Trách nhiệm với cộng đồng

Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc giục các nước giàu tăng cường thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, thông qua tài trợ vắc-xin ngừa Covid-19 và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo, đẩy nhanh tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu. Lời kêu gọi được đưa ra trước thềm hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sắp tới, bàn về kế hoạch phục hồi sau đại dịch.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 vừa khai mạc tại Luân Ðôn (Anh), đánh dấu lần họp trực tiếp đầu tiên trong hai năm qua của "câu lạc bộ nước giàu". Hội nghị có sự tham dự của các khách mời là đại diện Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Nam Phi và Bru-nây, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm. Chủ đề thảo luận nổi bật tại hội nghị là hợp tác kiểm soát dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng là mục tiêu chính của Hội nghị cấp cao G7, dự kiến diễn ra tại Anh, từ ngày 11 đến 13-6 tới.

Cuộc thảo luận của các bộ trưởng G7 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca bệnh vẫn tăng nhanh ở nhiều nơi, trong khi tỷ lệ bao phủ tiêm chủng có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia, khu vực. Theo số liệu của WHO, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu trong hai tuần qua cao hơn cả mức ghi nhận trong sáu tháng đầu tiên khi dịch bùng phát. Làn sóng dịch mới, phức tạp hơn hoành hành tại Ấn Ðộ và một số nước, khiến lo ngại gia tăng. Nhiều nước G7 cũng không nằm ngoài vòng xoáy chật vật với "cơn sốt" mới của đại dịch.

Trong cuộc họp báo cùng ngày khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7, Tổng Giám đốc WHO A.Ghê-brây-ê-xút cảnh báo, cuộc khủng hoảng do Covid-19 không thể sớm chấm dứt nếu G7 không hành động tích cực hơn. Theo WHO, các thành viên "câu lạc bộ nước giàu" có đủ khả năng để tài trợ cho việc sản xuất và cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19, cũng như việc xét nghiệm và điều trị; đây là những công cụ thiết yếu và hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch. Các nước G7 dẫn đầu thế giới cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế, nhiều thành viên tham gia sản xuất hầu hết các loại vắc-xin. Vì thế, vai trò dẫn dắt của G7 và nỗ lực thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.

Cũng tại cuộc họp báo này, Ðặc phái viên Liên hợp quốc về giáo dục toàn cầu, cựu Thủ tướng Anh G.Brao nhấn mạnh, thế giới hiện phân hóa sâu sắc giữa người giàu và người nghèo, giữa nước phát triển và nước đang phát triển, trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19; đáng lo ngại là khoảng cách lớn giữa người được tiêm vắc-xin và người chưa được chủng ngừa có nguy cơ tử vong cao. Theo đặc phái viên Liên hợp quốc, việc G7 không hoặc chậm hành động sẽ dẫn đến sự chia rẽ toàn cầu nghiêm trọng hơn; cộng đồng quốc tế có thể rơi vào tình cảnh phải lựa chọn "ai sống, ai chết", nếu thất bại trong việc nhanh chóng mở rộng tiêm chủng cho mọi quốc gia.

Theo số liệu truyền thông quốc tế cập nhật, mới chỉ có 2,9% trong tổng số 1,2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 được tiêm trên toàn cầu là ở các nước có thu nhập thấp. Trong khi đó, cơ chế COVAX do WHO điều hành lại không thể mua đủ lượng vắc-xin để cấp cho các nước nghèo, một phần nguyên nhân là các nước giàu đã đặt trước với các nhà sản xuất. WHO cho biết, COVAX đến nay mới bàn giao hơn 49 triệu liều vắc-xin cho các nước thuộc nhóm 92 nền kinh tế nghèo và đang phát triển tham gia cơ chế này. Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19 (ACT-A) cũng thiếu 19 tỷ USD để chi hoạt động trong năm 2021 và cần thêm khoảng 40 tỷ USD cho năm 2022, nhằm mục tiêu tiêm vắc-xin cho hầu hết người trưởng thành trên thế giới. Theo Liên hợp quốc, G7 hoàn toàn có khả năng tài trợ tới 70% tổng số chi phí nêu trên và việc nhóm các nước giàu chia sẻ trách nhiệm có thể tạo ra bước ngoặt trong nỗ lực đưa vắc-xin tới người dân toàn cầu. WHO cũng cho rằng, G7 có thể giúp loại bỏ rào cản để đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc-xin, thông qua việc tạm dừng áp dụng các quy định về sở hữu trí tuệ, tạo thuận lợi mở rộng sản xuất và nâng cao sản lượng vắc-xin.

Các nước G7 cam kết ủng hộ vai trò nòng cốt của WHO và đã hỗ trợ 7,5 tỷ USD cho các chương trình của WHO, đồng thời phối hợp G20 trong nỗ lực giãn nợ cho các nước nghèo. G7 được kỳ vọng tiếp tục thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tiếp cận công bằng với vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu.