Bình luận quốc tế

Vượt qua rào cản

Khi triển vọng nối lại cuộc đối thoại cấp cao giải quyết khủng hoảng ở Ukraine dần rõ nét, thì sự chia rẽ lại gia tăng trong Liên hiệp châu Âu (EU) về tương lai quan hệ với Nga, vốn xấu đi cũng vì chính cuộc khủng hoảng của Kiev. Các lệnh trừng phạt Moscow tiếp tục là rào cản lớn với cả nỗ lực giúp Ukraine khôi phục ổn định, lẫn cơ hội cải thiện quan hệ EU - Nga.

Những ngày qua, thông tin về tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán và các kết quả cụ thể đã nhen nhóm hy vọng về một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine. Trong đó, triển vọng tổ chức một hội nghị cấp cao theo "định dạng Normandy", giữa nhà lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Ðức và Pháp, ngày càng rõ nét. Ðây sẽ là hội nghị cấp cao bốn bên về cuộc khủng hoảng Ukraine đầu tiên sau khi bị đình trệ hồi năm 2016.

Cuộc xung đột ở Ukraine xuất phát từ làn sóng "biểu tình Mai-đan", kéo theo bất ổn và sự bất ổn lên đỉnh điểm sau khi bán đảo Crưm sáp nhập LB Nga năm 2014. Sự kiện này đồng thời đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng, hợp tác Nga - EU bị đóng băng, đi kèm các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa hai bên kéo dài tới nay.

Các cuộc thảo luận theo thể thức Normandy từng được tổ chức ở thủ đô Minsk của Belarus đã đạt các kết quả cụ thể, trong đó có Thỏa thuận Minsk về hòa bình Ukraine. Song, việc thực thi thỏa thuận không rốt ráo khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Ðông Âu này vẫn rối như "mớ bòng bong". Cùng thực tế đó, sự thiếu vắng lòng tin giữa các bên đã khiến đàm phán trong khuôn khổ Normandy bị ngưng trệ thời gian dài vừa qua. Bế tắc trong quan hệ Nga - EU cũng vì thế chưa được khai thông.

Hiện tại, đã có những cơ sở tích cực ban đầu để tiến tới một hội nghị cấp cao theo định dạng vốn được đánh giá là hiệu quả nêu trên. Hôm 1-10, chính quyền Kiev và các nhóm ly khai ở Donetsk và Lugansk đã ký một thỏa thuận đầu tiên, theo đó các vùng lãnh thổ ở miền đông Ukraine này được hưởng quy chế tự trị đặc biệt, được phép tổ chức bầu cử địa phương tại các khu vực hiện dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy. Ðây là bước tiến mới và nổi bật nhất của Tổng thống Ukraine V.Zelensky trong nỗ lực ổn định đất nước, bởi Kiev đã đạt mục tiêu duy trì các vùng lãnh thổ đòi ly khai ở miền đông trong lãnh thổ Ukraine.

Ðặc biệt, thỏa thuận được ký kết ngay sau các cuộc đàm phán của Nhóm liên lạc quốc tế về Ukraine được nối lại tại Minsk. Trong đó, các bên nhất trí cần dành quy chế tự chủ và tổ chức bầu cử tại Donbass theo luật pháp Ukraine. Ðây từng là vấn đề gây tranh cãi giữa các bên trong những vòng đàm phán trước đây.

Bước tiến quan trọng nêu trên của Ukraine được EU hoan nghênh, cùng nỗ lực trung gian của EU, đi đầu là Pháp và Ðức, đang dấy lên hy vọng nối lại cơ chế thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Normandy. Song, lại có nguy cơ làm gia tăng sự chia rẽ nội bộ EU về tương lai mối quan hệ với Nga. Một số nước thành viên EU, hiện có mối quan hệ không suôn sẻ với Nga, một mặt hoan nghênh triển vọng tổ chức một hội nghị cấp cao quốc tế lần đầu trong ba năm qua nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Mặt khác, họ không giấu lo ngại rằng, tiến trình đàm phán về Ukraine thuận lợi có thể thúc đẩy EU cải thiện quan hệ với Nga, qua việc dỡ bỏ trừng phạt chống Moscow. Gần đây, bất đồng trong EU về chính sách đối với Nga có xu hướng gia tăng, nhất là khi Pháp thể hiện rõ vai trò tiên phong nhằm cải thiện quan hệ với Nga, qua một loạt động thái "mở cửa" với Moscow với những tuyên bố và những chuyến thăm, trao đổi mang đậm tính chất thân thiện...

Giao tranh trong suốt 5 năm qua tại Ukraine đã khiến hơn 13 nghìn người chết, trong khi bất ổn chính trị kéo dài khiến quốc gia Ðông Âu không thể khôi phục kinh tế, đời sống người dân chật vật. Việc chính quyền mới ở Kiev khởi động lại đàm phán, thúc đẩy cải thiện quan hệ với Nga đang làm sống lại tiến trình hòa bình bế tắc nhiều năm qua.

Song, vì những lợi ích riêng, một vài quốc gia EU có quan điểm trái chiều trong quan hệ với Nga tiếp tục tạo ra những "rào cản". Tình trạng thiếu lòng tin giữa các bên không những cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ Nga - EU, mà còn có thể phá hỏng triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng dai dẳng ở Ukraine.