Bình luận quốc tế

Vực dậy niềm tin

Đặt mục tiêu thúc đẩy cải tổ nhằm khôi phục uy tín của liên minh quân sự xuyên đại dương, song Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO, vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ), lại cho thấy sự đoàn kết hết sức gượng gạo giữa các thành viên. Bầu không khí chia rẽ, hoài nghi vẫn bao trùm, trước thềm sự kiện đặc biệt là Hội nghị cấp cao kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, dự kiến diễn ra tại Anh, đầu tháng 12 tới.

Hội nghị của các bộ trưởng 29 thành viên NATO diễn ra trong bối cảnh những phản ứng trái chiều vẫn nóng bỏng sau bình luận “gây bão” của Tổng thống Pháp E.Macron, khi cho rằng liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đang trong tình trạng “tê liệt”. Sự chia rẽ trong quan điểm của 29 nước thành viên được phản ánh trong chính phát biểu của Tổng Thư ký NATO G.Stoltenberg tại phiên khai mạc hội nghị. Thừa nhận NATO đứng trước hàng loạt thách thức lớn, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh, cách tốt nhất để giải quyết khác biệt là “ngồi xuống và thảo luận”. Tuy nhiên, nội dung thảo luận thì nhiều, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao NATO sắp tới đánh dấu mốc 70 năm hợp tác và phát triển của liên minh quân sự xuyên đại dương, song hội nghị lại chỉ diễn ra trong một ngày, vì thế mục tiêu thu hẹp bất đồng trở nên vô cùng khó khăn.

Một loạt vấn đề chiến lược có “độ nóng cao” đã được bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO lần này, như: nỗ lực chống khủng bố và giải quyết các vấn đề liên quan; tương lai của các thỏa thuận và cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu, sau khi cả Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF); đối sách với Nga và Trung Quốc; hay hợp tác trong không gian mạng. Một số tuyên bố và cam kết đã được thông qua, nổi bật là NATO xác định không gian vũ trụ là một “lĩnh vực có thể xảy ra xung đột”, bên cạnh lĩnh vực an ninh truyền thống như trên bộ, trên biển và trên không. Tuy nhiên, NATO khẳng định sẽ không “vũ khí hóa” không gian...

Cố gắng không sa vào những chủ đề có thể khoét sâu thêm chia rẽ nội khối, song cuộc thảo luận của các bộ trưởng NATO tại Brussels lần này vẫn không tránh được những tranh cãi gay gắt, kể cả trong vấn đề tưởng chừng dễ nhận được sự đồng thuận nhất, đó là cải tổ NATO.

Trong bối cảnh yêu cầu cải cách khối quân sự đã 70 năm tuổi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, cả Pháp và Đức đều tung ra những đề xuất riêng rẽ, phác thảo các bước cải tổ. Song, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO ở Bỉ vừa qua, các kế hoạch của cả hai thành viên đầu tàu châu Âu này đều nhận được những ý kiến trái chiều.

Trên cơ sở nhận định của Tổng thống E.Macron, cho rằng NATO hiện thiếu “tư duy chiến lược” và hợp tác không hiệu quả, Pháp đề xuất chỉ định một nhóm chuyên viên cấp cao để nghiên cứu, đưa ra “tầm nhìn NATO” về giá trị và mục tiêu của khối. Theo phía Pháp, những động thái không thể đoán định của Mỹ, dưới thời chính quyền Tổng thống D.Trump, hay việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự bên trong lãnh thổ Syria, không chỉ phản ánh sự thiếu hợp tác giữa các đồng minh NATO, mà còn cho thấy tình trạng thiếu “tư duy chiến lược” trong khối quân sự lớn nhất thế giới này. Bởi thế, Pháp đề xuất hạn chót trong năm 2021, NATO phải thống nhất được về “tầm nhìn chiến lược” nhằm ứng phó những thách mới và phức tạp hiện nay. Chia sẻ mục tiêu về cải cách chiến lược của Pháp, Đức cũng đề xuất thành lập nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu, song tập trung tìm cách thức nhằm củng cố “tư duy chính trị” của NATO; và đề cử Tổng Thư ký NATO G.Stoltenberg đứng đầu nhóm nghiên cứu này.

Trong khi từ chối bình luận về đề xuất của Pháp, Tổng Thư ký NATO lại khen ngợi ý tưởng của Đức, đánh giá đây là “đóng góp có giá trị”, nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh và sẽ tiếp tục được xem xét kỹ lưỡng tại Hội nghị cấp cao NATO ở London đầu tháng 12 tới. Trong khi đó, Mỹ vẫn hoài nghi các kế hoạch cải tổ NATO. Nhất trí rằng, việc NATO tự nhìn nhận lại chính mình để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra là “phù hợp và cần thiết”, song Washington vẫn đặt câu hỏi liệu thời điểm hiện tại có phải là lúc thích hợp và các bước cải tổ NATO như Pháp và Đức đề xuất có phải cách thức đúng đắn hay không?

Diễn biến mới nhất tại hội nghị ở Brussels củng cố thêm nhận định về sự chia rẽ nội bộ NATO, vốn bộc lộ rõ nét trong năm 2019. Từ lục đục trong quan hệ giữa các đồng minh lâu năm hai bên bờ Đại Tây Dương, xuất phát từ yêu cầu của Mỹ đòi châu Âu chia sẻ “gánh nặng tài chính”, cho đến động thái của Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của đối tác ngoài NATO. Thu hẹp bất đồng nhằm vực dậy niềm tin vào NATO tiếp tục là nhiệm vụ khó khăn của lãnh đạo các nước thành viên, trong kỳ họp cấp cao sắp tới.