Thế đối đầu dai dẳng

Quan hệ Mỹ - I-ran trong những ngày gần đây đang có những dấu hiệu leo thang căng thẳng sau khi Oa-sinh-tơn ráo riết tìm kiếm sự ủng hộ đối với đề xuất trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đòi gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời siết chặt các biện pháp trừng phạt chống Tê-hê-ran. Đáp lại động thái này, I-ran tìm cách “lách luật” nhằm cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ sụp đổ, sẵn sàng đối phó ngay cả khi xảy ra “kịch bản xấu” là Eo biển Hoóc-mút chiến lược bị phong tỏa.

Dự thảo nghị quyết của Mỹ trình HĐBA LHQ lên án các vụ tiến công A-rập Xê-út hồi tháng 9-2019 mà Oa-sinh-tơn cáo buộc I-ran đứng sau. Mặt khác, động thái này còn là nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran. Nó diễn ra trong bối cảnh lệnh cấm vận vũ khí đối với Tê-hê-ran, được áp đặt như một phần trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký giữa các cường quốc với I-ran năm 2015, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.

Đây là một phần trong chiến dịch gia tăng sức ép tối đa của Mỹ đối với I-ran. Phản đối việc I-ran đưa tàu chở dầu và lương thực tới Vê-nê-xu-ê-la khi cho rằng hành động này vi phạm lệnh cấm và đe dọa an ninh khu vực, tàu hải quân Mỹ đã áp sát bờ biển Vê-nê-xu-ê-la khi tàu I-ran cập cảng quốc gia Nam Mỹ. Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với năm thuyền trưởng của các tàu I-ran chở dầu đến Vê-nê-xu-ê-la. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo, các tàu này bị liệt vào danh sách đen của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OAFC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ. Đáp lại, I-ran khẳng định các lệnh trừng phạt mới nhất cho thấy chiến dịch gây sức ép với Tê-hê-ran của Mỹ đang thất bại. Cả I-ran và Vê-nê-xu-ê-la đều tuyên bố kiên trì chống lại các lệnh trừng phạt của Oa-sinh-tơn.

Song song với những tuyên bố cứng rắn trong cuộc đối đầu với Mỹ, I-ran tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng thủ và tìm cách “lách luật” để cứu nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do các biện pháp trừng phạt. Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) đã thông báo kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự thường trực tại Ấn Độ Dương vào tháng 3-2021 trước yêu cầu cấp thiết về sự hiện diện thường trực của lực lượng này tại vùng biển cách xa I-ran.

I-ran còn lên kế hoạch xuất khẩu dầu từ một cảng trên bờ biển nước này ở Vịnh Ô-man vào tháng 3 năm tới, coi đây là quyết định chiến lược nhằm bảo đảm việc xuất khẩu dầu không bị gián đoạn. Sự thay đổi này nhằm tránh sử dụng tuyến đường vận chuyển qua Eo biển Hoóc-mút, vốn là tâm điểm căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và I-ran trong nhiều thập kỷ qua. I-ran nhiều lần đe dọa sẵn sàng đóng cửa Eo biển Hoóc-mút, tuyến hàng hải vận chuyển 20% lượng dầu từ các nhà sản xuất ở Trung Đông đến các thị trường trên thế giới, nếu hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này bị chặn. Tê-hê-ran dự kiến sẽ xuất khẩu một triệu thùng dầu/ngày từ Ban-đa E Giát, một cảng trên bờ biển Vịnh Ô-man. Lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của I-ran vốn vào khoảng 2,6 triệu thùng/ngày trước khi lệnh cấm vận được áp dụng trở lại. “Đòn trừng phạt” của Mỹ đã khiến nền kinh tế I-ran kiệt quệ, đồng nội tệ nước này mất giá kỷ lục. Doanh thu từ dầu mỏ của I-ran còn 8,9 tỷ USD trong năm nay (tính đến tháng 3 vừa qua), giảm mạnh so con số 119 tỷ USD của hồi năm 2011.

Cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và I-ran liên quan JCPOA tiếp tục khiến “hồ sơ hạt nhân I-ran” thêm phức tạp. Căng thẳng gia tăng sau khi Hội đồng thống đốc gồm 35 thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đây thông qua nghị quyết kêu gọi Tê-hê-ran cho phép các thanh sát viên của tổ chức này tiếp cận hai cơ sở hạt nhân của I-ran. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm kêu gọi I-ran đàm phán lại JCPOA sau khi Oa-sinh-tơn đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, điều này dường như không thể xảy ra khi I-ran tuyên bố chỉ đàm phán với Mỹ nếu Oa-sinh-tơn xin lỗi về quyết định rút khỏi JCPOA và bồi thường cho họ. I-ran khẳng định sẽ không cho phép các tổ chức quốc tế được sử dụng như công cụ của Mỹ và đồng minh để đe dọa chủ quyền của I-ran.

Theo giới quan sát, dự thảo nghị quyết chống I-ran mà Mỹ hối thúc thông qua có thể không được phê chuẩn do hai nước có quyền phủ quyết tại HĐBA là Trung Quốc và Nga phản đối gia hạn lệnh cấm vận I-ran. Đối thoại được cho là kênh duy nhất hiện nay có thể hạ nhiệt căng thẳng bởi chỉ có nhượng bộ lẫn nhau mới mở ra cơ hội để giải quyết những vấn đề phức tạp và gai góc nhất trong quan hệ đầy sóng gió giữa Mỹ và I-ran.