Tín hiệu khó khăn

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và tương lai Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu - EU) mờ mịt đã có những tác động tiêu cực đến hai nền kinh tế hàng đầu của châu Âu là Đức và Pháp. Điều này cũng đã “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của toàn Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone).

Ngay từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, giới phân tích đã đưa ra những dự báo không mấy lạc quan đối với các nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu nói riêng và Eurozone nói chung. Phần lớn các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế Đức sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, các mức thuế ô-tô của Mỹ và nguy cơ Brexit không thỏa thuận. Tác động kép này có thể chấm dứt một “thập kỷ tăng trưởng vàng” của nước Đức.

Diễn biến kinh tế có phần ảm đạm những tháng vừa qua cho thấy, “kịch bản” nêu trên đang trở thành hiện thực. Cơ quan thống kê Liên bang Đức (Destatis) vừa cho biết, trong tháng 6 vừa qua xuất khẩu của Đức sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, ảnh hưởng tăng trưởng trong quý II năm nay. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Đức đã giảm 8% xuống 106,1 tỷ ơ-rô so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Đức sang các nước ngoài EU giảm mạnh trong tháng 6 với mức 10,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nhập khẩu hàng hóa của Đức từ các nước ngoài EU cũng giảm tới 8,9%. Theo số liệu của Destatis, xuất khẩu chiếm gần một nửa giá trị nền kinh tế nước này và ô-tô là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức với doanh số bán hằng năm đạt 230 tỷ USD. Thị trường quan trọng nhất đối với xe hơi xuất khẩu của Đức năm 2018 là Mỹ, với kim ngạch đạt 27,2 tỷ ơ-rô. Tiếp đến là Trung Quốc với 24,7 tỷ ơ-rô và Anh 22,5 tỷ ơ-rô. Bởi vậy, một khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, quan hệ thương mại Mỹ - EU tiến triển xấu và Brexit đối mặt triển vọng không rõ ràng, thì nền kinh tế Đức sẽ chịu tác động tiêu cực.

Trong khi đó, các chỉ số kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế Đức cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường GfK, có trụ sở tại Đức, cho thấy niềm tin của người dân Đức về nền kinh tế cũng kém lạc quan trong tháng 7. Trong một cuộc khảo sát khác, Viện Nghiên cứu Ifo (Đức) cho biết, niềm tin của các doanh nghiệp nước này trong tháng 6-2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2014; chỉ số môi trường kinh doanh trong tháng 6 đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, còn 97,4 điểm. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này giảm trong quý II năm nay.

Tình hình tại một “đầu tàu kinh tế” khác của châu Âu là Pháp cũng không mấy khả quan. Cơ quan thống kê quốc gia Insee của Pháp vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế nước này trong quý II-2019. Theo đó, nền kinh tế thứ hai của EU tăng trưởng chậm hơn so với dự báo, chỉ đạt 0,2%. Theo Insee, mặc dù Tổng thống Pháp E.Macron từ tháng 4 đã công bố một số biện pháp nhằm xoa dịu lực lượng biểu tình “áo vàng” liên quan kế hoạch chi tiêu của chính phủ nước này, song chi tiêu của người dân Pháp cho hàng hóa và dịch vụ đều chững lại. Với thực tế đó, giới phân tích cho rằng Chính phủ Pháp khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 1,4% đã đề ra trong năm 2019.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2019 và năm tới. Theo đó, kinh tế Eurozone sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm 0,6% so với mức dự báo trước đó; năm 2020, nền kinh tế khu vực tăng trưởng 1,6% thay vì mức 1,7% được đưa ra trước đó.

Với tình hình khu vực và thế giới bất lợi như hiện nay; triển vọng các nền kinh tế Đức, Pháp ảm đạm, xem ra dự báo của ECB vẫn quá lạc quan và rất có thể ngân hàng này sẽ phải điều chỉnh chính sách tỷ giá cũng như các con số dự báo nêu trên trong thời gian tới.