Bình luận quốc tế

Trong tâm thế chủ động hội nhập

Diễn đàn “AGOA và tương lai: Xây dựng mô hình thương mại mới định hướng quan hệ đầu tư thương mại Mỹ - châu Phi” do Mỹ phối hợp Cote D'Ivoire vừa tổ chức tại thành phố Abidjan thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện từ Mỹ và các nước phía nam Sahara của châu Phi. Đây là cơ hội không chỉ để châu Phi nêu bật những tiềm năng, mà còn khẳng định vị thế mới là một đối tác độc lập, chủ động hội nhập, giảm sự phụ thuộc các cường quốc.

Đạo luật về Cơ hội và phát triển cho châu Phi (AGOA) được Mỹ ban hành cách đây 19 năm, nhằm dành quy chế đối xử đặc biệt cho 39 quốc gia châu Phi thông qua xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 7.000 sản phẩm. Diễn đàn AGOA năm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi, khi châu Phi đang nỗ lực thoát khỏi hình ảnh xưa cũ về một châu lục chờ đợi viện trợ từ các cường quốc, nhất là với việc thành lập Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), giúp “lục địa đen” hiện thực hóa các mục tiêu phát triển. Song, các nước tham gia AGOA đứng trước nhiều thách thức, khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố muốn bảo vệ doanh nghiệp và ngành sản xuất nội địa của Mỹ trước các mối đe dọa từ nước ngoài. Trong khi đó, chính sách về châu Phi của chính quyền Mỹ chưa được xác định rõ ràng và theo giới quan sát, châu Phi không thuộc danh sách ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay. Điều này dẫn đến lo ngại thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của những nền kinh tế lớn của châu lục vào Mỹ có thể gia tăng.

Mặc dù việc nhiều nền kinh tế châu Phi dần được cải thiện là tín hiệu vui, song các nước châu Phi không muốn mất đi quy chế ưu đãi về thuế quan và thương mại từ Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại trong vai trò bình đẳng hơn với Mỹ. Diễn đàn AGOA năm 2019 còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ, thanh niên, tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy thương mại, mở rộng tăng trưởng kinh tế và tạo ra sự thịnh vượng ở châu Phi. Nhằm xua tan những nghi ngại từ phía Mỹ, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nam Phi E.Patel nhấn mạnh, việc thành lập AfCFTA và AGOA giúp châu Phi có chung tiếng nói và có khả năng thúc đẩy xuất khẩu của châu lục sang Mỹ. Trưởng phái đoàn của Nam Phi tại Diễn đàn AGOA năm 2019 khẳng định, AfCFTA và AGOA sẽ bổ sung lẫn nhau, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu của các nước phía nam Sahara vào thị trường Mỹ.

Từ nhiều năm qua, Mỹ gia nhập làn sóng đầu tư đổ tới châu Phi, với mong muốn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực giàu tiềm năng này. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho châu Phi, với phần lớn các khoản tài trợ tập trung vào các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và cung cấp nước sạch. Trong 20 năm gần đây, Mỹ đã cung cấp hơn 16 tỷ USD viện trợ cho châu Phi. Cơ quan Đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) thuộc Chính phủ Mỹ có kế hoạch tăng gấp hai lần quỹ đầu tư vào châu Phi, lên 12,4 tỷ USD, nhằm tăng cường chất lượng của các dự án tại châu Phi, cũng như giải ngân vào những dự án mang tính cấp thiết tại lục địa có 1,2 tỷ dân này. Hiện, OPIC đã đầu tư 100 triệu USD vào Africell, một trong những mạng di động lớn nhất châu Phi. Hai “ông lớn công nghệ” của Mỹ là Google và Facebook cũng đang xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển bao phủ toàn bộ “lục địa đen”.

Trong chính sách mới về châu Phi, Washington cam kết tăng cường thương mại và hoạt động gìn giữ hòa bình tại các quốc gia ở khu vực. Ưu tiên số một của Washington xoay quanh thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Phi nhằm tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ sự độc lập của các quốc gia châu Phi song song với các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Sáng kiến “Châu Phi phồn vinh” được Mỹ thúc đẩy nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào châu Phi. Quốc hội Mỹ cũng thông qua “Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD), vốn được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời Tổng thống D.Trump. Theo đó, OPIC sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỷ USD, gấp hai lần quỹ hiện tại của OPIC.

Châu Phi đang bước vào thời kỳ mới, nhất là sau khi AfCFTA được thành lập. Việc mở cửa thị trường và cải cách xã hội là một bước tiến rất quan trọng của châu Phi. Trên con đường phát triển, “lục địa đen” đang nỗ lực mở rộng và thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, đó sẽ không còn là mối quan hệ “cho và nhận”, mà là hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, vì một châu Phi mới, hội nhập và phát triển.