Vai trò trung tâm trong hợp tác toàn cầu

75 năm trước, ra đời ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên hợp quốc được trao nhiệm vụ điều hòa các nỗ lực quốc tế vì hòa bình và an ninh, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vai trò trung tâm của Liên hợp quốc càng trở nên quan trọng trong bối cảnh mới, khi chủ nghĩa đa phương và các cơ chế quốc tế gặp nhiều thách thức. 

Liên hợp quốc (LHQ) được thành lập ngày 24-10-1945, với những mục tiêu được nêu rõ trong Hiến chương LHQ: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia; Thực hiện hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa và nhân đạo; Duy trì vai trò trung tâm trong các nỗ lực vì mục tiêu chung. Hoạt động của LHQ dựa trên các nguyên tắc chủ đạo gồm bình đẳng về chủ quyền quốc gia; tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không can thiệp công việc nội bộ các nước; tôn trọng các nghĩa vụ và pháp luật quốc tế; giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Việc LHQ ra đời ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã phản ánh khát vọng chung về thế giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển. Trải qua 75 năm, từ chỗ có 51 nước tham gia khi mới được thành lập, LHQ đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất, với 193 quốc gia thành viên và một hệ thống tổ chức toàn diện gồm sáu cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên ngành và năm Ủy ban kinh tế - xã hội đặt tại các khu vực, cùng hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, từ ngăn ngừa và giải quyết xung đột, giải trừ vũ khí, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới...

Chặng đường dài vừa qua ghi đậm những dấu ấn đóng góp quan trọng của LHQ, khẳng định vai trò trung tâm của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, nổi bật trong các lĩnh vực hòa bình và an ninh, phát triển và tăng cường luật pháp quốc tế. Một trong những thành tựu lớn nhất là củng cố hòa bình, thúc đẩy an ninh và hỗ trợ giải quyết, ngăn chặn nhiều cuộc xung đột vũ trang và tranh chấp quốc tế. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của LHQ trong nỗ lực chung loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới, kiểm soát và hạn chế vũ khí giết người hàng loạt.

Với hơn 70 phái bộ và các hoạt động gìn giữ hòa bình được triển khai trên thế giới, LHQ góp phần giải quyết nhiều cuộc xung đột, khôi phục hòa bình và hỗ trợ tái thiết tại nhiều quốc gia, khu vực.

Nỗ lực đề cao và tăng cường luật pháp quốc tế, LHQ có những đóng góp lớn với những khuyến nghị định hướng xây dựng các chuẩn mực chung, tạo "luật chơi" chung trong nhiều lĩnh vực. Với vai trò điều phối và trung gian của LHQ, hơn 500 điều ước quốc tế và đa phương quan trọng đã được ký kết, trở thành "xương sống" của luật pháp quốc tế, tạo khuôn khổ chung cho duy trì hòa bình và an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn cầu.

Lĩnh vực phát triển ghi nhận những thành công nổi bật của LHQ, với vai trò trung tâm trong nỗ lực xây dựng, củng cố đồng thuận quốc tế vì sự phát triển bền vững toàn cầu. Cùng việc định hướng phát triển của thế giới, nhất là từ sau chiến tranh lạnh, LHQ đã đề ra các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện chăm sóc sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và tăng cường quan hệ đối tác phát triển. Tiếp theo đó là các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), định ra khuôn khổ hợp tác phát triển có tính bao trùm, toàn diện, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt, trên cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Những mục tiêu phát triển của LHQ trở thành khung định hướng chính sách quan trọng cho các nước thành viên.

Quá trình hình thành và phát triển của LHQ phản ánh bối cảnh và tương quan lực lượng quốc tế, phần nào chịu tác động từ lợi ích của các quốc gia. Vì thế, ngoài khó khăn về tài chính và huy động nguồn lực, hiệu quả hoạt động của LHQ trong một vài lĩnh vực chưa đáp ứng những yêu cầu mới, chưa theo kịp những biến chuyển và thách thức toàn cầu mới. Ðiều này đòi hỏi LHQ có sự cải tổ một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp tình hình quốc tế mới.

Dù vậy, với những đóng góp và thành tựu quan trọng, LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức đa phương không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Vai trò trung tâm của LHQ càng cần được tăng cường trong bối cảnh mới, khi cộng đồng quốc tế phải đối mặt nhiều thách thức mới, nghiêm trọng hơn, nhất là những biểu hiện xa rời chủ nghĩa đa phương và các cơ chế toàn cầu.

Đại hội đồng LHQ khóa 75 lấy chủ đề "Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương, ứng phó dịch Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả", phản ánh quyết tâm của LHQ duy trì là một tổ chức gắn kết, đề cao luật pháp quốc tế và phát huy tinh thần đa phương, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trên toàn thế giới.