Vì một không gian đối thoại tích cực

Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào thời kỳ khó khăn trong quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU) sau khi căng thẳng giữa An-ca-ra và Pháp leo thang. Các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập “ngôi nhà chung châu Âu” có nguy cơ bị đình chỉ vô thời hạn, trong khi EU đã đánh tiếng về việc sử dụng mọi công cụ nhằm gia tăng áp lực đối với An-ca-ra.

Những tranh cãi gay gắt giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bị thổi bùng sau vụ giáo viên người Pháp bị một phần tử Hồi giáo cực đoan sát hại, đã đẩy quan hệ giữa Pa-ri và An-ca-ra lên nấc thang căng thẳng mới. Pháp kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của Pháp, sau khi An-ca-ra triệu hồi các phái đoàn tại Pa-ri nhằm phản đối quan điểm của Pa-ri về vụ việc. Sự việc tiếp tục bị đẩy đi xa khi Pháp kịch liệt phản đối việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp, dẫn tới phong trào không mua các sản phẩm của Pháp ở một số quốc gia. Trước những động thái leo thang căng thẳng đáng lo ngại, Liên hợp quốc, EU  kêu gọi hai bên “hạ nhiệt” tình hình. Hội đồng châu Âu tuyên bố, EU sẵn sàng dành thời gian từ nay đến tháng 12 tới để Thổ Nhĩ Kỳ có những động thái tích cực nhằm xoa dịu căng thẳng gần đây giữa hai bên.

Cùng là thành viên NATO, song quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp thời gian gần đây trở nên căng thẳng về nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có hoạt động thăm dò năng lượng của An-ca-ra ở Đông Địa Trung Hải. Trong lúc Pháp cũng như các nước thành viên EU khác đang gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ dừng các hoạt động ở vùng biển tranh chấp này, thì những tranh cãi mới đây khiến Thổ Nhĩ Kỳ và EU khó có thể hóa giải được bất đồng. Một trong những “con bài” mà EU đưa ra nhằm gia tăng áp lực đối với Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề đàm phán của An-ca-ra về gia nhập EU. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu năm 1987 và bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU vào năm 2005. Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán này không tiến triển do hai bên còn nhiều mâu thuẫn. Tại hội nghị cấp cao hồi đầu tháng này, EU đã đặt ra những phương hướng tích cực cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cải thiện tiến trình gia nhập khối. Tuy nhiên, căng thẳng mới khiến cuộc đàm phán có nguy cơ rơi vào bế tắc kéo dài. Theo kế hoạch, trong tháng 12 tới, các nguyên thủ quốc gia thành viên EU sẽ lại họp bàn để đánh giá các tiến triển có được từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, EU từng cảnh báo, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có các hành động khiêu khích chống EU hoặc bất kỳ quốc gia thành viên nào thì khối này nhất định sẽ có phản ứng. EU sẽ sử dụng tất cả các công cụ để đáp trả hành động đơn phương của An-ca-ra. 

Trước lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Brúc-xen cho rằng An-ca-ra đã đi ngược lại tinh thần của các thỏa thuận thương mại với EU. Một số chính trị gia châu Âu kêu gọi đình chỉ hoàn toàn liên minh thuế quan của EU với Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng An-ca-ra đã “vũ khí hóa” vấn đề di cư trước đây và nay lại tiếp tục đưa vấn đề thương mại làm “con bài mặc cả” với EU. Tuy nhiên, việc liên minh thuế quan bị đình chỉ hoàn toàn khó có thể giành được sự ủng hộ từ các nước EU, nhất là những nước có các khoản đầu tư quan trọng vào Thổ Nhĩ Kỳ. EU có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Thổ Nhĩ Kỳ và theo các quan chức EU, việc đình chỉ liên minh thuế quan với An-ca-ra chẳng khác nào “tự bắn vào chân mình”. Các nhà ngoại giao EU vẫn ủng hộ một cách tiếp cận có mục tiêu hơn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen cho rằng, những động thái mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ trong ứng xử với Pháp cho thấy, thay vì một chương trình nghị sự tích cực, Thổ Nhĩ Kỳ chọn các hành động khiêu khích. Một số quan chức châu Âu đã hối thúc EU cần có hành động rõ ràng, kể cả việc áp đặt các lệnh trừng phạt, nếu An-ca-ra không dừng các động thái làm leo thang căng thẳng hiện nay. Nghị viện châu Âu đã yêu cầu Hội đồng châu Âu sẵn sàng đưa ra một danh sách các biện pháp hạn chế hơn nữa nếu không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Mặc dù cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về “mọi lựa chọn vẫn nằm trên bàn” để bảo vệ lợi ích của khối, song EU khẳng định mục tiêu tạo không gian cho cuộc đối thoại tích cực với An-ca-ra. Với những ràng buộc lợi ích giữa hai bên, các quan chức EU kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các động thái mang tính xây dựng nhằm hạ nhiệt căng thẳng, tránh để những tranh cãi vượt tầm kiểm soát, đe dọa tới hòa bình và an ninh ở khu vực.