Bình luận quốc tế

Vết rạn mới

Mối quan hệ giữa Mỹ với Ðức và các thành viên NATO lại thêm rạn nứt sau khi Tổng thống D.Trump công khai ý định rút bớt quân số Mỹ đồn trú tại Ðức. Ðáng nói là, bước điều chỉnh chiến lược này được Nhà trắng xác nhận không phải xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế số 1 thế giới, mà là thông điệp trừng phạt gửi tới đồng minh châu Âu, liên quan những bất đồng về thương mại và chia sẻ trách nhiệm chung.

Chỉ vài ngày sau khi ý định giảm quân số tại Ðức bị truyền thông Mỹ tiết lộ, khiến các đồng minh châu Âu hoang mang, Tổng thống D.Trump đã chính thức xác nhận. Theo đó, Lầu năm góc và các cơ quan liên quan đã được chỉ thị lập kế hoạch chi tiết để rút bớt 9.500 binh sĩ, đưa quân số Mỹ tại Ðức xuống còn 25.000 người. Tổng thống D.Trump không trực tiếp gắn những bất đồng giữa Mỹ và Ðức với kế hoạch rút quân, song giới chức Nhà trắng cho biết, đây là thông điệp gửi tới Berlin, khi Washington không hài lòng trước thực tế cán cân thương mại giữa hai nước gây bất lợi cho Mỹ, cũng như việc Ðức không đáp ứng quy định của NATO về chi tiêu quốc phòng.

Thực tế, Ðức là một trong những cơ sở ở nước ngoài lớn nhất của lực lượng Mỹ. Cùng khoảng 34.500 binh sĩ và 17.000 nhân viên dân sự Mỹ, còn có 12.000 nhân viên người Ðức phục vụ tại hàng chục căn cứ rải rác trên khắp nước Ðức. Trong số những cơ sở đó, có cả Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu (EUCOM) là điểm chỉ huy trung tâm của các lực lượng Mỹ tại hơn 50 quốc gia; một căn cứ không quân điều hành các hoạt động ở tận khu vực Trung Ðông, châu Phi; và một trung tâm huấn luyện của NATO lớn nhất châu Âu. Các lực lượng này được xác định có vai trò hết sức quan trọng, vừa giữ "chiếc ô an ninh" cho Ðức và châu Âu, vừa bảo vệ các lợi ích chiến lược của chính "xứ cờ hoa".

Thế nên, ý định của Tổng thống D.Trump giảm nhẹ vai trò của lực lượng quan trọng tại châu Âu không chỉ khiến Ðức và các đồng minh trong NATO bất ngờ và phản đối, mà ngay cả chính giới và dư luận Mỹ cũng chỉ trích mạnh mẽ. Tuy nhiên, thông điệp về "trừng phạt" mà Nhà trắng nhắc tới đã giải thích cho những uẩn khúc phía sau kế hoạch gây tranh cãi của lãnh đạo Mỹ.

Lâu nay, Tổng thống D.Trump luôn chỉ trích Ðức và các đồng minh châu Âu chi tiêu quốc phòng "dưới chuẩn NATO"; Washington không thể tiếp tục "bội chi" và chia sẻ phần nhiều hơn cho những "hóa đơn quốc phòng" của NATO. Mỹ càng không hài lòng khi Ðức mạnh tay chi cho các dự án hợp tác khí đốt với Nga, trong đó có tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc. Trong khi đó, thặng dư thương mại nghiêng về phía Ðức là một trong những điểm mấu chốt gây bất đồng. Washington luôn chỉ trích Béc-lin hưởng lợi thiếu công bằng. Theo Nhà trắng, sự hậu thuẫn và nghĩa vụ quốc tế của Mỹ giờ đây không còn mang tính hệ thống, mà theo nguyên tắc có đi có lại. Và việc giảm quân số là thông điệp gửi tới Ðức nhắc nhở về sự công bằng mà Mỹ đòi hỏi.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ rõ, kế hoạch giảm quân để "trừng phạt" chưa chắc chắn giúp Tổng thống D.Trump đạt mục tiêu gây sức ép với đồng minh, mà trên thực tế lại có thể làm tổn hại quan hệ xuyên Ðại Tây Dương vốn trục trặc kéo dài thời gian qua. Thực tế, phần đông người dân sở tại không đánh giá cao sự hiện diện của lực lượng Mỹ. Các căn cứ của Mỹ tại Ðức chủ yếu phục vụ chiến dịch của NATO và nhiệm vụ chiến lược chính của Lầu năm góc, nhất là trong sứ mệnh "răn đe" với các đối thủ. Tổng Thư ký NATO khẳng định, lực lượng Mỹ đồn trú không chỉ là vấn đề song phương giữa Mỹ với Ðức, mà là của cả NATO. Trong bối cảnh tại châu Âu đang dấy lên ý tưởng hình thành một lực lượng phòng thủ riêng, kế hoạch giảm quân của Tổng thống D.Trump càng thúc đẩy "lục địa già" có thêm động lực để giảm phụ thuộc "ô an ninh" của đồng minh bên kia Ðại Tây Dương.

Chưa rõ các bước đi tiếp theo của Nhà trắng ra sao, hơn nữa kế hoạch rút bớt quân khỏi Ðức cũng còn cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, chỉ riêng việc Mỹ công khai ý định đã nới rộng hơn những bất đồng với Ðức, khiến mối quan hệ đồng minh xuyên Ðại Tây Dương thêm rạn nứt.