Tiến thoái lưỡng nan

Ðại dịch Covid-19 đang tạo ra những thách thức chưa từng có với nền kinh tế Mỹ và “thổi bay” các thành quả mà Tổng thống D.Trump dày công tạo dựng kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Chống dịch và “bật công tắc” tái khởi động nền kinh tế đang trở thành bài toán khó của nước Mỹ lúc này khi việc nới lỏng kiểm soát có thể khiến đại dịch diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn.

Nước Mỹ đang đối mặt với làn sóng phá sản khi các doanh nghiệp ngày càng “ngấm đòn” từ đại dịch. Người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) J.Powell vừa cảnh báo làn sóng phá sản của doanh nghiệp có thể khiến kinh tế Mỹ thiệt hại lâu dài. Bất chấp các biện pháp hỗ trợ tài chính của chính phủ, hàng loạt các hãng hàng không, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, các công ty dầu mỏ và doanh nghiệp Mỹ vẫn ngập chìm trong khó khăn và không ít doanh nghiệp đã bên bờ vực phá sản. Giới chuyên gia cho rằng, ngay cả gói chi tiêu gần 3.000 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các ngành công nghiệp lớn và người lao động, cũng chỉ có khả năng “trì hoãn” làn sóng này.

Ðại dịch cũng thổi bay các thành tựu tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm của chính quyền Mỹ trong mấy năm qua. Thống kê cho thấy, trong tháng 4-2020, đã có 20,5 triệu người tại Mỹ mất việc làm, mức cao chưa từng có trong khoảng gần một thế kỷ vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng rất nhanh từ mức 3,5% hồi tháng 2 lên mức 14,7% vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, tờ New York Times vừa dẫn nhận định của các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ vẫn tăng cao ít nhất cho tới hết năm 2021 và thậm chí còn lâu hơn nữa. Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục lún sâu hơn vào suy thoái và phải mất 5 năm mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Trong bối cảnh nêu trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin tuyên bố chính quyền Mỹ đã sẵn sàng chi thêm tiền trong tương lai để hỗ trợ nền kinh tế. FED cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế là cần thiết. FED đang xúc tiến cung cấp các khoản vay cho các công ty, bơm tiền vào hệ thống tài chính và nới lỏng quy định cho vay đối với các ngân hàng. Cùng với “tăng lực” cho nền kinh tế bằng các biện pháp tài chính, giới chức Mỹ cũng lên tiếng trấn an dư luận về triển vọng tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Theo người đứng đầu FED, sự phục hồi kinh tế Mỹ hậu đại dịch có thể diễn ra chậm hơn so với mong muốn, song “tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần và nền kinh tế sẽ hồi sinh đáng kể” một khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tổng thống Mỹ D.Trump gần đây đã kêu gọi chính quyền địa phương mở cửa trở lại nền kinh tế và không ít nhà lãnh đạo và người dân Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, việc sớm mở cửa kinh tế trong bối cảnh số ca nhiễm và người chết do Covid-19 vẫn tiếp tục tăng có thể sẽ là “dao hai lưỡi” vô cùng nguy hiểm. Khi Covid-19 vẫn đang tiếp tục lây lan tại các bang, việc “bật công tắc” tái khởi động để đưa nền kinh tế vào trạng thái “bình thường mới” có thể khiến nước Mỹ đối mặt với nguy cơ gia tăng trở lại các ca nhiễm bệnh mới cũng như các ca tử vong.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc tái khởi động nền kinh tế vội vã chưa chắc đã bảo đảm cứu được các doanh nghiệp và nền kinh tế như kỳ vọng. Khi đại dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn, thì dù tái khởi động kinh tế, hoạt động tiêu dùng sẽ vẫn yếu do người dân chưa thể mua sắm nhộn nhịp trở lại trên thị trường như trước đây. Mặt khác, với các doanh nghiệp, xu hướng tiêu dùng khó đoán định sau đại dịch khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định lộ trình quay trở lại hoạt động. Một số doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại rằng, công ty của họ không thể xây dựng mô hình kinh doanh chỉ dựa vào niềm tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong vòng sáu tháng tới.

Tuần trước, ông chủ Nhà trắng D.Trump đã lên tiếng khích lệ rằng việc làm sẽ trở lại sớm và năm tới nước Mỹ sẽ có một năm ấn tượng với kinh tế phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V. Tuy nhiên, trên thực tế nước Mỹ vẫn đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan” và ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch nếu kéo dài thì khả năng phục hồi kinh tế theo hình chữ V sẽ càng khó khăn hơn.