Bình luận quốc tế

Thỏa thuận trong tầm tay

Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cuối tuần qua vừa khẳng định thời điểm Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã "rất cận kề". Tuy nhiên, dù thỏa thuận đã ở "trong tầm tay", giới phân tích vẫn nhận định hai bên không dễ đạt thỏa thuận giai đoạn hai trong tương lai gần.

Hôm 21-12, phát biểu ý kiến tại bang Phlo-ri-đa, ông Trăm cho biết các quan chức hai nước vừa đạt được bước đột phá trong thỏa thuận thương mại và sẽ đặt bút ký trong thời gian rất ngắn. Trước đó, Tổng thống Trăm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có cuộc điện đàm thảo luận về thương mại và quan hệ song phương. Truyền thông hai nước tiết lộ rằng, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh hai bên đã có một cuộc thảo luận rất tốt, Trung Quốc bắt đầu thu mua trên quy mô lớn nông sản Mỹ và việc ký một thỏa thuận chính thức đang được sắp xếp. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn một mang lại lợi ích cho cả Mỹ, Trung Quốc và là "điều tốt đẹp cho cả thế giới", đồng thời nhấn mạnh hai bên sẽ nỗ lực hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra gay gắt suốt hơn một năm qua. Sau nhiều vòng đàm phán bất thành, trong hơn hai tháng qua, Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn đã gia tăng nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, Mỹ sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15-12, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã được áp vào hàng hóa của Bắc Kinh. Ðổi lại, Trung Quốc quyết định hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 15-12, đồng thời tăng cường nhập khẩu lúa mì và ngô của Oa-sinh-tơn. Báo chí Mỹ dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ X.Mnu-chin cuối tuần qua cho biết, thỏa thuận đã được hoàn tất và đang trải qua quá trình chỉnh sửa kỹ thuật để hai bên có thể ký vào đầu tháng 1-2020.

Việc thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn đã ở trong tầm tay được xem là một tín hiệu vui với kinh tế Mỹ, Trung Quốc cũng như kinh tế toàn cầu, bởi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở thành rào cản với tăng trưởng của cả hai nước, cũng như phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019 và cả năm 2020. Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố cho thấy kinh tế thế giới đã suy yếu trong năm qua chủ yếu do tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo sẽ giảm mạnh từ mức 3,8% trong năm 2018 xuống còn hơn 3% năm 2019. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới 2019 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc công bố đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một nêu trên, "sắc xanh" đã trở lại trên hầu hết các thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, dù thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đã gần đến đích, đây mới chỉ là một chặng đường ngắn trong tiến trình "bình thường hóa" quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn. Hiện tại, giới phân tích vẫn không mấy lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn hai. Hãng tin Roi-tơ vừa nhận định rằng, thỏa thuận giai đoạn hai sẽ đối mặt nhiều chướng ngại vật. Việc Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020, những khó khăn trong việc hoàn tất thỏa thuận giai đoạn một, cùng với việc Nhà trắng do dự trong hợp tác với các nước khác nhằm gây sức ép với Bắc Kinh, đang làm tiêu tan những hy vọng về "bất kỳ điều gì tham vọng hơn" trong tương lai gần. Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc cũng không có ý định ngồi vào bàn đàm phán về thỏa thuận thương mại giai đoạn hai trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng, vấn đề lớn khó giải quyết là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc không đơn thuần là xuất phát từ lợi ích thương mại, mà là từ cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do vậy, hai bên rất khó giải quyết bằng một thỏa thuận giai đoạn hai.

Với thực tế nêu trên, thì dù thỏa thuận thương mại giai đoạn một sắp được ký trong tháng 1 tới, thỏa thuận giai đoạn hai cũng như việc chấm dứt hoàn toàn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn còn ở rất xa tầm tay của cả hai nước.