Thế giới đối mặt "đại dịch kép"

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với một "đại dịch đói" diễn ra cùng lúc với đại dịch Covid-19. Thiên tai nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao và tác động từ đại dịch Covid-19 khiến cảnh báo nêu trên có thể trở thành hiện thực trong năm 2021.

Người đứng đầu WFP Ð.Bi-xli cho biết, thậm chí ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát, 135 triệu người trên thế giới đã đứng trước nguy cơ thiếu ăn. Con số này có thể tăng lên 270 triệu người chỉ trong vài tháng tới. Hiện nay, cảnh báo của ông Ð.Bi-xli đang thành hiện thực khi một loạt nước, trong đó có Buốc-ki-na Pha-xô, Ni-giê-ri-a, Nam Xu-đăng và Y-ê-men phải đối mặt với nạn đói, trong khi tác động của dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều nơi làm gia tăng số người thất nghiệp, thiếu ăn.

Nguyên nhân của tình trạng "giặc đói" hoành hành là do những thảm họa chưa từng có tiền lệ từ các vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) hay nạn châu chấu tại Ê-ti-ô-pi-a năm 2020. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và làm chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói kém. Giới phân tích lo ngại rằng, tình hình có thể còn tồi tệ hơn khi dịch Covid-19 và hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ làm trầm trọng hơn các nguy cơ liên quan xung đột và đói nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, vừa qua, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người từ khắp các châu lục mất việc làm và lần đầu tiên phải sống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm miễn phí. Trong khi đó, tổ chức Oxfam cho biết, có tới hơn 50 triệu người ở Ðông và Trung Phi đã đề nghị cứu trợ lương thực khẩn cấp. Con số nêu trên dự kiến sẽ tiếp tục tăng do khu vực này còn phải chịu hạn hán nghiêm trọng liên quan hiệu ứng La Ni-na và nạn châu chấu.

Nạn đói có nguy cơ gia tăng còn do giá lương thực đã và đang tăng phi mã gần đây. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) vừa cho biết, chỉ số giá lương thực tăng 3,1% trong năm 2020. Tính riêng trong tháng 12-2020, chỉ số giá lương thực tăng 2,2% so với tháng trước đó, do giá dầu thực vật, thịt và ngũ cốc tăng vọt. Trong bối cảnh có thêm hàng chục triệu người rơi vào khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19 và nguy cơ nạn đói quay trở lại, Liên hợp quốc trong báo cáo tổng quan về viện trợ nhân đạo toàn cầu hằng năm cho biết, tính đến cuối năm 2020, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu tăng lên tới 270 triệu, tăng 82% so với mức trước khi xảy ra đại dịch. Theo báo cáo, ước tính có khoảng 235 triệu người trên thế giới cần viện trợ khẩn cấp trong năm 2021, tăng 40% so với năm 2020. Báo cáo của Liên hợp quốc nhận định, thế giới cần 35 tỷ USD cho các chương trình viện trợ trong năm 2021. Tuy nhiên, số tiền này mới chỉ đủ để trợ giúp 160 triệu người bị tổn thương lớn nhất tại 56 quốc gia trên thế giới.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp vừa tổ chức ở Béc-lin (Ðức) theo hình thức trực tuyến, Tổng Giám đốc FAO khẳng định rằng cần tăng cường an ninh nông nghiệp và lương thực trên toàn thế giới. Theo đó, FAO sẵn sàng hỗ trợ mọi nỗ lực trên toàn cầu nhằm cải thiện tính bền vững của ngành nông nghiệp và hệ thống cung cấp lương thực-thực phẩm. Hội nghị đã đề cập đến một loạt các chương trình do FAO tài trợ có thể thúc đẩy quá trình này, bao gồm chương trình phục hồi và ứng phó Covid-19 và sáng kiến "tay trong tay" nhằm đẩy nhanh chuyển đổi nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.

Tuy nhiên, những nỗ lực của FAO là chưa đủ để đẩy lùi "đại dịch đói" trên toàn cầu. Thực tế đang đòi hỏi các chính phủ phải sớm quan tâm vấn đề này và có các chương trình khẩn cấp hỗ trợ lương thực, tạo việc làm, tăng cường sản xuất lương thực… song song với thực hiện "mục tiêu kép" về chống Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế.