người dân Pháp về ý tưởng phục hưng châu Âu của ông với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, về việc điều hành đất nước và chính sách cải cách kể từ khi diễn ra phong trào biểu tình "áo vàng". Kết quả lần này cũng gây khó khăn cho ông E. Macron nếu muốn nổi lên vị trí trung tâm sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết ý định nghỉ hưu vào năm 2021.

Năm 2020, Pháp sẽ tổ chức cuộc bầu cử địa phương, là dịp để các đảng phái giành vị trí lãnh đạo tại các địa phương và chuẩn bị lực lượng cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022. Nếu đảng phái nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới, sẽ có khả năng huy động lực lượng để nhắm tới vị trí cao nhất, đó là tổng thống của nước Pháp.

Dù không vượt qua đảng RN trong cuộc bầu cử EP, Tổng thống E. Macron và đảng cầm quyền LREM có thể tập trung vào việc thực hiện cải cách các chính sách lương, thuế trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ hiện nay nhằm lấy lại niềm tin của cử tri. Nền kinh tế Pháp đang phục hồi mạnh mẽ, thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, 8,4% so với 8,7% năm 2009 và 10,06% năm 2016. Đầu tư nước ngoài cũng gia tăng. Đây là những tiến hiệu tích cực để Tổng thống E. Macron tiếp tục thực hiện những cam kết cải cách khi tranh cử.

Trong khi đó, đảng RN và bà Marine Le Pen, dù dẫn đầu trong cuộc bầu cử EP, nhưng không tạo được khoảng cách lớn như mong đợi vào thời điểm đầy khó khăn đối với Tổng thống E. Macron. Hơn nữa nhiều người Pháp vẫn không chấp nhận tư tưởng chống hội nhập của bà Marine Le Pen, Khả năng cạnh tranh cao trong cuộc bầu cử địa phương năm 2020 và bầu cử tổng thống năm 2022 rất có thể đến từ đảng EELV. Không có chiến dịch tranh cử rầm rộ nhưng đảng này vẫn giành được kết quả cao bất ngờ. Đây là dấu hiệu cho thấy cử tri Pháp muốn có sự thay đổi như đã từng diễn ra năm 2017. Với các mục tiêu phát triển bền vững và xanh, EELV ngày càng lớn mạnh, nhận được sự ủng hộ ngày càng đông từ giới trẻ.

Những bất ngờ trong cuộc bầu cử lần này là sức ép để các nước EU xem xét việc cải tổ các thiết chế để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển cũng như đòi hỏi của cử tri về các vấn đề sinh thái, sức mua và nhập cư. Với nước Pháp cũng vậy, Tổng thống E. Macron cùng với đảng cầm quyền LREM sẽ phải tính đến nguy cơ tiếp tục giảm tỷ lệ ủng hộ trong thời gian tới, tái diễn kịch bản như năm 2017 và như chiến thắng ngày 26-5 của đại diện đứng đầu danh sách tranh cử của RN, Jordan Bardella, khi mới chỉ có 23 tuổi.