"Thời điểm vàng" mở cánh cửa hợp tác

Hội nghị cấp cao Nga - châu Phi lần thứ nhất vừa diễn ra tại thành phố Xô-tri ở miền nam nước Nga. Sự kiện được Tổng thống Nga đánh giá là "cột mốc và chưa từng có tiền lệ" này thu hút đông đảo lãnh đạo các nước châu Phi tham dự, đem về hàng loạt thỏa thuận quan trọng, góp phần mở ra trang mới trong mối quan hệ hợp tác đầy tiềm năng giữa hai bên.

Với sự hiện diện của 43 tổng thống và thủ tướng, 11 phó tổng thống, bộ trưởng ngoại giao và đại sứ, đại diện tám liên minh và tổ chức đến từ châu Phi, đây là hội nghị cấp cao lần đầu có sự hội tụ đầy đủ nhất của các nhà lãnh đạo châu Phi tại Nga. Dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga V.Pu-tin và người đồng cấp Ai Cập, nước đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), hội nghị đã tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề hợp tác quan trọng như kinh tế, thương mại, năng lượng, quốc phòng. Diễn đàn Kinh tế Nga - châu Phi diễn ra bên lề hội nghị thu hút sự tham dự của khoảng 10 nghìn đại biểu, đại diện các doanh nghiệp công nghiệp, luyện kim, thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, nông nghiệp, tài chính, bảo hiểm, viễn thông và hạ tầng... Ðây có thể được coi là diễn đàn lớn nhất của Nga và châu Phi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp hai bên, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác mới cho tương lai.

Tổng thống nước chủ nhà V.Pu-tin dành sự coi trọng đặc biệt đối với Hội nghị cấp cao Nga - châu Phi lần thứ nhất. Ông đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đưa hội nghị trở thành xuất phát điểm xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng trên cơ sở cùng có lợi. Với cách tiếp cận thẳng thắn, Tổng thống Nga nhấn mạnh, Mát-xcơ-va mong muốn phát triển và củng cố quan hệ cùng có lợi, bình đẳng với các nước châu Phi chứ không mưu cầu ảnh hưởng chính trị. Ông khẳng định, Nga sẵn sàng cạnh tranh văn minh, hợp pháp trong hợp tác với châu Phi và không đòi hỏi trao đổi các điều kiện chính trị hay các điều kiện "đặc biệt" khác. Nga cũng không áp đặt lập trường của mình mà tôn trọng nguyên tắc "các vấn đề châu Phi phải do chính châu lục này giải quyết".

Trong cuộc đua của các cường quốc thế giới đến châu Phi, Nga có cách tiếp cận riêng. Nhằm tăng cường sự hiện diện của Nga tại châu lục này, Tổng thống V.Pu-tin cam kết ủng hộ các doanh nghiệp Nga kinh doanh với đối tác châu Phi. Ông khẳng định khu vực này đang trở thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2050, GDP của châu Phi sẽ đạt 29 nghìn tỷ USD. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, các nước châu Phi hiện đang gia tăng vị thế chính trị và kinh tế như một cực trong thế giới đa cực. Tổng thống V.Pu-tin cũng cam kết sẽ tiếp tục đóng góp cho những nỗ lực nhằm góp phần củng cố hòa bình và ổn định tại châu lục này. Trong hợp tác an ninh, Nga ngày càng chứng tỏ chiếm được niềm tin của các nước châu Phi. Người đứng đầu Ban thư ký thường trực tổ chức G5 Xa-hen tuyên bố, năm nước châu Phi khu vực Xa-hen mong muốn triển khai các cố vấn quân sự Nga trên lãnh thổ của mình. Khu vực này không có khả năng tự đối phó mối đe dọa khủng bố, do đó, sự hỗ trợ tiềm tàng của Nga được các nước Xa-hen cân nhắc, bất chấp việc Pháp cùng các nước châu Âu đã và đang tiếp tục hỗ trợ G5 Xa-hen trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết tại Xô-tri sẽ là khởi đầu quan trọng để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Nga tiếp cận thị trường châu Phi cũng như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại đây. Cụ thể, Nga và Ê-ti-ô-pi-a ký thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Tập đoàn dầu mỏ Lukoil của Nga ký một loạt thỏa thuận với các nước châu Phi về các dự án mới, trong đó có dự án chế biến dầu mỏ. Nga ký thoả thuận cung cấp cho Ai Cập 1.300 toa tàu chở khách trị giá hơn một tỷ ơ-rô. Nhiều công ty của Nga cũng đạt thỏa thuận triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Ni-giê-ri-a... Với hàng loạt thỏa thuận được ký kết, việc Tổng thống Nga V.Pu-tin kêu gọi tăng gấp đôi kim ngạch thương mại với các đối tác châu Phi trong khoảng bốn đến 5 năm tới không phải là quá tham vọng. Tính từ năm 2010, kim ngạch hàng hóa giữa Nga và châu Phi đã tăng gần gấp đôi, đạt 20,4 tỷ USD năm 2018.

Thay mặt AU và các nhà lãnh đạo châu Phi, Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi đã kêu gọi các doanh nghiệp Nga và quốc tế tăng cường đầu tư vào châu Phi, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm "lý tưởng" để mở rộng các hoạt động kinh tế tại châu lục này. Các nước châu Phi mong đợi những đóng góp từ phía Nga với hy vọng hội nghị Xô-tri sẽ đem lại những triển vọng tương lai cho quan hệ giữa hai bên.

Trong bối cảnh Nga đang bị các nước phương Tây áp đặt chính sách "bao vây, cấm vận", Mát-xcơ-va đã biết cách vượt lên những khó khăn và trở ngại, thực hiện một cách ngoạn mục bước đi đột phá "mở vòng vây" bằng chiến lược hợp tác mới với châu Phi, châu lục giàu tài nguyên và tiềm năng. Ðây cũng được coi là "thời điểm vàng" đối với cả Nga và châu Phi để hai bên mở rộng cánh cửa hợp tác.