Bình luận quốc tế

Triển vọng xám

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang và nguy cơ Anh rời EU (Brexit) không thỏa thuận tiếp tục "phủ bóng đen" lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy "sức khỏe" của nhiều nền kinh tế đang yếu đi, trong khi giới chuyên gia và các tổ chức quốc tế có thêm các dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tiến trình Brexit tiếp tục bế tắc và căng thẳng thương mại leo thang khiến tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đang suy yếu. Ðã qua hơn một năm đàm phán không ngã ngũ, Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Hai bên đã tăng thuế đối với hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau, làm xáo trộn thị trường tài chính và đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, triển vọng Brexit hiện vẫn là một "ẩn số" và nhiều khả năng nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 tới mà không có thỏa thuận nào.

Trong bối cảnh nêu trên, chỉ số kinh tế vĩ mô cùng triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế đang ảm đạm. Tại nền kinh tế số một thế giới là Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy yếu trong những tháng gần đây. Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho biết, hoạt động sản xuất của Mỹ co hẹp ở mức tồi tệ nhất kể từ tháng 6-2009. Thông tin này đã lập tức tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ với hàng loạt chỉ số giảm điểm.

Báo cáo của ISM nêu trên được công bố sau khi châu Âu đưa ra số liệu sản xuất yếu kém. Các số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã rơi xuống mức dưới 1% trong tháng 9 vừa qua. Theo Eurostat, giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 9 chỉ tăng 0,9% so với mức 1% của tháng trước đó. Ðây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 11-2016 và cách xa mức mục tiêu "ngay dưới 2%" mà ECB đề ra.

Ngoài Mỹ và EU, "sức khỏe" của một loạt nền kinh tế quan trọng khác cũng ở mức đáng lo ngại. Tốc độ tăng trưởng quý III năm nay của kinh tế Trung Quốc được dự báo ở mức dưới 6,2%, sau khi tốc độ tăng trưởng đã giảm đáng kể trong quý II vừa qua. Một nền kinh tế quan trọng khác của châu Á là Hàn Quốc cũng đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng mạnh. Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P cho biết, đã giảm dự báo về báo tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm nay xuống còn 1,8% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Dự báo mới nhất này giảm so với con số 2% mà S&P đưa ra hồi tháng 7 vừa qua. Tại Thái-lan, hôm 2-10, nước này điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế từ 2,9 đến 3,3% xuống còn 2,7 đến 3%.

Các tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra các nhận định mới nhất phản ánh "triển vọng xám" của kinh tế toàn cầu. Hội nghị về thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) trong báo cáo vừa công bố cảnh báo nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm 2020. Báo cáo của UNCTAD nhận định rằng trước tình trạng nhu cầu toàn cầu suy yếu cộng với chiến tranh thương mại leo thang, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm mạnh xuống mức 2%, so với mức tăng trưởng 2,8% năm 2018.

Trong khi đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm nay, giảm hơn một nửa so với mức dự báo 2,6% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua và yếu hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng ghi nhận hồi năm 2018 là 3%. Ðối với năm 2020, tổ chức này dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ đạt 2,7%, giảm so với mức 3% được dự báo trước đó. Theo WTO, lý do cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu là do sự giảm tốc của các nền kinh tế, căng thẳng thương mại leo thang và những bất ổn chung quanh tiến trình Brexit.

Trong bối cảnh "mây đen" che lấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nêu trên, "việc cần làm ngay" của chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế lúc này là giải quyết những bất đồng và mâu thuẫn thương mại, cũng như hợp tác để cải cách WTO. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của UNCTAD và các tổ chức quốc tế, các quốc gia cần tập trung tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng và thị trường trong nước, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.