Tín hiệu khả quan

Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng, các tín hiệu từ thị trường chứng khoán, thị trường lao động và lĩnh vực tiêu dùng cho thấy kinh tế Mỹ có triển vọng phục hồi khả quan, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) vừa nhận định, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi vào giữa năm 2021 và tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 4,6% trong năm nay.

CBO đưa ra nhận định rằng, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi từ đại dịch Covid-19 vào giữa năm 2021, sớm hơn so với dự đoán mà cơ quan này đưa ra trước đó, nhờ giai đoạn phục hồi ban đầu đã diễn ra sớm hơn và mạnh hơn dự báo. Trong dài hạn, CBO dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trung bình 1,6%/năm từ năm 2026 đến 2031. Dự báo lạc quan của CBO được đưa ra trong bối cảnh những tuần gần đây đã xuất hiện thêm các "gam mầu sáng" trên bức tranh kinh tế Mỹ. Thống kê cho thấy, các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng ba tháng gần đây. Tính riêng trong cả tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones tiến thêm 3,9%. Còn chỉ số Nasdaq và S&P 500 tăng lần lượt 6% và 4,7% so với tuần trước đó.

Trong khi đó, lĩnh vực tiêu dùng cũng được cải thiện và đáng chú ý là thị trường ô-tô Mỹ đang trở lại bình thường nhanh hơn dự kiến. Hai tên tuổi lớn sản xuất ô-tô là GM của Mỹ và Toyota của Nhật Bản vừa công bố doanh số bán xe tại Mỹ tăng vào cuối năm 2020, cho thấy nhu cầu thay đổi một cách đáng ngạc nhiên, nhờ đó giảm mức giảm doanh số bán cả năm do đại dịch. Thống kê cho thấy, doanh số bán của GM tại Mỹ tăng 4,8% trong quý IV-2020, lên 771.323 chiếc, vượt dự báo của các nhà phân tích. Với Toyota, doanh số bán của hãng trong quý IV-2020 tăng 9,4%, lên 660.715 chiếc. Báo cáo của sáu hãng ô-tô Nhật Bản cũng cho thấy, doanh số xe mới bán ra tại thị trường Mỹ đã phục hồi khi hoạt động kinh tế sôi động trở lại trong nửa cuối năm 2020. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) G.Pao-oen trong buổi tọa đàm trực tuyến do Đại học Princeton tổ chức, vừa dự báo rằng, sau khi "tai qua nạn khỏi" vì dịch bệnh, nước Mỹ nhiều khả năng sẽ chứng kiến làn sóng chi tiêu mạnh mẽ do người dân trở lại cuộc sống bình thường và "đổ tiền" vào một số dịch vụ. Tuy nhiên, ông khẳng định điều này không làm lạm phát tăng.

Giới phân tích cho rằng, một yếu tố quan trọng nữa làm bệ đỡ cho đà phục hồi của kinh tế Mỹ là các chính sách hỗ trợ của chính phủ đang được tăng cường. Ngày 5-2, Thượng viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn dự thảo ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống G.Bai-đơn và gói cứu trợ này được gửi trở lại Hạ viện Mỹ xem xét. Cùng với những chiếc "phao cứu sinh" từ các gói hỗ trợ, FED khẳng định sẽ duy trì lãi suất cho vay thấp để tăng lực cho đà phục hồi kinh tế Mỹ. Trong cuộc họp cuối tháng 1 vừa qua, FED khẳng định sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở gần 0% và cam kết tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ.

Với các tín hiệu kinh tế khả quan nêu trên, CBO nhận định thị trường lao động Mỹ cũng sẽ được cải thiện. Cơ quan này dự đoán, trung bình sẽ có 521 nghìn việc làm mới mỗi tháng trong năm nay và tốc độ này sẽ giảm xuống trong năm 2022. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024 thì hoạt động tuyển dụng mới phục hồi về mức như thời kỳ trước đại dịch.

Dù kinh tế Mỹ đã thấy các tín hiệu của "ánh sáng cuối đường hầm", hành trình phục hồi nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn hết sức gian nan. Giám đốc chi nhánh FED ở Phi-la-đen-phi-a mới đây cảnh báo rằng, kinh tế Mỹ có thể "rơi vào một đợt suy thoái sâu và tăng trưởng âm trong quý I-2021". Theo đó, mặc dù nhiều người vẫn đặt kỳ vọng việc "phủ sóng" vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ diễn ra nhanh chóng, song đại diện FED ở Phi-la-đen-phi-a lưu ý tốc độ tiêm chủng ở Mỹ cho đến nay vẫn gây thất vọng, khi chưa đến 5 triệu người (2% tổng số dân) nhận được liều vắc-xin đầu tiên. Bởi vậy, triển vọng phục hồi của nền kinh tế số một thế giới hiện vẫn không chắc chắn khi mà dịch bệnh vẫn làm ngưng trệ nhiều lĩnh vực kinh tế.

Như vậy, "sức khỏe" kinh tế Mỹ năm nay vẫn phụ thuộc lớn vào tốc độ triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 và nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2. Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn vẫn phải cùng lúc chú trọng thực hiện hai mục tiêu kép là chống dịch và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.