Vết rạn mới

Căng thẳng trong quan hệ Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sau sự cố va chạm giữa các tàu của hai nước ở Ðông Ðịa Trung Hải và việc hai bên cáo buộc lẫn nhau hậu thuẫn các phe phái xung đột ở Li-bi. Pa-ri chỉ trích An-ca-ra có những động thái đi ngược lợi ích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), tạo "vết rạn" mới trong khối đồng minh quân sự xuyên đại dương.

Sự cố va chạm giữa tàu chiến Pháp và các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra tại vùng biển phía đông Ðịa Trung Hải hồi giữa tháng 6. Một tàu khu trục của Pháp, dưới sự chỉ huy của NATO, đã cố gắng kiểm tra tàu chở hàng mang cờ Tan-da-ni-a bị nghi chở vũ khí đến Li-bi, một hành động vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên, tàu khu trục của Pháp vấp phải phản ứng của ba tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang hộ tống tàu chở hàng nêu trên. Tàu của Thổ Nhĩ Kỳ chiếu đèn ra-đa vào tàu chiến Pháp, trong khi các thủy thủ trên tàu Thổ Nhĩ kỳ mặc áo chống đạn và được trang bị vũ khí, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Pháp cáo buộc An-ca-ra che giấu hành động chở lậu vũ khí tới Li-bi, còn Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ba tàu chiến của nước này chỉ hộ tống tàu chở hàng viện trợ nhân đạo, giúp NATO thực thi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong NATO lâu nay trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Mỹ vốn rất thất vọng về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga và các chiến dịch quân sự của An-ca-ra chống người Cuốc ở Xy-ri, lực lượng được Oa-sinh-tơn coi là đối tác hiệu quả trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng từng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ "đi sai hướng". Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp lại bất đồng sâu sắc khi cáo buộc lẫn nhau hậu thuẫn các phe phái đối địch trong cuộc xung đột ở Li-bi. Sau một loạt bất đồng, từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga, đến các hoạt động khoan khí đốt gần đảo Síp, sự cố trên Ðông Ðịa Trung Hải càng khiến Pháp nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu vũ khí tới Li-bi. Theo Pháp, không ít đồng minh NATO cho rằng, An-ca-ra đang có những hành động chống lại lợi ích và giá trị của NATO. Ðể thể hiện thái độ, Pháp đã đình chỉ tham gia sứ mệnh của NATO mang tên Bảo vệ biển ở Ðịa Trung Hải.

Sau sự cố với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp gửi thư tới Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc, trong đó đề nghị tất cả các thành viên tái khẳng định cam kết tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Li-bi và cải thiện sự phối hợp trong các nhiệm vụ của NATO với Liên hiệp châu Âu (EU) ở Ðịa Trung Hải, tránh các sự cố tương tự trong tương lai. Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Pháp P.Pác-li phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng, NATO cần khiến An-ca-ra nhận ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể "vi phạm các quy tắc". Bộ trưởng Ngoại giao Pháp L.Ðri-ăng cũng hối thúc những người đồng cấp EU xem xét bổ sung trừng phạt An-ca-ra trong cuộc họp trực tuyến ngày 13-7 tới.

Với quy mô quân đội lớn thứ hai trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng, giúp liên minh quân sự duy trì hiện diện chiến lược, nhất là tại Biển Ðen và Ðịa Trung Hải. Bởi thế, dù bất đồng, Pháp vẫn ưu tiên cách tiếp cận bớt cứng rắn hơn trong mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, khi không tìm cách trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh. Thực tế, NATO không có cơ chế chính thức về bãi bỏ tư cách thành viên, song NATO có thể rút lại các "tài sản" của khối khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có hệ thống ra-đa, tên lửa Patriot hoặc máy bay AWACS. Ðược cho là giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cũng muốn xoa dịu cả hai đồng minh. Ông Ð.Trăm đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp nhằm giảm leo thang xung đột ở Li-bi, đồng thời khuyến khích An-ca-ra theo đuổi các chính sách mang tính xây dựng hơn liên quan tranh cãi với các thành viên NATO về hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga và những bất đồng khác...

Việc NATO mới đây thông qua kế hoạch phòng thủ mới cho Ba Lan và vùng Ban-tích sau khi đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là tín hiệu tích cực, có thể giúp hàn gắn rạn nứt trong quan hệ giữa An-ca-ra với các đồng minh trong khối. Song, nếu không được hóa giải, bất đồng sâu sắc giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là "sóng ngầm", đe dọa hủy hoại sự thống nhất của khối quân sự phương Tây này.