Tìm thế cân bằng

Thủ tướng I-rắc M.Ca-đi-mi vừa tới thăm I-ran, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, nhưng cũng nhằm xoa dịu những căng thẳng chính trị vốn là “tảng băng chìm” trong quan hệ hai nước, trong bối cảnh I-rắc đang có nguy cơ trở thành chiến trường cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và I-ran.

Cùng đi với Thủ tướng I-rắc trong chuyến thăm I-ran có các bộ trưởng ngoại giao, tài chính, y tế, kế hoạch và cố vấn an ninh quốc gia, nhằm thúc đẩy nỗ lực của hai bên muốn nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD/năm. Hai nước quyết tâm thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, trong đó có tuyến đường sắt kết nối Sa-lam-che (I-ran) với thành phố Ba-xra (I-rắc). Thủ tướng I-rắc M.Ca-đi-mi cho rằng, I-rắc và I-ran cần hợp tác và phối hợp đối phó nhiều thách thức, nhất là sự lây lan của đại dịch Covid-19 hay sự sụt giảm của giá dầu thô, khi cả hai nước đều hứng chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh bùng phát mạnh và giá dầu lao dốc. Theo ông Ca-đi-mi, I-rắc đã trở thành một thị trường lớn đối với các sản phẩm của I-ran và I-rắc sẽ giúp I-ran vượt qua những thách thức về kinh tế vốn bị thiệt hại nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Một trong những mục tiêu chính của chuyến thăm I-ran lần đầu này của Thủ tướng Ca-đi-mi là khẳng định vai trò tích cực và cân bằng của I-rắc trong quá trình xây dựng hòa bình và tiến bộ, tăng cường tiềm năng của I-rắc với vai trò là nhà trung gian hòa giải tại khu vực. Thủ tướng Ca-đi-mi hiện đang chịu sức ép ngày càng gia tăng từ các đảng và nhóm bán quân sự liên kết với I-ran ở trong nước, khi ông bị coi là ngả về phía Mỹ. Lúc mới nhậm chức, ông Ca-đi-mi đã tuyên bố muốn kiềm chế sức mạnh của các nhóm dân quân và chính trị được I-ran hậu thuẫn. Bởi thế, chuyến thăm I-ran của ông Ca-đi-mi được cho là một hành động nhằm đem lại thế cân bằng trong quan hệ giữa I-rắc với I-ran và Mỹ, hai quốc gia đối đầu và gần như rơi vào cuộc xung đột ở ngay trên lãnh thổ I-rắc. Gần đây, thường xuyên xảy ra những vụ tiến công do các nhóm dân quân thân I-ran tiến hành nhằm vào căn cứ của quân đội Mỹ và đồng minh ở I-rắc để trả đũa cho vụ không kích của Mỹ ở gần sân bay quốc tế Bát-đa khiến một tướng quân đội I-ran chết hồi đầu năm nay.

Nhằm trấn an những lo ngại từ Tê-hê-ran, trong chuyến thăm I-ran lần này, Thủ tướng Ca-đi-mi tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ mối đe dọa nào đến với I-ran từ lãnh thổ I-rắc. Ðây cũng chính là lời cam kết về việc I-rắc không trở thành chiến trường cho các cuộc tiến công trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và I-ran. Tại hội nghị được truyền hình trực tiếp từ I-ran, nhà lãnh đạo I-rắc khẳng định, người dân I-rắc muốn có quan hệ tốt với nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Ông Ca-đi-mi gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ và giúp đỡ của I-ran dành cho nhân dân I-rắc trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Ðáp lại thiện ý của Thủ tướng I-rắc, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni khẳng định, chuyến thăm của ông Ca-đi-mi là bước ngoặt trong quan hệ hai nước, đồng thời cho biết Tê-hê-ran sẵn sàng hợp tác với Bát-đa vì hòa bình và ổn định của I-rắc cũng như khu vực. Theo Tổng thống H.Ru-ha-ni, I-ran sẽ sát cánh bên nhân dân I-rắc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết về thuốc men và vật tư y tế.

Chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ I-rắc tới I-ran diễn ra trong bối cảnh I-rắc "đứng giữa đôi dòng" trong quan hệ với I-ran và Mỹ. Trong khi đó, Bát-đa cũng muốn thoát khỏi "chiếc ô an ninh" của Mỹ sau khi I-rắc tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc chiến chống IS. Trung tuần tháng 6 vừa qua, Mỹ và I-rắc đã tiến hành cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ qua, vài tháng sau khi Quốc hội I-rắc thông qua nghị quyết yêu cầu tất cả binh sĩ nước ngoài rời khỏi lãnh thổ nước này. Tại cuộc đối thoại, Oa-sinh-tơn cam kết tiếp tục cắt giảm lực lượng tại I-rắc và khẳng định không tìm kiếm sự hiện diện quân sự thường trực tại quốc gia Trung Ðông này. Ðổi lại, chính quyền I-rắc cam kết bảo vệ các lực lượng liên quân quốc tế và các căn cứ của họ, trong bối cảnh lợi ích của Mỹ tại I-rắc đã trở thành mục tiêu của hàng chục vụ tiến công bằng tên lửa mà Oa-sinh-tơn cáo buộc do lực lượng vũ trang ở I-rắc được I-ran hậu thuẫn thực hiện.

Sau khi giá dầu thế giới giảm xuống mức kỷ lục, nền kinh tế I-ran và I-rắc đều chịu thiệt hại nặng nề. I-rắc rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản, nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, trong khi tiếp tục đối mặt mối đe dọa an ninh. "Cái bắt tay" của Thủ tướng
Ca-đi-mi với các nhà lãnh đạo I-ran sẽ giúp I-rắc cân bằng hơn trong mối quan hệ với nước láng giềng, qua đó giúp Bát-đa vừa củng cố vị thế là một nhà trung gian tiềm năng, vừa tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, góp phần đưa đất nước vượt qua gian đoạn đầy khó khăn và thử thách hiện nay.