Xây dựng lòng tin

Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en vừa có chuyến thăm hiếm hoi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Bước tiến tích cực này đánh dấu sự tan băng trong quan hệ giữa An-ca-ra và EU, mở ra cơ hội hóa giải mâu thuẫn, tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác hai bên trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên, kể từ sau chuyến công du Brúc-xen (Bỉ) của Tổng thống T.Éc-đô-gan tháng 3-2020. Chuyến thăm An-ca-ra của hai nhà lãnh đạo hàng đầu EU là dấu hiệu mới nhất trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Các lãnh đạo EU muốn "mục sở thị" cách thức mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dự định thực hiện nhằm đưa quan hệ hai bên bước sang trang mới.

Quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua một năm sóng gió, với căng thẳng leo thang liên quan các hoạt động thăm dò dầu khí của An-ca-ra ở đông Ðịa Trung Hải, cũng như chính sách của An-ca-ra đối với khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Li-bi. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò khí đốt và điều tàu hải quân đến vùng biển đông Ðịa Trung Hải, mà hai nước thành viên EU là Síp và Hy Lạp cũng tuyên bố chủ quyền, đã dẫn đến vụ va chạm với tàu chiến của Hy Lạp, buộc EU phải tăng cường các biện pháp răn đe, trong đó không loại trừ các lệnh trừng phạt chống An-ca-ra.

Sau khi căng thẳng phần nào được hạ nhiệt, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia cuộc đàm phán hàng hải đầu tiên với Hy Lạp kể từ năm 2016. Các nhà lãnh đạo EU nhất trí áp dụng cách tiếp cận "theo từng giai đoạn, cân đối và có thể đảo ngược" nhằm tăng cường hợp tác với An-ca-ra trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung. Tuy nhiên, điều kiện mà EU đưa ra là Thổ Nhĩ Kỳ phải giảm leo thang căng thẳng, giải quyết tranh chấp với Hy Lạp và Síp, rút quân khỏi Li-bi và có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề trong nước. EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cam kết khôi phục quan hệ song phương, đồng thời đặt An-ca-ra dưới sự giám sát.

Trong chuyến thăm An-ca-ra lần này, các lãnh đạo EU bày tỏ sẵn sàng phối hợp Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến một chương trình nghị sự cụ thể, nhằm thúc đẩy hợp tác về kinh tế và vấn đề di cư. Chủ tịch EC nêu những lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy cải thiện quan hệ.

Là đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, EU cho rằng hai bên cần tập trung dỡ bỏ rào cản trong thỏa thuận Liên minh Thuế quan. Vấn đề biến đổi khí hậu và y tế công cũng nằm trong số những chủ đề quan trọng trong cuộc đối thoại cấp cao lần này. Phía EU sẵn sàng hỗ trợ chương trình trao đổi sinh viên Erasmus với Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường giao lưu giữa hai bên.

Vốn được coi là "chốt chặn" trước khi người di cư đổ vào châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng trong hợp tác với EU về vấn đề này, cũng như từng được họ sử dụng như "con bài mặc cả" khi xảy ra các tranh chấp với EU. Trong chuyến thăm lần này, quan chức EU nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ thỏa thuận di cư hai bên đạt được năm 2016, nhất là liên quan gần bốn triệu người Xy-ri đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết ngăn người di cư và tị nạn vượt biên sang châu Âu, đổi lại An-ca-ra nhận được viện trợ và các điều kiện chính trị khác từ EU. Mặc dù EU đã đề xuất viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ sáu tỷ ơ-rô, song An-ca-ra muốn điều chỉnh thỏa thuận và tăng viện trợ từ EU. Ở khía cạnh chính trị, nỗ lực điều chỉnh chính sách nhằm cải thiện quan hệ với EU, mở cánh cửa đàm phán gia nhập EU, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa khẳng định mục tiêu cuối cùng là trở thành thành viên đầy đủ của EU.

Cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ đều ưu tiên xúc tiến các biện pháp xây dựng lòng tin. Nhằm thực hiện giấc mơ gia nhập "ngôi nhà chung" châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện thiện chí rõ hơn trong hợp tác với EU về một loạt lĩnh vực, trong đó có vấn đề di cư. EU cũng có phát tín hiệu hồi đáp tích cực, vì những lợi ích chung của cả hai bên.