Vực dậy các thể chế toàn cầu

Những năm gần đây, khi “chủ nghĩa quốc gia” lên ngôi, vai trò của các thể chế toàn cầu có dấu hiệu giảm sút. Cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay đã làm bộc lộ rõ hơn sự suy yếu của nhiều tổ chức quốc tế, khi các tổ chức này đứng trước yêu cầu phải cải tổ mạnh mẽ để bảo đảm phối hợp giữa các quốc gia cho những vấn đề toàn cầu.

Thế giới đã chứng kiến sự suy yếu của các thể chế đa phương toàn cầu những năm gần đây, đặc biệt là sau khi đại dịch bùng phát. Trước các vấn đề toàn cầu gần đây, các phản ứng quốc gia và toàn cầu có phần chậm trễ, mờ nhạt và rời rạc. Đối với đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể ngăn chặn được đáng kể mức độ thiệt hại của thảm họa dịch bệnh này so với hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù bộ máy chủ chốt để đưa ra phản ứng toàn cầu về y tế đã có sẵn, nhưng vì nhiều lý do, bộ máy này đã không đủ hiệu quả để có thể “đi trước đón đầu” ngăn chặn đại dịch bùng phát trên quy mô toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn đang rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính trong nhiều thập kỷ qua do Mỹ và các nước khác phân bổ nguồn lực của họ cho các vấn đề khác và phớt lờ những cảnh báo liên tục là phải tăng cường sức mạnh cho WHO. WHO gần đây cũng trở thành tâm điểm tranh cãi giữa Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác về vai trò của tổ chức này.

Trong khi đó, một tổ chức toàn cầu khác là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vốn có vai trò lớn trong dẫn dắt kinh tế thế giới, nay cũng đứng trước áp lực cải tổ để thể hiện được tiếng nói có trọng lượng vốn có của mình trong các vấn đề thương mại quốc tế. Nhiều thành viên quan trọng của WTO, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Australia... đều đã lên tiếng kêu gọi phải cải tổ WTO.

Ngoài ra, các mô hình liên kết quốc gia tại các châu lục, trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU), cũng đã cho thấy những hạn chế trong phối hợp toàn khu vực. Từ năm 2016 đến nay, châu Âu đã chứng kiến “cuộc ly hôn lịch sử” khi Anh quyết rời khỏi EU. Trong đại dịch Covid-19, các nước thành viên trong mái nhà chung châu Âu nhiều thời điểm đã “mạnh ai nấy lo”, không san sẻ vật tư y tế, không triển khai một kế hoạch chống dịch chung.

Lý giải về nguyên nhân các thể chế toàn cầu suy yếu, tờ The Economist trong bài viết “Ai sẽ cứu các thể chế toàn cầu” mới đây cho rằng, trên thực tế những năm gần đây, các phong trào dân tộc chủ nghĩa trên toàn thế giới đã có cơ hội thuận lợi để “công kích tính hợp pháp của các thể chế đa phương”. The Economist cho rằng, việc gần đây Mỹ rút khỏi các thể chế đa phương và không phối hợp với các quốc gia khác trong một số vấn đề toàn cầu, khiến các thể chế đa phương ít nhiều bị “lung lay”.

Thế giới đang chứng kiến những biến động vô cùng lớn bởi đại dịch thế kỷ. Ở thời điểm hiện nay, chưa ai dự báo chính xác được diễn biến và tác động của dịch Covid-19, nhưng các quốc gia đã hình thành nhận thức chung là: Đại dịch đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu, trở thành nhân tố quan trọng tác động đến quan hệ giữa các quốc gia, thậm chí có thể làm thay đổi trật tự và cục diện quốc tế. Xu hướng toàn cầu hóa sẽ không bị đảo ngược, nhưng đang đối mặt nhiều khó khăn và sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ. Tới đây, khi các quốc gia cùng bước ra khỏi cuộc chiến chống Covid-19, tất cả các nước đều cần có các thể chế toàn cầu hiệu quả để dẫn dắt việc tái thiết kinh tế, hoạch định tương lai và chuẩn bị đối phó với những “kẻ thù chung” là thiên tai, dịch bệnh... Vào tháng 8-1944, khi chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai đang đến gần, đại diện của các quốc gia trong liên minh chống phát-xít đã nhóm họp để thảo luận về việc thành lập một tổ chức thế giới nhằm duy trì hòa bình và an ninh. Một năm sau, các đại biểu đến từ 50 quốc gia đã ký Hiến chương Liên hợp quốc tại San Francisco (Mỹ). Thỏa thuận nói trên đã tạo khung khổ cho sự ra đời của các thể chế toàn cầu và tương lai quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỷ qua.

Từ kinh nghiệm nêu trên, có thể thấy, ngay trong cuộc chiến chống Covid-19 lúc này, các quốc gia trên thế giới không chỉ cần đồng lòng chống dịch, mà còn phải chuẩn bị ngay việc cải tổ, tái thiết các thể chế toàn cầu để bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh, phát triển cho nhân loại trong những thập kỷ tới.