Thông điệp đoàn kết

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét cảnh báo, tình trạng Trái đất ấm lên đang ở mức báo động, và đại dịch Covid-19 hoành hành càng làm rõ hơn thách thức từ biến đổi khí hậu. Trong cuộc chiến không kém phần cam go nhằm ngăn chặn những thảm họa thiên nhiên, thế giới không còn lựa chọn nào khác là phải đoàn kết.

Cảnh báo của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh được đưa ra trong bối cảnh thế giới chưa đi đúng lộ trình để kiềm chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC tới cuối thế kỷ này. Giới khoa học cho rằng, nhiệt độ tăng dưới mức này sẽ giúp nhiều diện tích bề mặt Trái đất tránh được viễn cảnh "không thể sống nổi" vì tác động của tình trạng khí hậu ấm lên. Các dữ liệu gần đây cho thấy, nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã lên tới mức kỷ lục, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng nghiêm trọng hơn. Các vụ cháy rừng, bão lớn, hạn hán và lũ lụt xảy ra với sức tàn phá nghiêm trọng chưa từng có. "Cơn giận" của thiên nhiên trút xuống khiến nhân loại hứng chịu những hậu quả thảm khốc. Nguy cơ mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế trực chờ.

Thế giới đang gồng mình chống đại dịch, các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu dễ bị xao lãng. Ðại dịch khiến các hoạt động kinh tế trì trệ, song không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng, trái lại, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã nhanh chóng trở lại mức cao. Tại phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ kỳ họp thứ 75 Ðại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét đã nhấn mạnh về chủ nghĩa đa phương trong đối phó các thách thức chung của toàn cầu, nổi bật là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông cảnh báo nếu thế giới không đoàn kết, những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Tổng Thư ký LHQ hối thúc thế giới cần hành động ngay với "nhiệm vụ kép" là phục hồi bền vững sau đại dịch và ứng phó biến đổi khí hậu. Sáu nhóm hành động được người đứng đầu LHQ gợi ý, gồm tạo việc làm và các ngành nghề xanh; không thỏa hiệp với các ngành gây ô nhiễm; chấm dứt hỗ trợ các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch; cân nhắc cẩn trọng các nguy cơ đối với khí hậu trong hoạch định chính sách; đưa ra các quyết định và cùng nhau hợp tác để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Biến đổi khí hậu là vấn đề nóng với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Mỹ, gần 40 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ gửi thư tới Ủy ban về tranh luận Tổng thống (CPD) kêu gọi các cuộc tranh luận của ứng cử viên tổng thống tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khi đó, hàng trăm công ty lớn trên thế giới bày tỏ ủng hộ những lời kêu gọi được đưa ra ngày càng nhiều nhằm hối thúc các chính phủ hành động nhiều hơn để đảo ngược tình trạng tàn phá môi trường tự nhiên, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Hơn 560 công ty đã ký vào một tuyên bố kêu gọi các chính phủ tăng cường hành động trong thập niên tới, trong bối cảnh cuối tháng này LHQ tổ chức một hội nghị cấp cao về đa dạng sinh học, nhằm hướng tới xây dựng một hiệp ước toàn cầu để ngăn chặn các mối đe dọa đối với thiên nhiên.

Không tiếng súng, song cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng vô cùng gian khổ. Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu (25-9) năm nay nhấn mạnh thông điệp đoàn kết trên toàn thế giới. Hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường tập trung vào việc thúc đẩy cam kết thực chất nhằm hỗ trợ những đối tượng và khu vực dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, trong bối cảnh các cam kết trong Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu ký năm 2015 vẫn bị xem là chưa đủ mạnh để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Năm nay, thế giới kỷ niệm 5 năm ký Thỏa thuận Pa-ri, qua việc LHQ và Anh sẽ đồng tổ chức một hội nghị cấp cao về khí hậu toàn cầu vào tháng 12 tới. Ðây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới, đại diện khu vực tư nhân và các tổ chức cùng hành động nhằm tháo gỡ thách thức, hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri.