Thỏa thuận gây hoài nghi

Sau quá trình thương lượng khó khăn, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã nhất trí thành lập trung tâm tác chiến chung để giám sát việc thiết lập cái gọi là “vùng an toàn” ở miền bắc Syria. Giúp tạm thời làm dịu căng thẳng giữa hai nước đồng minh vì bất đồng trong vấn đề Syria, song thỏa thuận mà Ankara và Washington vừa đạt được lại vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Damacus, vì vi phạm chủ quyền quốc gia của Syria.

Giới chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thảo luận việc thiết lập “vùng an toàn” ở đông-bắc Syria trong bối cảnh Ankara lo ngại trước việc các lực lượng người Cuốc ở Syria, được Washington hậu thuẫn, kiểm soát khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề nghị Washington ngừng hỗ trợ lực lượng người Cuốc, bởi Ankara đã liệt lực lượng này vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, giữa hai bên còn nhiều bất đồng. Sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, câu hỏi về “số phận” của cộng đồng người Cuốc vẫn bị bỏ ngỏ.

Trong nỗ lực gây sức ép đối với Mỹ về vấn đề người Cuốc ở Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan gần đây tuyên bố, Ankara đã sẵn sàng loại bỏ mối đe dọa từ nhóm Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) ở miền bắc Syria. Cảnh báo về sự kiên nhẫn “đang dần cạn kiệt”, Ankara tuyên bố thực hiện các bước tiếp theo trong kế hoạch quân sự mới nhằm vào YPG. Theo Tổng thống T.Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải “trả giá nhiều hơn” nếu không có biện pháp an ninh cần thiết tại miền bắc Syria; và việc tiêu diệt khủng bố tại đây là ưu tiên hàng đầu của Ankara. Tổng thống T.Erdogan cũng nhắc nhở Mỹ nên có các bước đi với tư cách là đồng minh trong NATO và là đối tác chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, dù tuyên bố rút quân khỏi Syria, song Mỹ không muốn bị mang tiếng “bỏ rơi” lực lượng từng được Washington coi là “đối tác hiệu quả” trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Lầu năm góc cũng cần sự hợp tác của YPG để kiểm soát các vùng lãnh thổ ở đông-bắc Syria dưới danh nghĩa chống khủng bố. Thông qua việc đạt thỏa thuận về thiết lập một “vùng an toàn” ở miền bắc Syria, Mỹ hy vọng có thể thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hoạt động quân sự nhằm vào YPG. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng về phạm vi “vùng an toàn”, cũng như về người chỉ huy các lực lượng tuần tra tại khu vực này.

Theo kết quả vòng đàm phán mới nhất, khu vực an toàn mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thiết lập tại phía bắc Syria sẽ tạo “hành lang hòa bình” dành cho người Syria trở về quê hương. Trung tâm hoạt động chung được thành lập với chức năng điều phối và quản lý việc thiết lập “vùng an toàn” và xúc tiến các biện pháp nhằm giải tỏa lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề an ninh.

Tuy nhiên, thỏa thuận vừa đạt được đã bị chính quyền Syria kịch liệt phản đối, với cáo buộc Washington và Ankara “bắt tay nhau” trong một “ván cờ mới” ở quốc gia Trung Đông này. Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố coi việc thiết lập cái gọi là “vùng an toàn” ở miền bắc nước này là xâm phạm chủ quyền quốc gia và thống nhất lãnh thổ của Syria, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Ankara và Washington cho ra đời một trung tâm tác chiến chung để quản lý một dải lãnh thổ của Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được coi như động thái khiêu khích Damacus, khiến căng thẳng leo thang nguy hiểm, đe dọa hòa bình và ổn định của cả khu vực. Chính quyền Damacus cũng cho rằng, người Cuốc ở Syria sẽ phải chịu “trách nhiệm lịch sử” vì chấp nhận trở thành “công cụ” trong dự án của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thắng lợi trên thực địa của quân đội chính phủ đang đem lại lợi thế trên bàn đàm phán cho chính quyền Damacus. Một lộ trình hòa bình Syria đang được xúc tiến dưới sự bảo trợ của Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ. Damacus từng chấp thuận một lệnh ngừng bắn ở tỉnh Ít-líp phía tây-bắc, có chung biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Song, kèm theo đó là điều kiện thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria phải được thực hiện.

Trong khi các vùng giảm căng thẳng còn chưa đạt hiệu quả, thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về “vùng an toàn” mới ở miền bắc Syria, giáp Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra không ít hoài nghi, có thể kéo theo diễn biến phức tạp, đe dọa phá hủy những nỗ lực tìm một giải pháp toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông.