Vượt qua khác biệt

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) vừa họp trực tuyến mở về tình hình Iraq, với trọng tâm là tìm kiếm phương thức ủng hộ chính phủ mới ở quốc gia Trung Đông giải quyết hàng loạt thách thức kinh tế, an ninh, cũng như bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Trong bối cảnh giá dầu liên tục lao dốc, dịch Covid-19 hoành hành, nền kinh tế quốc gia vốn phụ thuộc xuất khẩu dầu mỏ này lao đao, đặt chính phủ mới ở Iraq trước vô vàn khó khăn.

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Iraq, đồng thời là Trưởng Phái bộ LHQ hỗ trợ Iraq (UNAMI) J.Plasschaert đã kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với những khó khăn hiện nay mà chính phủ và nhân dân Iraq đang phải hứng chịu.

Dù số ca nhiễm Covid-19 ở Iraq không quá cao, nhưng đại dịch đã tác động khá sâu sắc, làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế, xã hội của Iraq, quốc gia rơi vào khủng hoảng trong thời gian dài. Các cuộc biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng, đòi cải thiện đời sống đã đẩy Iraq vào suy thoái kinh tế. Quốc gia này đứng trước nguy cơ tăng trưởng ở mức âm 4,7% như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mới đây.

Thêm vào đó, tình hình giá dầu giảm mạnh khiến nguồn thu của Iraq sụt giảm nghiêm trọng, từ khoảng sáu tỷ USD trong tháng 2 xuống còn 1,4 tỷ USD trong tháng 4 vừa qua. Nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này bị ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô. Thu nhập từ dầu mỏ bị giảm có thể sẽ là thảm họa đối với Iraq, quốc gia vốn dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ để trang trải hơn 90% chi tiêu của chính phủ. Năm ngoái, Iraq đã dự thảo ngân sách cho năm 2020 dựa trên mức giá dầu dự kiến 56 USD/thùng, nhưng dự thảo này chưa từng được thông qua và chính phủ hiện đang gắng sức để ban hành các biện pháp khẩn cấp, trong đó có khả năng phải cắt giảm phúc lợi của nhân viên, khi giá dầu chạm đáy. Theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác, Iraq sẽ phải cắt giảm khoảng một triệu thùng dầu/ngày. Ðây sẽ là "bài toán khó" đối với Iraq khi sản lượng của nước này vào khoảng 4,5 triệu thùng/ngày, trong đó khoảng 3,5 triệu thùng dành để xuất khẩu.

Trong "bức tranh màu xám" về tình hình kinh tế, xã hội, một điểm sáng nổi lên được kỳ vọng sẽ giúp Iraq có cơ hội thoát khỏi bóng mây u ám bao phủ. Iraq đã chính thức có Thủ tướng mới sau khi trải qua ba thủ tướng tạm quyền trong vòng 10 tuần trước đó. Sau năm tháng với hai lần thất bại trong việc thành lập chính phủ, mới đây, Iraq đã có Thủ tướng và chính phủ mới. Từng lãnh đạo Cơ quan tình báo quốc gia và được biết đến là người có mối quan hệ gần gũi với Mỹ cũng như biết cách cải thiện quan hệ với nước láng giềng Iran, tân Thủ tướng M.Kadhimi được kỳ vọng có thể giúp Iraq cân bằng các mối quan hệ quốc tế, "gỡ rối" cho Iraq khi quốc gia này rơi vào thế khó xử giữa Iran và Mỹ, hai quốc gia luôn đối đầu và xảy ra đụng độ lợi ích trên lãnh thổ Iraq. Iran và Mỹ từng thực hiện các vụ tiến công trả đũa lẫn nhau nhằm vào các căn cứ Mỹ và lực lượng thân Iran ở Iraq.

Tân Tổng thống Iraq cam kết sẽ có một chính phủ minh bạch, đồng thời đặt ưu tiên cho việc hướng tới các cuộc bầu cử công bằng, dân chủ. Tuy nhiên, chính phủ mới đứng trước nhiều thách thức khi còn tồn tại sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Iraq. Ðể giải tỏa những hoài nghi và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, ông M.Kadhimi cam kết sẽ trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình xảy ra ở nước này cách đây vài tháng, ngoại trừ những trường hợp dính líu các vụ gây chết người. Ðây được cho là giải pháp nhằm xoa dịu làn sóng phản đối đang ngấm ngầm phá hoại sự thống nhất dân tộc, nhằm tập hợp sức mạnh và niềm tin để tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó có mối quan ngại về việc các nhóm khủng bố đang có xu hướng gia tăng các vụ tiến công nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh tại Iraq. Quốc gia này hiện đối mặt mối đe dọa an ninh khi các vụ tiến công do tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn xảy ra trên khắp các vùng lãnh thổ. Dù Iraq đã giành thắng lợi trong cuộc chiến chống IS, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ từ tay IS, song những lo ngại về tổ chức khủng bố này vẫn luôn hiện hữu. IS vẫn ẩn náu ở các khu vực thành thị và sa mạc của nước này.

Liên hợp quốc kêu gọi các bên liên quan ở Iraq cần hợp tác để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt. Trong bối cảnh một số lực lượng nước ngoài hiện diện ở Iraq nhằm tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố gây ra không ít tranh cãi trong chính dư luận ở cả Iraq và quốc tế, LHQ khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Ðông này, ủng hộ Chính phủ Iraq triển khai các biện pháp cải cách cần thiết để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, cũng như kêu gọi các bên liên quan tại Iraq đối thoại để giải quyết những khác biệt. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay cho thấy, chính phủ mới ở Iraq đang đứng trước những thách thức khi vừa phải nỗ lực phục hồi kinh tế, vừa đối phó tàn dư của IS, đưa đất nước đi vào ổn định để phát triển.