Tín hiệu tích cực

Iran hoan nghênh việc các nước châu Âu thực hiện cơ chế hỗ trợ trao đổi thương mại (Instex) nhằm “lách” các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây được coi là một tín hiệu tốt lành trong việc thực hiện các cam kết của “lục địa già” đối với Iran, nhất là trong bối cảnh Tehran đang vật lộn với những khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế dịch bệnh và nền kinh tế Iran bên bờ vực sụp đổ, cần một giải pháp vừa tức thời vừa lâu dài cho quốc gia Hồi giáo này.

Trước sự hối thúc từ Iran cũng như mong muốn của cộng đồng quốc tế giúp quốc gia Trung Đông có đủ nguồn lực để đối phó cuộc khủng hoảng hiện nay, Anh, Pháp và Đức, ba cường quốc châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã thực hiện giao dịch đầu tiên thông qua cơ chế Instex. Theo đó, ba nước này cho phép vận chuyển các trang thiết bị y tế tới Iran, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Cơ chế này được các cường quốc châu Âu thiết lập để thực hiện hoạt động giao thương giữa Liên hiệp châu Âu (EU) với Iran mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Tehran. Đây được coi là nỗ lực níu giữ Iran ở lại JCPOA sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Trước đó, Instex từng được Iran mang ra “mặc cả” nhằm gây sức ép đòi châu Âu phải hành động nhiều hơn trong thực hiện các cam kết, nhằm bảo vệ lợi ích của Tehran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Quốc gia Hồi giáo từng nhiều lần chỉ trích việc các nước châu Âu không thực thi Instex. Bởi thế, động thái lần này được cho là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran bên bờ vực đổ vỡ và các cuộc đàm phán Mỹ - Iran về vấn đề này lâm vào bế tắc.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao cho rằng, việc cơ chế Instex được kích hoạt mới chỉ ở quy mô nhỏ, với khối lượng trao đổi thương mại chưa đáng kể, chủ yếu là hàng hóa nhân đạo và thực phẩm. Trong khi đó, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 ở Trung Đông, Iran cần hơn nữa các giao dịch thương mại, tài chính, ngân hàng vốn bị phong tỏa bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Để nỗ lực vượt qua khó khăn hiện nay, Chính phủ Iran dự định rút 1,08 tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia để đối phó dịch bệnh. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ Bộ Y tế Iran mua sắm trang bị y tế thiết yếu, đồng thời củng cố hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng. Chính phủ nước này cũng đã phân bổ ngân sách lên tới 23,9 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế vốn chịu thiệt hại kép từ lệnh cấm vận và dịch bệnh.

Động thái thúc đẩy thương mại với Iran của châu Âu xuất phát từ lời kêu gọi khẩn thiết của Iran cũng như cộng đồng quốc tế trước nhu cầu phải dỡ bỏ các lệnh phong tỏa kinh tế nhằm giúp quốc gia Hồi giáo đối phó tình hình nghiêm trọng hiện nay. Đại sứ Iran tại Bỉ đã kêu gọi EU chống các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Các đại diện thường trực tại Liên hợp quốc của Nga, Trung Quốc, Syria, Cuba, Triều Tiên, Iran, Nicaragua và Venezuela đã gửi thư kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với một số quốc gia, trong đó có Iran. Thậm chí, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ Mỹ, cựu Phó Tổng thống Mỹ G.Biden cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran nhằm giúp giảm bớt hậu quả mà nước CH Hồi giáo này phải hứng chịu do dịch bệnh gây ra. Ông Biden cho rằng, chiến dịch gây sức ép tối đa của Tổng thống Mỹ D.Trump đối với Iran với các “đòn” trừng phạt mạnh mẽ là phản tác dụng đối với một quốc gia luôn có thái độ cứng rắn.

Trước sự hối thúc của cộng đồng quốc tế, Mỹ thông báo đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Iran và một số quốc gia, tuy nhiên đến nay Washington chưa đưa ra dấu hiệu cụ thể nào để thực hiện kế hoạch này. Thực tế, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran vẫn tiếp diễn, liên quan các tranh cãi “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” giữa hai bên về các vụ không kích ở I-rắc. Bởi thế, các động thái tăng cường trao đổi thương mại của các nước châu Âu với Iran trong thời điểm này được cho là “cơn mưa quý” tạm thời làm dịu những khó khăn mà Iran đang phải trải qua. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp lâu dài. Điều mà quốc gia Hồi giáo mong đợi thêm nữa là các nước châu Âu cần thực hiện đầy đủ các cam kết trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, năng lượng, bảo hiểm; đồng thời với sự dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt từ Mỹ. Và, để có một giải pháp toàn diện, cả Mỹ, Iran và các đối tác tham gia JCPOA cần thể hiện thiện chí, tuân thủ đầy đủ các nội dung trong thỏa thuận lịch sử và giải quyết mọi tranh chấp thông qua đối thoại.