Thông điệp ủng hộ thương mại đa phương

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đặt mục tiêu ký kết cuối năm nay, gửi đi thông điệp ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam được hoan nghênh về nỗ lực chủ động, tích cực thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết dự án lớn của khu vực, do ASEAN dẫn dắt.

Được ASEAN khởi xướng từ tháng 11-2012, RCEP là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa 16 quốc gia, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng sáu đối tác là Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Mục tiêu là thiết lập nền tảng hợp tác kinh tế sâu rộng và tạo ra một thị trường gồm 3,5 tỷ người tiêu dùng, tương đương 45% dân số thế giới; GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, bằng khoảng 30% GDP toàn cầu. Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản..., RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, khơi thông các chuỗi giá trị và thương mại khu vực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN và đối tác.

Tháng 5-2013, đàm phán RCEP được khởi động, với dự định ban đầu hoàn tất và ký kết hiệp định trước năm 2015. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán gặp khó khăn, lý do chủ yếu là một số thành viên chưa có các FTA song phương. Đến tháng 11-2019, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái-lan, các nước tham gia RCEP đạt bước đột phá quan trọng và tuyên bố cơ bản hoàn tất đàm phán. Tuy nhiên, vào phút chót, Ấn Độ quyết định rút khỏi RCEP, vì quan ngại một số điều khoản không có lợi và thiếu công bằng với nền kinh tế Ấn Độ. 15 thành viên còn lại tuyên bố “để ngỏ cánh cửa” với Niu Đê-li, đồng thời ấn định thời hạn ký văn kiện cuối cùng vào cuối năm 2020.

Thiếu sự tham gia của một nền kinh tế lớn trong khu vực, song các thành viên duy trì mục tiêu biến RCEP thành một FTA thế hệ mới, chất lượng cao và là hình mẫu được thiết kế cho thương mại quốc tế trong thế kỷ 21. Theo đánh giá chung, RCEP đóng vai trò như “người thiết lập tiêu chuẩn thương mại khu vực”, bởi các quy tắc theo hiệp định có thể trở thành chuẩn mực và tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại ở khu vực trong tương lai. Thực tế, RCEP có cơ chế mở, để ngỏ cơ hội tham gia cho mọi đối tác trên toàn cầu.

RCEP còn được đánh giá như một lực đẩy quan trọng và đúng lúc cho chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu đang trì trệ. Tranh chấp thương mại, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế lớn gia tăng và xu hướng bảo hộ trở lại đang làm lung lay tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế. Nếu được ký kết đúng kế hoạch cuối năm nay, RCEP gửi đi thông điệp ủng hộ hệ thống đa phương, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tạo “cú huých” cho thương mại toàn cầu. Khi thế giới đang vật lộn chống chọi đại dịch Covid-19, vốn khiến kinh tế và thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, RCEP đi vào cuộc sống sẽ góp phần vào các nỗ lực chung khôi phục hoạt động kinh tế và thích nghi “tình trạng bình thường mới” sau Covid-19.

Giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội, Việt Nam cùng các nước thành viên lựa chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm ASEAN 2020, phù hợp mục tiêu tăng cường hội nhập khu vực và tạo môi trường gắn kết hơn trong ASEAN để thích ứng bối cảnh mới của thời kỳ công nghiệp 4.0. Trong đó, ký kết RCEP là một mục tiêu ưu tiên của Việt Nam trên cương vị điều hành các hoạt động của Hiệp hội. Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt, xử lý các vấn đề vướng mắc giữa các bên, đồng thời bảo đảm lợi ích quốc gia. Các nước đánh giá cao năng lực và sự linh hoạt của Việt Nam trong việc phối hợp các bên thúc đẩy kết thúc đàm phán, hoàn tất rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết RCEP đúng kế hoạch.

Cùng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và với RCEP sắp được ký kết, châu Á sẽ có hai FTA lớn làm cơ sở cho sự hội tụ có trật tự của thương mại khu vực, cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn diện hơn. Khi một số chính sách bảo hộ đang làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu, thì một dự án do ASEAN dẫn dắt là RCEP sẽ góp phần củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội, đặt nền tảng hình thành một FTA lớn hơn, tiến tới một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện hơn, bao trùm cả khu vực rộng lớn là châu Á - Thái Bình Dương.